Số phận bi thảm của Lee Soo-keun

Thứ Năm, 18/10/2018, 18:25 [GMT+7]
In bài này
.

Lee Soo-keun ban đầu được chào đón như anh hùng vì trốn sang Hàn Quốc giữa làn mưa đạn nhưng sau đó bị xử tử với cáo buộc gián điệp.

Lee Soo-keun được chào đón nồng nhiệt khi đào tẩu sang Hàn Quốc năm 1967.
Lee Soo-keun được chào đón nồng nhiệt khi đào tẩu sang Hàn Quốc năm 1967. 

Trong hơn 30.000 người đào tẩu từ Triều Tiên sang Hàn Quốc, Lee Soo-keun là một trong những người nổi bật và bi thảm nhất. Lee, 44 tuổi, đào tẩu vào ngày 22-3-1967 tại Panmunjom, nơi chia tách hai miền bán đảo Triều Tiên. Với tư cách Phó Chủ tịch Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên, Lee đến đây để đưa tin về cuộc đối thoại giữa Triều Tiên và Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc do Mỹ dẫn đầu. Ông bí mật xin các quan chức Mỹ giúp ông đào tẩu. Họ đồng ý và Lee chạy lên chiếc xe của Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc. 2 lính canh Triều Tiên chạy đến và cố kéo ông ta ra. “Khi đó, tôi lao ra huých 2 người đó ngã”, đại úy Thomas F. Bair của quân đội Mỹ cho biết sau cuộc đào tẩu. Chiếc xe được điều khiển bởi quân nhân Mỹ lao qua hàng rào bằng gỗ tại một trạm kiểm soát Triều Tiên ở Panmunjom. Các lính canh đã bắn hơn 40 phát nhưng họ trốn thoát mà không bị thương.

Cuộc đào tẩu kịch tính của Lee đã trở thành chiến dịch tuyên truyền cho Hàn Quốc và ông được chào đón long trọng như một người hùng. 50.000 người đổ ra đường chào mừng tại Seoul. Ông được tặng nhà, xe hơi, tiền mặt và những món quà khác. Chính phủ đã giúp Lee, người bỏ lại vợ và 3 con ở Triều Tiên, kết hôn với một giảng viên đại học từng học tại Mỹ.

Lee khai rằng ông đào tẩu vì sắp bị thanh trừng do đưa tin không đủ long trọng về bài phát biểu của lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành. Ông mô tả cuộc sống dưới chính quyền Triều Tiên là “địa ngục” khi phải làm việc nhiều giờ với các buổi tuyên truyền đến tận đêm khuya. 

Nhưng Lee cũng không tìm thấy hạnh phúc ở Hàn Quốc. Ông bị theo dõi liên tục. Các nhà điều tra Chính phủ trong những năm gần đây phát hiện ra rằng nhân viên tình báo Hàn Quốc đánh đập Lee nếu ông không nói đúng theo kịch bản khi xuất hiện tại các buổi thuyết trình trước đám đông.

Tháng 1-1969, Lee đội tóc giả và gắn ria mép, dùng hộ chiếu giả lên máy bay để trốn sang Campuchia với sự giúp đỡ của Pae Kyung-ok, cháu của người vợ ở Triều Tiên. Tuy nhiên, Lee đã bị các điệp viên Hàn Quốc bắt lại. Lee được đưa trở lại Hàn Quốc trên một máy bay quân sự và cơ quan gián điệp Hàn Quốc tuyên bố rằng vụ đào tẩu khỏi Triều Tiên của Lee là giả, nhằm giúp ông làm gián điệp ở Hàn Quốc.

Truyền thông Hàn Quốc gọi phát hiện này là “sốc” và “đáng khinh bỉ”. Lee bị treo cổ vào tháng 7-1969, chưa đầy 2 tháng sau khi bị kết tội gián điệp. Khi đối mặt với thòng lọng treo cổ, Lee đã xin lỗi vợ con ở Triều Tiên và người vợ ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, một số nhà báo và sử gia đặt câu hỏi về vụ án. Năm 2007, Ủy ban Sự thật và Hòa giải, cơ quan điều tra vi phạm nhân quyền của các Chính phủ Hàn Quốc tiền nhiệm, nói rằng Lee đã bị tra tấn nhiều lần. Họ đề nghị vụ này được đem ra xử lại. 

Tuần trước, gần nửa thế kỷ sau vụ hành hình, tòa án ở Seoul đã xóa tội gián điệp cho Lee. Họ cho rằng ông bị xử tử dựa trên cáo buộc sai và ép cung bằng tra tấn. Theo tòa, không có bằng chứng cho thấy Lee là gián điệp hay vụ đào tẩu của ông này là một âm mưu. Lee đơn giản là đã chán nản với cả Chính phủ Hàn Quốc lẫn Triều Tiên nên muốn định cư ở một nước khác. “Ông ấy chưa bao giờ có cơ hội thực hiện quyền tự bảo vệ mình và bị phỉ báng như một kẻ đào tẩu giả”, thẩm phán tại tòa án trung tâm Seoul Kim Tae-up nói trong phán quyết tuần trước.

“Tôi nghĩ ông ấy là người không thể sống ở cả Hàn Quốc lẫn Triều Tiên”, James M. Lee, người Mỹ gốc Hàn đã giúp Lee đào tẩu qua Panmunjom khi ông làm việc tại Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc, viết trong hồi ký.

PHƯƠNG VŨ

;
.