Tướng Mỹ bị lính Mỹ bắt làm… tù binh!

Thứ Sáu, 16/11/2018, 13:49 [GMT+7]
In bài này
.

Tháng 12-1944, khi Thế chiến II bước vào giai đoạn kết thúc, tại Ardennes, Bỉ, chuẩn tướng Bruce Clarke, Tư lệnh sư đoàn 4 bộ binh Mỹ - một trong những đơn vị làm nhiệm vụ đánh vào cứ điểm phòng thủ Bulge của Đức Quốc xã đã bị quân cảnh Mỹ nghi là gián điệp và bắt làm tù binh chỉ vì ông không trả lời được câu hỏi đội bóng bầu dục Mỹ Cubs Chicago đã thắng những giải nào…

Tướng Clarke (thứ 2 từ phải qua) cùng các tướng Pháp trong ngày giải phóng Paris.
Tướng Clarke (thứ 2 từ phải qua) cùng các tướng Pháp trong ngày giải phóng Paris.

1. Bắt đầu từ tháng 11-1944, tình hình bất lợi đã nghiêng hẳn về phía Đức Quốc xã sau khi quân Đồng Minh đổ bộ lên bờ biển Normandy, Pháp, rồi tiếp theo, một số quốc gia miền Tây châu Âu được giải phóng. Ở phía đông, Hồng quân Liên Xô đã tiến sát biên giới nước Đức để chuẩn bị cho cuộc tấn công tổng lực vào Berlin.

Trong sự giận dữ điên cuồng khi bị dồn vào chân tường, Hitler cho gọi trung tá Skorzeny, tư lệnh Lực lượng đặc biệt Đệ tam đế chế. Người này là một huyền thoại của quân đội Quốc xã - người đã nhảy dù xuống Italia, cứu thoát nhà độc tài Mussolini lúc ấy đang bị giam giữ bởi những tướng tá chủ trương đàm phán hòa bình với Đồng Minh. Skorzeny cũng chính là người đã tìm ra kho báu của dân tộc Cathar, chôn giấu tại một hang đá ở miền Nam nước Pháp hồi đầu thế kỷ thứ 10, trong đó có chiếc “chén thánh” bằng vàng ròng nạm hồng ngọc. Theo ước tính của các nhà khảo cổ thời điểm 1944, tổng trị giá kho báu không dưới 9 tỷ USD. 

Khi gặp Skorzeny, Hitler ra lệnh cho viên trung tá này thực hiện một chiến dịch, mật danh là “Sương mù mùa Thu - Operation Autumn Fog”. Theo đó, Skorzeny sẽ tổ chức một nhóm biệt kích gồm những người nói giỏi tiếng Mỹ, mang trang phục và vũ khí như lính Mỹ. Đội quân ấy sẽ nhảy dù xuống phía sau phòng tuyến Mỹ ở vùng Ardennes, nước Bỉ để tiến hành các hoạt động ám sát, phá hoại, tung tin đồn giả nhằm gây hỗn loạn trong hàng ngũ lính Mỹ. 

Ngày 6-12-1944, 30 biệt kích đầu tiên được thả xuống rừng Bulge, Ardennes rồi tiếp theo, 3 nhóm khác gồm 90 người cũng được thả xuống. Chỉ 2 ngày sau, họ đã cắt hàng trăm mét dây điện thoại, bắt giữ 1 xe Jeep chở 1 trung úy đại đội trưởng Mỹ cùng 4 xe tải chất đầy thức ăn đóng hộp. Sau khi giết chết viên đại đội trưởng, tài xế và 6 lính Mỹ hộ tống, dựa trên giấy công lệnh thu được, nhóm biệt kích sử dụng những chiếc xe này ngang dọc qua lại các tuyến phòng thủ của quân Mỹ. Đến đâu, họ lại tung tin đồn 20 sư đoàn tinh nhuệ SS Đức Quốc xã với sự yểm trợ của xe tăng Panzer và pháo hạng nặng, đã giăng bẫy chờ quân Mỹ trong rừng Bulge. Kết quả là phía Đồng Minh phải lùi thời điểm tấn công đến ngày 16-12 nhưng cũng phải mất 39 ngày, họ mới chiếm được Bulger với 75.000 người thương vong, đổi lại phía Đức là 98.000 người. 

2. 9 ngày kể từ khi trận đánh rừng Bulge mở màn, chuẩn tướng Bruce C. Clarke khi ấy là tư lệnh Sư đoàn bộ binh số 4 quân đội Mỹ, được giao nhiệm vụ đánh chiếm thị trấn St. Vith, nơi có những tuyến đường sắt quan trọng từ Bỉ đến Đức. Thời điểm này, thông tin về việc các nhóm biệt kích Đức Quốc xã ăn mặc như lính Mỹ đã được Bộ Tư lệnh Đồng Minh phổ biến đến từng đơn vị nên Lực lượng Cảnh sát quân sự Mỹ (Military Police - gọi tắt là quân cảnh) đã thiết lập nhiều trạm kiểm soát ở các vị trí trọng yếu. Họ được quyền xét hỏi giấy tờ của tất cả các cấp và bắt giữ những kẻ tình nghi. Chỉ một thời gian ngắn, quân cảnh Mỹ đã phát hiện 27 “lính Mỹ” là biệt kích Đức.

Sáng 29-12-1944, từ hầm chỉ huy, chuẩn tướng Clarke đi bộ ra ngoài để kiểm tra các tuyến phòng thủ. Vì nằm ở khu vực an toàn nên Clake chỉ đi một mình, không mang theo cận vệ. Ông mặc chiếc quần lính bằng dạ màu ô liu, khoác áo blouson nhưng không đeo quân hàm. Và thay vì đi theo con đường chính mà những chiếc xe Jeep của Bộ Tham mưu sư đoàn vẫn thường xuyên qua lại, Clarke chọn cách đi tắt xuống một sườn đồi cho nhanh.

Xuống đến chân đồi và vừa đến bìa rừng, tướng Clarke nghe tiếng hô giật giọng: “Đứng lại”. Giây lát, 4 quân cảnh thận trọng bước tới, súng chĩa vào người ông. Đưa tay ra dấu cho họ bình tĩnh, Clarke nói: “Tôi là chuẩn tướng Clarke, tư lệnh Sư đoàn bộ binh số 4”. Các quân cảnh cười lớn. Những câu chuyện truyền miệng về hành động xuất quỷ nhập thần của nhóm biệt kích Skorzeny đã khiến họ cảnh giác cao độ. Một quân cảnh tiến sát đến bên Clarke, thúc họng súng vào bụng ông ta: “Mày mà là tướng à? Dang chân, dang tay ra”.

Quân cảnh Mỹ kiểm tra một lính Mỹ nghi là biệt kích Đức ở Ardennes.
Quân cảnh Mỹ kiểm tra một lính Mỹ nghi là biệt kích Đức ở Ardennes.

Sau khi lục soát khắp người Clarke, nhóm quân cảnh giải ông đến một ngôi nhà gần đó rồi trói ông lại. Một người hỏi ông: “Mày nói mày là tướng, là người Mỹ, vậy mày cho tao biết Cubs Chicago đã thi đấu trong những giải nào?”.

Thời điểm ấy, Cubs Chicago là một trong rất ít những đội bóng chày nổi tiếng toàn nước Mỹ và phần lớn người Mỹ đều quan tâm đến những trận thi đấu của họ. Thế nhưng, tướng Clarke lại chỉ biết lơ mơ về đội này nên câu trả lời của ông càng khiến cho nhóm quân cảnh khẳng định ông là biệt kích Đức. Ngay cả khi trung sĩ Mike Klimick thuộc Lực lượng trinh sát 87 của quân đội Mỹ, người đã từng gặp tướng Clarke vài lần, nhận ra nhóm quân cảnh đã bắt nhầm người nhưng Mike Klimick cũng chẳng làm gì được vì khi nhóm quân cảnh hỏi Clarke mật khẩu mà lính Mỹ ở Bulge dùng để nhận ra nhau, ông trả lời bằng mật khẩu đã áp dụng  từ… 2 tuần trước!

Nhận thức sự nguy hiểm có thể sẽ xảy ra với tướng Clarke bởi những hoạt động của biệt kích Đức đã khiến quân Mỹ rất căm thù nên nếu không kềm chế được, nhóm quân cảnh sẽ dùng nhục hình để khai thác ông, thậm chí bắn chết ông, trung sĩ Mike Klimick vội vã chạy về Bộ Chỉ huy sư đoàn nhưng một lần nữa định mệnh lại chơi khăm tướng Clarke. Không ai trong Bộ Chỉ huy tin rằng Clarke bị quân cảnh bắt vì nghi là biệt kích Đức. Thậm chí, một sĩ quan tùy viên của Clarke còn khẳng định ông đang đi kiểm tra tuyến phòng thủ phía Tây thị trấn St. Vith. Điện thoại cho người chỉ huy tuyến phòng thủ này, ông ta trả lời là đã biết tin tướng Clarke sẽ đến kiểm tra, lính tráng đang chuẩn bị đón tiếp!

Cuối cùng, phải mất 5 tiếng sau khi không tìm thấy tướng Clarke, các sĩ quan trong Bộ Chỉ huy sư đoàn 4 mới xuống căn nhà nơi nhóm quân cảnh giam ông. Lúc mở cửa, họ thấy tư lệnh của họ ngồi bệt trên nền nhà, chiếc áo blouson đã bị lột ra, hai tay trói giật cánh khuỷu và chân cũng bị trói. 4 quân cảnh lúc thấy các sĩ quan trong Bộ Chỉ huy sư đoàn xuất hiện, ai cũng hí hửng vì với chiến công bắt biệt kích, chí ít họ cũng được khen thưởng, chưa kể còn có thể được thăng cấp, nhưng khi các sĩ quan nhanh chóng cởi trói “tù binh”, mặc lại áo cho ông rồi kính cẩn mời ông lên xe Jepp, cả 4 quân cảnh mặt xanh lét. Họ ấp úng xin lỗi Clarke nhưng ông cười: “Các cậu cảnh giác tốt lắm. Chỉ có điều là các cậu trói tôi quá chặt…”.

VŨ CAO
Theo War History

;
.