Cuộc đàm phán giữa phái đoàn của Nga và Mỹ nhằm cứu vãn Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) tại Geneva, Thụy Sĩ, tối 15-1 đã đổ vỡ khi hai bên tiếp tục chỉ trích lẫn nhau.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: EPA |
Nga đổ lỗi cho Mỹ về nguy cơ sụp đổ INF. Các hãng thông tấn của Nga dẫn phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao nước này, ông Sergei Ryabkov, nhấn mạnh: “Trách nhiệm cho việc này hoàn toàn nằm ở phía Mỹ”. Thứ trưởng Ryabkov, trưởng đoàn đàm phán Nga, cho biết hai bên đã không thể nhất trí về bất kỳ vấn đề nào và Washington dường như không định tiến hành thêm các cuộc đàm phán.
Trong khi đó, Mỹ tuyên bố Nga vẫn tiếp tục “vi phạm đáng kể” INF, làm gia tăng khả năng Washington sẽ rút khỏi thỏa thuận này. Thứ trưởng Mỹ phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Andrea Thompson tuyên bố: “Cuộc họp gây thất vọng khi rõ ràng Nga tiếp tục vi phạm đáng kể hiệp ước và không hề sẵn sàng giải thích cách thức Nga dự định thực thi trở lại (hiệp ước) một cách đầy đủ và có kiểm chứng”. Bà khẳng định lập trường của Mỹ rằng Nga cần phải phá hủy hệ thống tên lửa vi phạm.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8-12-1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km). Ngày 21-10-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729” và bóng gió về khả năng Mỹ rút khỏi INF.
Đến ngày 4-12 sau đó, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước định này, nếu Nga không tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày. Tuy nhiên, Moskva khẳng định Nga tuân thủ INF trong khi Mỹ luôn vi phạm. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Mỹ rút khỏi INF sẽ đe dọa số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí. Nhiều nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng phản đối việc Mỹ rút khỏi INF do lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.
LAN PHƯƠNG