Nga lên tiếng cảnh báo về tình trạng chia rẽ trong OPCW

Thứ Tư, 21/11/2018, 18:25 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 21-11, Nga lên tiếng cảnh báo về tình trạng chia rẽ trong Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW), sau khi đa số thành viên trong tổ chức này ủng hộ các kế hoạch do Mỹ và Anh thúc đẩy để thực thi quyền hạn mới của OPCW là quy trách nhiệm các bên sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công, trong khi bác bỏ đề xuất của Nga và Trung Quốc liên quan vấn đề này. 

Toàn cảnh phiên họp OPCW.
Toàn cảnh phiên họp OPCW.

Tại hội nghị thường niên của OPCW diễn ra tại La Hay (Hà Lan), các nước thành viên đã thông qua ngân sách năm 2019, trong đó dành 2,4 triệu euro cho việc thực thi quyền hạn mới nói trên của OPCW.

Ngân sách được thông qua với 99 phiếu ủng hộ và 27 phiếu chống, trong đó sự ủng hộ chủ yếu từ các nước Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Phương Tây thúc đẩy quyền hạn mới nói trên của OPCW sau khi xảy ra các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria cũng như vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc ở Anh. Trước đây OPCW chỉ có quyền hạn xác nhận có xảy ra tấn công bằng vũ khí hóa học hay không. 

Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Iran và một số quốc gia khác cho rằng quyền hạn mới nói trên của OPCW trùng với các chức năng của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và phá vỡ bản chất hoạt động của OPCW là dựa vào hoạt động của các chuyên gia mang tính chất kỹ thuật thuần túy. 

Trong khi đó, các nước thành viên OPCW bác bỏ đề xuất của Nga và Trung Quốc ngăn chặn quyết định hồi tháng 6 vừa qua của tổ chức này về việc thành lập một nhóm phụ trách xác định các tổ chức và cá nhân phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Nga và Trung Quốc lập luận rằng OPCW cần phải xem xét lại quyết định nói trên để bảo đảm không vượt quá chức năng của tổ chức. Tại hội nghị, 82 thành viên OPCW đã bác bỏ việc xem xét lại quyết định trên, trong khi có 30 thành viên ủng hộ.

Trưởng phái đoàn Nga tham dự hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Georgy Kalamanov cho rằng các nước NATO gây sức ép đối với các thành viên khác trong OPCW. Ông nhấn mạnh OPCW cần phải phối hợp với Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nếu muốn quy trách nhiệm đối với các bên sử dụng vũ khí hóa học.

Trong khi đó, đại diện thường trực Nga tại OPCW, Alexander Shulgin tuyên bố Nga kiên quyết phản đối việc biến OPCW thành một cơ quan trừng phạt, nhấn mạnh rằng việc quy kết trách nhiệm về việc sử dụng vũ khí hóa học là xâm phạm thẩm quyền của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Ông Sulgin nêu rõ Nga sẽ thúc đẩy việc giám sát hoạt động của nhóm thẩm quyền trong OPCW, làm mọi việc để ban lãnh đạo OPCW có thể tác động trực tiếp đến hoạt động của cơ chế này.

AFP

;
.