Trong gần 10 năm, bắt đầu từ tháng 12-1979 và kết thúc vào tháng 2-1989, quân đội Liên Xô ở Afghanistan với hơn 100.000 người đã chiến đấu chống lại lực lượng Mujahedeen (chiến binh Hồi giáo tự do, tiền thân của tổ chức Taliban sau này) với những trận đánh khốc liệt. Một trong những trận ấy là trận đánh đồi 3234 giữa Đại đội 9 thuộc Lữ đoàn Dù 345 Liên Xô với hơn 300 tay súng Mujahedeen. Nó đã trở thành một trong những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc chiến tranh Liên Xô-Afghanistan.
Quang cảnh ngọn đồi 3234. |
8 NĂM TRONG VÒNG VÂY
Sau khi đưa quân vào Afghanistan, đầu năm 1980 quân đội Liên Xô kiểm soát Khost, thuộc tỉnh Khost. Đây là thành phố lớn nhất ở phía Đông Nam Afghanistan, cách thủ đô Kabul 150km, giáp với 2 tỉnh Warazistan và Kurram của Pakistan. Do sân bay Khost có chiều dài đường băng đủ để phục vụ cho việc cất hạ cánh của các loại máy bay phản lực chiến đấu Mig 21, Mig 23, Su 24, cũng như các loại máy bay vận tải Il 18, Il 24 nên nó trở thành căn cứ của Trung đoàn Không quân 103 Liên Xô. Chịu trách nhiệm bảo vệ căn cứ này là Lữ đoàn Dù 234, chỉ huy bởi đại tá Valeri Vostrotin.
Chỉ vài tháng sau khi quân đội Liên Xô triển khai hoạt động tại sân bay Khost, một lực lượng phiến quân Mujahedeen với gần 1.000 tay súng dưới sự chỉ huy của Mohammad Nabi Mohammadi bắt đầu vây hãm thành phố. Được Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) huấn luyện chiến thuật chiến tranh du kích đồng thời trang bị vũ khí - trong đó có cả tên lửa đất đối không Stinger do Mỹ chế tạo, phiến quân Mujahedeen nhanh chóng cắt đứt tuyến đường tiếp vận chính nối liền Khost với thành phố Gardez rồi liên tục tung ra những cuộc tấn công chớp nhoáng nhắm vào các vị trí phòng thủ của Lữ đoàn Dù 234.
Những năm đầu của cuộc bao vây, để có thể tiếp tế xăng dầu, vũ khí, lương thực và các trang bị cần thiết khác cho lực lượng bảo vệ TP.Khost, quân đội Liên Xô phải tổ chức những cuộc hành quân cấp trung đoàn mới có thể giải tỏa được áp lực từ phiến quân Mujahedeen. Khi những cuộc hành quân ấy kết thúc, Mujahedeen lại tiếp tục vây hãm thành phố. Trung úy Mikhail Smirnov, chỉ huy một nhóm đặc nhiệm Spetsnaz hoạt động thu thập tin tình báo ở khu vực này cho biết hầu hết phiến quân Mujahedeen là người Pastun thuộc bộ tộc Ahmadzai. Họ thông thạo địa hình địa vật và khi giấu khẩu súng đi, họ trở thành thường dân nên việc phát hiện và đánh bại họ là việc rất khó.
Cuối năm 1987, lực lượng Liên Xô ở tỉnh Khost hoàn toàn bị cô lập. Việc tiếp tế chỉ còn thực hiện được bằng hình thức thả dù nhưng khá nhiều chiếc dù lại bay lạc sang vùng đất do phiến quân Mujahedeen kiểm soát. Đường cao tốc giữa Gardez và Khost trở thành “con đường của những bóng ma” bởi lẽ phiến quân Mujahedeen ẩn náu trong các công sự kiên cố trên những đỉnh núi xung quanh TP.Khost, sẵn sàng bắn tên lửa Stinger vào tất cả những gì di chuyển ở phía dưới trong lúc quân đội Liên Xô hầu như bất lực.
CHIẾN DỊCH MAGISTRAL
Trước tình hình ấy, đầu năm 1988, Bộ Chỉ huy quân đội Liên Xô ở Afghanistan quyết định rút toàn bộ Trung đoàn Không quân 345 ra khỏi tỉnh Khost nhưng trước hết, họ phải vô hiệu hóa tất cả những khẩu pháo hạng nặng của Mujahedeen đặt trên những sườn núi vì nếu không, cuộc rút lui sẽ là mục tiêu cho những khẩu pháo này. Việc rút quân được đặt cho mật danh là “Chiến dịch Đại lộ - Magistral Operation”.
Thoạt đầu, để nghi binh, một máy bay vận tải Ilyushin Il-76 thả một nhóm hình nộm ăn mặc quần áo như lính dù xuống cao điểm 3234 làm mồi nhử. Ngay lập tức, phiến quân Mujahedeen nổ súng tấn công. Một máy bay trinh sát chụp ảnh các vị trí đặt súng của Mujahedeen rồi chỉ điểm cho pháo binh Liên Xô tiến hành các đợt bắn hủy diệt.
Những người lính còn lại của Đại đội 9 sau trận đánh đồi 3234. |
Cao điểm 3234 là một vị trí cực kỳ quan trọng trong việc kiểm soát con đường cao tốc nối giữa tỉnh Khost và tỉnh Gardez. Khi những đợt bắn phá bằng pháo hạng nặng của pháo binh Liên Xô vừa ngớt, trực thăng thả xuống đỉnh đồi 39 tay súng thuộc Đại đội 9, Lữ đoàn dù 345. Hôm ấy là ngày 7-1-1988 mà theo lịch Nga thì nó là ngày lễ Giáng sinh của những người Nga theo đạo Chính thống. Nhiệm vụ của Đại đội 9 là bằng mọi giá, phải giữ cho được ngọn đồi 3234 để những người trong thành phố Khost rút lui an toàn.
Không để cho những người lính thuộc Đại đội 9 có thời gian thiết lập các vị trí phòng thủ, Mujahedeen mở cuộc tấn công phủ đầu bằng pháo không giật 75mm và tên lửa Stinger. Tiếp theo, 250 chiến binh Mujahedeen tràn lên với súng chống tăng B-40, B-41 cùng đại liên DShk. Được sự hỗ trợ của pháo binh, 39 tay súng Đại đội 9 đẩy lui đợt tấn công đầu tiên của Mujahedeen mà không bị một thiệt hại gì.
Từ đó cho đến mờ sáng hôm sau, dưới sự chỉ huy của Jalaluddin Haqqani, hàng trăm tay súng Mujahedeen lần lượt tổ chức thêm 11 đợt tấn công nữa, nhằm chiếm cho được cao điểm 3234. Trung úy Sergei Botisovich, đại đội phó Đại đội 9 kể lại thời khắc kinh hoàng này: “Thoạt đầu là pháo phóng loạt BM-21 và tên lửa Stinger, ghìm chúng tôi xuống các hố cá nhân. Sau đó là những trận mưa B-40, B-41 và đại liên 12,8mm. Nó khiến những người trong Đại đội 9 đều nghĩ rằng ngày tận thế cũng chẳng đến nỗi khủng khiếp như thế. Khi những loạt pháo vừa ngớt, Mujahedeen dùng súng tiểu liên cầm tay, vừa bắn vừa xông lên. Rõ ràng đây không phải là bọn thổ phỉ, mà là một lực lượng có tổ chức, được vũ trang đầy đủ và huấn luyện bài bản…”.
Sáng 8-1-1988, sau 12 đợt tấn công mà vẫn không chiếm được cao điểm 3234, quân Mujahedeen rút lui. Một số xác chết bị bỏ lại ở chiến trường cho thấy họ là người của Lực lượng đặc biệt Pakistan. Trong tổng số 39 tay súng của Đại đội 9, chỉ có 6 người hy sinh.
Những giờ tiếp theo, toàn bộ Trung đoàn Không quân 103 và Lữ đoàn Dù 234 cùng khác thiết bị, khí tài rút khỏi tỉnh Khost an toàn. Theo báo cáo sơ bộ của Đại đội 9, họ đếm được gần 200 xác phiến quân Mujahedeen trên đồi 3234, nhiều kẻ khác bị thương được đồng bọn mang đi. Một số xác chết là bằng chứng cho thấy sự tham gia của Pakistan trong cuộc xung đột được Liên Xô kháng cáo lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhưng tất cả rơi vào im lặng, chỉ có quan hệ giữa Liên Xô và Pakistan xấu đi.
Về phía 6 người lính của Đại đội 9 hy sinh trên đồi 3234, hai trong số đó là Trung sĩ nhất Vyacheslav Alexandrovich Alexandrov và trung sĩ nhất Andrey Alexandrovich Melnikov được truy tặng Huân chương Sao Vàng. Tất cả những người còn lại được tặng thưởng Huân chương Sao Đỏ.
VŨ CAO
(Theo Battle for Hill in 3234 in Afghanistan)