Mỹ thông qua đạo luật BUILD thúc đẩy lợi ích tại châu Phi

Chủ Nhật, 07/10/2018, 16:18 [GMT+7]
In bài này
.

“Đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển” (BUILD) vừa được Quốc hội Mỹ thông qua được đánh giá là sáng kiến quan trọng nhất của Washington đối với châu Phi dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thời điểm hiện nay. 

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Mỹ ở Washington, DC.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Mỹ ở Washington, DC.

BUILD không chỉ khuyến khích tăng cường đầu tư của Mỹ ở châu Phi với vai trò là nhân tố kích thích phát triển kinh tế trên khắp “lục địa đen”, mà còn hỗ trợ tăng cường tính cạnh tranh và giảm rủi ro đối với các công ty Mỹ tại thị trường châu Phi đang phát triển và đầy tiềm năng. Đạo luật BUILD được thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng Cộng hòa, Dân chủ tại lưỡng viện và dự kiến Tổng thống Trump sẽ ký phê chuẩn đạo luật này. 

Theo quy định của Đạo luật BUILD, Công ty Đầu tư tư nhân nước ngoài (OPIC) sẽ được chuyển thành Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (USIDFC) với ngân sách 60 tỷ USD, gấp đôi ngân sách hiện tại của OPIC. Đặc biệt, USIDFC sẽ là chủ sở hữu trong các khoản đầu tư - thẩm quyền mới trước đó chưa được giao cho OPIC. 

Từ lâu, những quỹ tài chính phát triển của Trung Quốc và các nước châu Âu đã trao quyền đầu tư vốn chủ sở hữu cho các công ty trong nước - thẩm quyền rất quan trọng trong quá trình đầu tư nước ngoài. Cơ quan mới USIDFC là một công cụ ngoại giao thương mại cần thiết nhưng đang bị bỏ trống của Mỹ hiện nay.

Trước đó, cuối tháng 9 vừa qua, Quốc hội Mỹ cũng đã gia hạn Đạo luật An ninh lương thực toàn cầu (GFS), được thông qua lần đầu tiên vào năm 2016. Luật GFS đóng vai trò hỗ trợ chương trình Nuôi dưỡng tương lai dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và là chiến lược toàn diện của Chính phủ Mỹ nhằm chống đói nghèo và suy dinh dưỡng ở các nước đang phát triển. 

Chương trình Nuôi dưỡng tương lai tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt trong giai đoạn quan trọng 1.000 ngày từ khi bắt đầu thai kỳ của phụ nữ cho đến khi đứa trẻ sinh ra được 2 tuổi. Từ năm 2011, nhờ sự hỗ trợ của chương trình Nuôi dưỡng tương lai, ước tính có khoảng hơn 5 triệu gia đình đã thoát khỏi nghèo đói và trên 3 triệu trẻ em không bị tình trạng suy dinh dưỡng.

REUTERS

;
.