Hội nghị thường niên 2019 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hay còn gọi là Diễn đàn Davos 2019, một trong những diễn đàn quốc tế quan trọng và uy tín, nơi các nhà lãnh đạo cùng nhau bàn thảo về những vấn đề cấp thiết toàn cầu để cùng hướng tới sự thịnh vượng chung, diễn ra từ ngày 22 đến 25-1 tại Davos-Klosters, Thụy Sĩ.
Người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ông Klaus Schwab phát biểu tại họp báo về Diễn đàn Davos 2019, diễn ra ngày 15-1 tại Geneva (Thụy Sĩ).
|
Chủ đề của Hội nghị Davos 2019 sẽ là “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình kiến trúc toàn cầu trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Hội nghị Davos năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đang bước vào thời kỳ bất ổn toàn cầu sâu sắc do sự gián đoạn công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng sự sắp xếp lại địa - kinh tế và các lực lượng địa - chính trị. Thế giới mới chỉ ở giai đoạn đầu của Toàn cầu hóa 4.0 và hoàn toàn không được chuẩn bị để ứng phó với quy mô của những thay đổi sắp tới.
Giới chuyên gia nhận định các quốc gia vẫn tiếp tục giải quyết các vấn đề của toàn cầu hóa với một quan điểm lạc hậu và thiếu đồng bộ, do đó thế giới phải xác định lại các quy trình và thể chế để có thể tận dụng được tốt hơn những cơ hội mới ở phía trước, đồng thời tránh được các xáo trộn.
Sự chuyển động của thế giới kèm theo một loạt sự thay đổi cả về chính trị, kinh tế, xã hội diễn ra cùng lúc được cho là sẽ định hình lại toàn cầu hóa: cân bằng quyền lực toàn cầu chuyển từ đơn cực sang đa cực; cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn liền với đổi mới sáng tạo mang lại các công nghệ nền tảng như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT)... với tốc độ và quy mô chưa từng có trong lịch sử; các thách thức sinh thái, trong đó có biến đổi khí hậu, đe dọa sự phát triển kinh tế xã hội....
Toàn cầu hóa đã mang lại tăng trưởng và phát triển ở cấp độ quốc tế, nhưng nó cũng đã tạo ra sự bất bình đẳng ngày càng lớn. Đối với làn sóng toàn cầu hóa tiếp theo, “Toàn cầu hóa 4.0”, các nhà lãnh đạo cần rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ, xây dựng xã hội hòa nhập hơn và bảo vệ tốt hơn những cộng đồng dễ bị tổn thương. Để cải thiện đời sống cho con người trên toàn cầu, quản trị ở các cấp doanh nghiệp, chính phủ và toàn cầu phải thích nghi đầy đủ với bối cảnh kinh tế, chính trị, môi trường và xã hội mới này.
Diễn đàn Davos 2019 đặt mục tiêu xác định các mô hình hòa bình mới, bền vững và toàn diện, nhằm thích nghi với một thế giới mà ở đó, hội nhập toàn cầu mạnh mẽ là tiến trình không thể tránh khỏi, và việc thúc đẩy hành động hài hòa giữa các cường quốc trên thế giới là vấn đề then chốt .
Tham gia WEF 2019 có trên 65 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ và đại diện các tổ chức quốc tế, trên 3.000 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, giới học giả, các đại diện của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và truyền thông...
Hội nghị sẽ bao gồm hơn 350 phiên làm việc, thảo luận và đối thoại của các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, xã hội dân sự, các cơ quan truyền thông, các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực và thế hệ trẻ, từ khắp nơi trên thế giới.
HOÀNG HOA