Dù đã lùi thời hạn bỏ phiếu tại Quốc hội tới hơn 1 tháng, nhưng Thủ tướng Theresa May vẫn phải nhận thất bại cay đắng khi các nghị sĩ Anh đã thẳng thừng bác bỏ thỏa thuận Brexit tại phiên họp vào rạng sáng 16-1.
Toàn cảnh phiên họp bỏ phiếu của Hạ viện Anh về thỏa thuận Brexit đạt được giữa Chính phủ và EU, tại London ngày 15-1-2019. Ảnh: AFP |
Vậy là câu chuyện nước Anh rời khỏi “ngôi nhà chung” trong hỗn loạn giờ đã không còn là nỗi lo lắng mà đã trở thành hiện thực. Với số phiếu chênh lệch quá lớn, 432 phiếu chống và chỉ có 202 phiếu ủng hộ. Không chỉ kế hoạch Brexit rơi vào khủng hoảng mà toàn bộ chính phủ Anh cũng có thể hứng chịu tương lai bấp bênh.
Thực ra, kịch bản thỏa thuận Brexit mà chính phủ Anh đạt được với EU tháng 11 năm ngoái bị bác bỏ đã được dự đoán từ ban đầu, song tỷ lệ chênh lệch quá lớn, tới 230 phiếu, là hoàn toàn nằm ngoài sức tưởng tượng. Hơn 100 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ của bà May, cả những người ủng hộ Anh rời EU lẫn những người ủng hộ Anh tiếp tục là thành viên EU, hợp lực bỏ phiếu bác bỏ thoả thuận, dẫn tới thất bại tồi tệ nhất của chính phủ trong lịch sử 95 năm tại Quốc hội, là một đòn “chí tử” giáng vào nỗ lực của “người chèo lái con thuyền” nước Anh trong suốt gần 2 năm qua để đưa “xứ sở sương mù” ra khỏi châu Âu một cách có trật tự.
Ngay sau cuộc bỏ phiếu Brexit, lãnh đạo Công đảng đối lập, ông Jeremy Corbyn, đã kêu gọi tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính quyền của Thủ tướng May ngay trong ngày 16-1. Nếu không thể vượt qua cửa ải quốc hội, điều này sẽ mở đường cho việc thành lập một chính phủ mới, một kịch bản báo hiệu một giai đoạn mới với nhiều hỗn loạn hơn nữa trên chính trường Anh, nhất là thời hạn chót 29-3 đang cần kề. Nội bộ nước Anh đang chia rẽ về kế hoạch Brexit, trong khi đa số người dân ủng hộ việc rời liên minh trong cuộc trưng cầu dân ý lần một hồi tháng 6-2016, nhưng đến nay nhiều người đã bắt đầu lung lay quan điểm và bắt đầu hoài nghi về tương lai của Anh sau khi rời EU. Trong khi những người ủng hộ Brexit cho rằng các đảng nước này nên tiếp tục thương lượng để có một thỏa thuận rời EU suôn sẻ thì không ít ý kiến ủng hộ việc tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai.
Về phần mình, mặc dù thừa nhận thất bại, song dường như “bà đầm thép” của nước Anh không muốn bỏ cuộc khi tuyên bố sẽ dành thời gian để tranh luận về chủ đề Brexit ngay trong ngày 16-1. Giới phân tích cho rằng bà đang muốn đề nghị các đảng thương lượng để xác định một con đường cho Brexit. Vẫn biết Hạ viện đã bác bỏ thỏa thuận này, nhưng bà cho rằng kết quả cuộc bỏ phiếu vừa qua không “rạch ròi” được những điều cần làm, không đề cập đến phương cách, thậm chí hướng để hiện thực hóa nguyện vọng của người dân Anh.
Hiện vẫn chưa rõ liệu “kế hoạch B” được đề cập nhiều nhất hiện nay là Thủ tướng May sẽ yêu cầu EU lùi thời điểm 29-3 sang tháng 7-2019 để có thêm thời gian thuyết phục trong nước có được thực hiện hay không. Mặc dù Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk từng khẳng định sẵn sàng chuẩn bị cuộc họp khẩn cấp nếu nhận được đề nghị của Thủ tướng May và EU có thể đồng ý kéo dài thời hạn Brexit. Song với một số quan điểm cho rằng thời hạn kéo dài không thể vượt quá thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), dự kiến được tổ chức vào tháng 5 tới, với lý do một Brexit “cứng” sẽ trở thành thảm họa đối với tất cả các bên, xem ra đề xuất này cũng khó khả thi.
Kịch bản bà May trở lại Brussels đề nhận được sự nhượng bộ lớn hơn xem ra càng khó thành công, bởi lẽ các đại diện EU nhiều lần khẳng định không đàm lại, chỉ đưa ra “đảm bảo” về vấn đề chốt chặn biên giới với Ireland. Dĩ nhiên bà May có thể đưa thỏa thuận trở lại quốc hội và yêu cầu xem xét lại. Song, logic của động thái cũng đang bị đặt câu hỏi. Bởi lẽ khi các nghị sĩ vừa bác bỏ dự thảo thỏa thuận Brexit, việc xem xét lại gần như chắc chắn sẽ cho ra một kết quả tương tự.
Không thỏa thuận, Anh vẫn có thể rời EU vào ngày 29-3. Giới phân tích cho rằng Thủ tướng Anh cũng có thể quyết định thay đổi chiến lược và chủ động theo đuổi Brexit “không thỏa thuận” để tránh khả năng bị dừng hoàn toàn. Song điều này có thể sẽ gây nhiều nguy hiểm cho bà May. Các thành viên trong nội các của bà có thể chọn giải pháp từ chức để phản đối chính sách như vậy, trong khi các đối thủ tuyên bố sẽ gây ra sự hỗn loạn cho nước Anh.
Thời điểm Anh phải chính chức chia tay EU ngày càng đến gần nhưng hiện vẫn không có gì bảo đảm cho giai đoạn chuyển tiếp sắp diễn ra. Hậu quả lớn nhất lúc này mà người ta tính đến sau ngày 29-3 là London sẽ mất hết mọi lợi thế trong quan hệ với EU.
Không đạt được thỏa thuận cũng đồng nghĩa với việc không có giai đoạn chuyển tiếp, Anh phải lập tức ra khỏi liên minh thuế quan châu Âu. Với kịch bản này, London mặc nhiên phải từ bỏ 750 thỏa thuận quốc tế, kể cả thỏa thuận về thị trường chung châu Âu. Cũng có nghĩa là Brussels sẽ tái lập các hàng rào thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng hóa của Anh bán sang thị trường chung châu Âu. Dĩ nhiên mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều cho cả đôi bên.
PHƯƠNG HOA