Mối lo dư cung quay lại "nhấn chìm" thị trường dầu mỏ
Giá dầu thế giới giảm gần 2% trong phiên giao dịch ngày 8-11, giữa bối cảnh giới đầu tư tập trung vào sự gia tăng nguồn cung dầu toàn cầu, hiện đang tăng vượt dự kiến.
Giàn khoan dầu ở ngoài khơi của Hãng Shell (Anh). |
Tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao kỳ hạn giảm 1 USD (1,6%), xuống 60,67 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 14-3. Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng mất 1,42 USD (1,97%), xuống 70,65 USD/thùng, mức “đáy” kể từ giữa tháng 8-2018.
Mối lo ngại về tình trạng dôi dư nguồn cung dầu bắt đầu trở lại trên thị trường khi các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào sản lượng dầu cao kỷ lục của Mỹ và một số dấu hiệu cho thấy sản lượng dầu thô tại Iraq, Abu Dhabi và Indonesia sẽ tăng nhanh hơn dự kiến trong năm 2019. Điều này khiến “vàng đen” để tuột mất đà tăng ở đầu phiên, khi xuất hiện báo cáo mới nhất cho thấy nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong tháng 10-2018 là 9,61 triệu thùng/ngày, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2017. Nhờ việc Mỹ “nới lỏng” lệnh trừng phạt Iran, Trung Quốc cùng 6 quốc gia khác vẫn tiếp tục được nhập khẩu dầu mỏ từ quốc gia Hồi giáo này.
Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ đã leo lên mức cao kỷ lục mới vào tuần trước, đạt 11,6 triệu thùng/ngày. Hiện Mỹ đã vượt Nga để trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ thậm chí đã dự báo sản lượng dầu của nước này sẽ chạm ngưỡng 12 triệu thùng/ngày vào giữa năm 2019, nhờ lượng dầu đá phiến “khủng”.
Ngay cả khi Washington áp dụng lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran, giới đầu tư vẫn tin rằng nguồn cung vẫn đủ đáp ứng nhu cầu dầu mỏ trong thời gian tới, qua đó có thể đẩy giá dầu đi xuống.
Tuy vậy, một số nhà quan sát thị trường tin tưởng rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt, trong đó có Nga, sẽ tiến hành các biện pháp thắt chặt nguồn cung thông qua việc từng bước cắt giảm sản lượng.
MINH TRANG