Những vụ nhét kim, tiêm chất độc vào đồ ăn trên thế giới
Nhét kim vào dâu hay tiêm chất độc vào kẹo là những vụ phá hoại từng xảy ra có thể nhằm trả thù hoặc khủng bố tinh thần công chúng.
Kim được phát hiện trong dâu tây ở Queensland ngày 13-9. |
Australia trong 2 tháng gần đây hoang mang vì hơn 100 vụ kim khâu được tìm thấy trong hoa quả, đặc biệt là dâu tây. Hàng loạt siêu thị của Australia phải loại hoa quả khỏi kệ hàng, nông dân phải đổ bỏ hàng tấn dâu tây không bán được. Cảnh sát ngày 11-11 bắt được nghi phạm là My Ut Trinh, còn gọi là Judy, phụ nữ gốc Việt ngoài 50 tuổi, làm việc tại một trang trại ở bang Queensland. Bà này bị cáo buộc 7 tội danh liên quan tới hủy hoại hàng hóa.
My Ut Trinh sống ở Australia hơn 20 năm và làm việc ở vị trí giám sát những người hái quả tại trang trại Berry Licious, nơi được truy ra là nguồn gốc của vụ phá hoại dâu tây quy mô lớn. Bà được cho là từng nói với những người khác rằng “muốn hủy hoại” việc làm ăn của chủ trang trại, Kevin Tran, do bị đối xử tệ bạc. Thẩm phán Christine Roney tại tòa ở Brisbane cho rằng động cơ của người phụ nữ có thể là trả thù. Phiên điều trần tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 22-11.
NHÉT KIM VÀO KẸO HALLOWEEN
Ngày 31-10-2018, cảnh sát hạt Rowan ở Bắc Carolina, Mỹ, nhận được tin rằng một đứa trẻ 12 tuổi bị thương vì kim sau khi ăn thanh kẹo socola. Nạn nhân trước đó đi xin kẹo trong ngày Halloween ở khu Grace Ridge, Đông Nam hạt Rowan.
Ngày 1-11-2018, thêm một gia đình phát hiện cây kim giấu trong thanh kẹo socola mà con họ nhận được khi đi xin kẹo cũng ở khu Grace Ridge. Cảnh sát sau đó thu lại kẹo Halloween ở khu vực này và kiểm tra bằng X-quang.
Sau khi điều tra, họ xác định nghi phạm là một đứa trẻ 11 tuổi đã đến thăm họ hàng ở Grace Ridge. Đứa bé đang được đánh giá tâm thần trước khi các thủ tục tố tụng ở tòa dành cho trẻ vị thành niên bắt đầu.
TIÊM CHẤT ĐỘC VÀO KẸO Ở NHẬT
Tháng 5-1984, Công ty sản xuất bánh kẹo Glico nhận được thư đe dọa ký tên “Quái vật 21 bộ mặt” (tên được đặt theo nhân vật phản diện trong tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng), dọa rằng kẹo của Glico sẽ bị tiêm thuốc độc xyanua. Trước đó, giám đốc hãng này từng bị bắt cóc và một số xe đậu bên ngoài trụ sở bị đốt. Glico quyết định thu hồi kẹo từ tất cả cửa hàng tạp hóa trên khắp Nhật Bản, khiến công ty thiệt hại 21 triệu USD và hơn 450 công nhân bán thời gian bị sa thải.
Cảnh sát phát hiện ra manh mối: Camera an ninh tại một cửa hàng tạp hóa ghi lại hình ảnh một người đàn ông đặt sản phẩm của Glico lên kệ hàng. Anh ta đội mũ bóng chày và không thể xác định danh tính.
“Quái vật” dường như thích thú trước sự hoảng loạn và bất an mà họ gây ra. Họ gửi thư trêu chọc cảnh sát và truyền thông. “Đừng giả vờ, các anh có vẻ hoang mang lắm đấy”, một bức thư có đoạn viết. Nhưng đến ngày 26-6-1984, “Quái vật” bất ngờ gửi thư nói rằng “Chúng tôi tha thứ cho Glico!” và không giải thích gì thêm.
Tuy nhiên, điều này chỉ đặt dấu chấm hết cho hành vi quấy rối của họ với Glico, “Quái vật” chuyển mục tiêu sang các công ty bánh kẹo lớn khác là Morinaga, Marudai Ham và House Food.
Tháng 10-1984, “Quái vật” tuyên bố rằng 21 gói kẹo Morinaga bị đầu độc bằng natri xyanua. Cảnh sát sau đó thu hồi được tất cả 21 sản phẩm nhiễm độc trước khi có người ăn chúng. Điều đặc biệt là các gói kẹo độc đều được dán nhãn rõ ràng là “Nguy hiểm: Có chứa chất độc”, cho thấy “Quái vật” có vẻ muốn cho “nạn nhân tiềm năng” cơ hội tránh cái chết. Vụ việc này càng làm người dân sợ hãi và Morinaga bị tổn thất tài chính nặng nề.
Cảnh sát Nhật không truy lùng được nghi phạm. Tuyệt vọng vì bế tắc trong vụ án, tháng 8-1985, Yamamoto, lãnh đạo cảnh sát tỉnh Shiga, đã tự thiêu. 5 ngày sau, “Quái vật” gửi bức thư cuối cùng đến truyền thông, tuyên bố từ bỏ việc “tra tấn các công ty thực phẩm”. “Quái vật” sau đó hoàn toàn biến mất.
PHƯƠNG VŨ