Cuộc vượt ngục ngoạn mục của phi công Liên Xô

Thứ Ba, 06/11/2018, 16:11 [GMT+7]
In bài này
.

Trong Thế chiến II, nhiều tù binh Liên Xô đã tìm cách trốn khỏi các nhà tù của phát xít Đức. Cuộc đào thoát ngoạn mục nhất có lẽ là trường hợp của phi công tiêm kích Mikhail Petrovich Devyatayev, người đã dẫn đầu nhóm 10 tù binh đánh cắp oanh tạc cơ Đức để trở về Liên Xô vào ngày 8-2-1945.

Phi công Devyataev sau khi được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô năm 1957.  
Phi công Devyataev sau khi được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô năm 1957.  

Devyatayev sinh năm 1917 ở Torbeyevo, nay thuộc nước cộng hòa Mordovia, Nga. Năm 1938, ông gia nhập Hồng quân Liên Xô và đăng ký theo học ở trường huấn luyện phi công Chkalov. Tới năm 1944, Devyatayev giữ quân hàm trung úy và chỉ huy một phi đội tiêm kích thuộc Trung đoàn tiêm kích Cận vệ số 104, lập thành tích 9 lần bắn hạ máy bay địch trong chiến đấu.

Ngày 13-7-1944, máy bay của Devyatayev bị bắn rơi trong vùng lãnh thổ Ukraine do Đức kiểm soát và bị lính Đức vây bắt. Để tránh bị lộ thân phận là phi công Liên Xô và đối mặt với đòn tra tấn tàn bạo, ông đã đánh tráo thân phận với một đồng đội là lính bộ binh thiệt mạng. Devyatayev được chuyển đến trại tập trung Karlshagen trên đảo Usedom ở biển Baltic. Đây là nơi phát xít Đức đặt Trung tâm tên lửa Peenemude, nơi phát triển và thử nghiệm nhiều vũ khí hiện đại như tên lửa đạn đạo V-2. Sau khi lên đảo, Devyatayev làm quen với hai tù binh Liên Xô khác là Sokolov và Krivonogov, những người đang lên kế hoạch trốn thoát bằng tàu. Tuy nhiên, Devyatayev giải thích với họ rằng cách trốn thoát tốt nhất là trộm một chiếc máy bay Đức. Ba người thuyết phục được thêm các đồng đội đang làm việc cạnh sân bay, tổ chức thành nhóm tù binh 10 người để chuẩn bị kế hoạch vượt ngục. Các tù binh Liên Xô chọn mục tiêu đánh cắp là oanh tạc cơ He 111 do số lượng người tham gia kế hoạch đào thoát quá đông. Tuy nhiên, Devyatayev chưa có kinh nghiệm lái oanh tạc cơ nói riêng và máy bay Đức nói chung, buộc nhóm tù binh phải thu thập thêm thông tin về loại khí tài này.

Devyatayev bí mật quan sát thao tác của phi công Đức khi khởi động máy bay, cách họ điều khiển thiết bị trong buồng lái khi chuẩn bị xuất phát. Sau khi Devyatayev nắm được cách vận hành cơ bản của oanh tạc cơ, các tù binh Liên Xô bắt đầu chọn thời điểm trốn thoát khi lính Đức đi ăn trưa.

Lần thứ nhất và thứ hai, nhóm tù nhân tiếp cận được máy bay nhưng không thể hành động do phi hành đoàn và đội kỹ thuật mặt đất có mặt ở sân bay. Lần thứ ba, Devyatayev dùng một con dao tự chế hạ gục lính canh, sau đó mặc quân phục Đức và dẫn cả nhóm đến gần chiếc He 111. Do buồng lái bị khóa trái, Devyatayev phải đục một lỗ nhỏ để mở cửa.

Nhóm tù binh Liên Xô vội vã tìm kiếm xung quanh và thấy một xe đẩy chứa các khối ắc quy. Họ gắn chúng vào máy bay, chiếc He 111 nổ máy và lăn ra đường băng. Nỗ lực cất cánh ban đầu không thành công, buộc họ quay đầu lại thực hiện lần hai. Lúc này, lính Đức mới phát hiện và chạy đến trận địa pháo phòng không để ngăn chặn, nhưng chiếc He 111 đã rời mặt đất và bay đi. Trong quá trình máy bay lấy độ cao, các tiêm kích Đức xuất hiện để ngăn chặn. Tuy nhiên, mây dày đặc khiến phi đội Đức mất dấu chiếc He 111.

Sau khi băng qua bờ biển Baltic, cách vị trí cất cánh khoảng 300-400 km, oanh tạc cơ của Devyatayev bị pháo phòng không Liên Xô tấn công vì tưởng là máy bay địch. Chiếc He 111 trúng đạn ở cánh phải, khiến hai người bị thương. Phi công Devyataev quyết định hạ cánh khẩn cấp xuống một đường băng phủ đầy tuyết gần đó.

Vụ đánh cắp oanh tạc cơ của nhóm Devyatayv đã gây tổn thất lớn cho phát xít Đức, bởi nó được lắp thiết bị đặc biệt để dẫn đường cho tên lửa V-2.

Ngày 13-2-1945, tư lệnh không quân Đức Hermann Goering đến đảo Usedom và ra lệnh hành quyết chỉ huy căn cứ không quân cũng như người đứng đầu trại tập trung Karlshagen. Tuy nhiên, cả hai người đều thoát án, có thể do Hitler hủy lệnh tử hình.

Nhờ thông tin từ Devyatayev, Hồng quân Liên Xô đã đánh chiếm đảo Usedom vào tháng 3-1945, trước khi cử chuyên gia đến đây nghiên cứu công nghệ tên lửa Đức. Sau chiến tranh, Devyatayev tham gia dự án chế tạo tên lửa đạn đạo đầu tiên của Liên Xô dựa trên mẫu V-2 Đức. Ngày 15-8-1957, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

PHẠM HUÂN

;
.