Ngày 11-1, đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin ít nhất 145 trẻ em tại miền Đông nước này đã uống phải lô vaccine hết hạn gần một tháng, trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực ngăn chặn những lỗ hổng trong ngành công nghiệp này sau vụ bê bối vaccine tại công ty Trường Xuân Trường Sinh (Changchun Changsheng) gây rúng động dư luận hồi năm ngoái.
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho trẻ em tại một bệnh viện ở Dung An, Trung Quốc. |
Theo CCTV, vụ việc đã bị một phụ huynh phát hiện khi đưa con đến cơ sở y tế tại huyện Kim Hồ, tỉnh Giang Tô hồi đầu tuần này. Vào thời điểm đó, người này đã phát hiện nhiều trẻ đã bị cho uống một lô vaccine phòng bệnh bại liệt hết hạn từ ngày 11-12-2018. CCTV dẫn nguồn tin chính phủ cho biết có 145 trẻ uống phải lô vaccine hết hạn này trong khoảng thời gian từ 11-12-2018 tới 7-1 vừa qua. Ba quan chức y tế huyện Kim Hồ đã bị thôi chức sau khi vụ việc bị phơi bày ra ánh sáng. Ngoài ra, 5 quan chức địa phương khác cũng đang bị điều tra.
Theo giới chức y tế địa phương, vaccine hết hạn chỉ làm giảm hiệu quả phòng bệnh mà không gây ra những biến chứng có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, CCTV cho biết một số bậc phụ huynh đã nói rằng con em họ có biểu hiện nôn mửa và buồn ngủ sau khi uống vaccine trên, song hiện không rõ đây có phải là phản ứng thường gặp do uống vaccine này hay không.
Tại Trung Quốc, vaccine phòng bại liệt nằm trong chương trình tiêm chủng bắt buộc được cung cấp miễn phí dành cho trẻ từ 2 tháng tới 4 tuổi. Vụ việc một lần nữa làm dấy lên những lo ngại và hoang mang trong dư luận xung quanh chương trình tiêm phòng quốc gia của Trung Quốc sau vụ bê bối vaccine tại công ty Công nghệ sinh học Trường Xuân Trường Sinh.
Hồi cuối tháng 7 năm ngoái, CFDA thông báo đã phát hiện công ty Trường Xuân Trường Sinh làm giả các thông tin dữ liệu sản xuất và các dữ liệu về thử nghiệm sản phẩm, khai khống tỷ lệ thành công của vaccine phòng dại, đồng thời tự ý thay đổi trang thiết bị và thông số quy trình sản xuất một loại vaccine phòng bệnh dại thường được sử dụng cho trẻ nhỏ.
CFDA đã thu hồi giấy phép sản xuất loại vaccine trên và yêu cầu Trường Xuân Trường Sinh dừng sản xuất và bán sản phẩm này, đồng thời đình chỉ cấp phép tất cả các sản phẩm khác của công ty. Dù giới chức khẳng định các lô vaccine phòng bệnh dại vi phạm chưa được đưa ra thị trường nhưng vụ việc đã dấy lên làn sóng chỉ trích từ dư luận vì liên tục xảy ra những vụ bê bối dược phẩm kém chất lượng tại quốc gia này.
PHƯƠNG OANH