Xung đột dữ dội đã bùng phát giữa quân đội Chính phủ Yemen và nhóm vũ trang Houthi tại thành phố cảng Hodeidah trên Biển Đỏ, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được trước đó dưới sự bảo trợ của LHQ.
Lực lượng ủng hộ chính phủ Yemen tại khu vực ngoại ô Hodeida ngày 14-11-2018. (Ảnh: AFP)
|
Ngày 23-12, Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin quân đội cho biết ngay khi các giám sát viên LHQ tới Hodeidah, đụng độ có vũ trang đã xảy ra ở phía Tây thành phố. Các tay súng Houthi tìm cách đánh chiếm lại các khu vực mà chính phủ đang kiểm soát gần trung tâm mua sắm CityMax tại đây.
Theo người dân địa phương, giao tranh dữ dội giữa các lực lượng chính phủ và các tay súng bắt đầu xảy chiều 23-12. Ngoài ra, Houthi đã nã nhiều đạn pháo về phía khu dân dân cư Mandher tại Hodeidah. Trong khi đó, mạng truyền hình Masirah cổ xúy cho nhóm vũ trang này đưa tin các lực lượng nhận được sự hậu thuẫn của liên minh quân sự Arab do Saudi Arabia đứng đầu vẫn tiếp tục dựng các chốt kiểm soát và nhiều căn cứ quân sự mới.
Các vụ đụng độ vũ trang nói trên là diễn biến căng thẳng mới nhất trong vòng 5 ngày qua kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên tham chiến tại TP.Hodeidah có hiệu lực hôm 18-12. Đụng độ xảy ra bất chấp việc Trưởng phái đoàn giám sát lệnh ngừng bắn tại Hodeida, Đại tá về hưu Patrick Cammaert, ngay trước đó đã tới thủ đô Sanaa của Yemen để tiến hành cuộc gặp với đại diện phiến quân Houthi.
Hôm 21-12 vừa qua, HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết cho phép triển khai đoàn giám sát tới Hodeida-thành phố cảng quan trọng, là nơi lưu thông 90% thực phẩm nhập khẩu vào Yemen. Hiện thành phố này đang do phiến quân Houthi kiểm soát trong khi quân đội chính phủ dưới sự hậu thuẫn của liên quân Arab có kế hoạch tấn công giành lại thành phố. Giới chuyên gia cảnh báo một chiến dịch quân sự mới nhằm vào thành phố sẽ có thể khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây thêm trầm trọng. Trước đó, trong cuộc hòa đàm do LHQ bảo trợ diễn ra tại Thụy Điển hồi đầu tháng này, các bên tham chiến đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ 18-12.
Tuy nhiên, xung đột vẫn diễn ra trong khi các bên tiếp tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Đội giám sát của LHQ sẽ đảm bảo cảng Hodeida duy trì hoạt động và giám sát quá trình phiến quân rút khỏi thành phố cảng này.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa nhóm vũ trang Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh với các lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi được quốc tế công nhận. Tháng 3-2015, liên quân Arab đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Hadi. Theo LHQ, kể từ đó đên nay, hơn 10.000 người đã thiệt mạng tại Yemen. Xung đột cũng đẩy quốc gia Trung Đông này vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới với gần 14 triệu người đứng trước nguy cơ bị đói.
MINH TÂM