Quá trình ra đời và phát triển của CHDCND Triều Tiên
Nhân 70 năm thành lập CHDCND Triều Tiên, chúng ta cùng nhìn lại lịch sử ra đời và phát triển của quốc gia có nhiều nét đặc biệt này.
CÁC KẾ HOẠCH KINH TẾ THỜI KIM IL-SUNG
Bản đồ bán đảo Triều Tiên. |
Vào cuối thập niên 1960, nhà nước Triều Tiên thực hiện chương trình tăng cường sức mạnh quân đội. Họ đã xây thêm các sân bay quân sự và cả nhà chứa máy bay ở dưới lòng đất. Ngoài ra, họ còn duy trì một lực lượng quân đội thường trực lớn và một lực lượng dân quân hùng hậu.
Việc ưu tiên phát triển quân sự song hành với việc đẩy mạnh phát triển nền kinh tế tự lực. Với sự trợ giúp của Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông Âu, Triều Tiên đã thực hiện một loạt kế hoạch kinh tế và thu được những thắng lợi đáng kể. Tuy nhiên sau đó trợ giúp nước ngoài giảm mạnh. Đầu tiên Liên Xô bắt đầu giảm viện trợ vào cuối thập niên 1950. Sau đó Trung Quốc khi trải qua Cách mạng Văn hóa vào giữa thập niên 1960 cũng giảm viện trợ. Những điều này đã ảnh hưởng rất tiêu cực đến kế hoạch kinh tế 7 năm (1961-1967) của Triều Tiên, khiến Triều Tiên phải kéo dài kế hoạch này thêm 3 năm. Hai kế hoạch kinh tế tiếp theo (1971-1977 và 1978-1984) cũng không đạt được mục tiêu đề ra. Kinh tế Triều Tiên giai đoạn này gặp khó khăn do viện trợ nước ngoài giảm và Triều Tiên đầu tư nhiều cho quốc phòng.
Khi Triều Tiên thông qua bản Hiến pháp mới vào năm 1972, chức Thủ tướng được chuyển đổi thành chức Chủ tịch nước và ông Kim Il-sung tiếp quản vị trí mới. Ông cũng đồng thời giữ chức danh Chủ tịch (lúc này được đổi thành Tổng bí thư) của Đảng Lao động Triều Tiên.
Vào năm 1980, Đảng Lao động Triều Tiên tổ chức Đại hội toàn quốc. Trong quá trình Đại hội, ông Kim Il-sung giới thiệu con trai mình là Kim Jong-il (Kim Chính Nhật) vào 3 vị trí quan trọng trong đảng này, đưa ông Kim Jong-il trở thành người kế vị trong tương lai. Ông Kim Jong-il dần dần nắm giữ quyền lực cho đến thời điểm cha ông qua đời vào tháng 7-1994.
KIM JONG-IL VÀ BƯỚC NGOẶT HẠT NHÂN
Sự tan rã của Liên Xô và khối Đông Âu đã làm tổn thương thêm nền kinh tế Triều Tiên lúc đó và khiến cho chế độ Triều Tiên còn duy nhất một đồng minh là Trung Quốc. Năm 1994, Kim Il-sung qua đời và người con trai là Kim Jong-il kế vị.
Nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên giới thiệu chính sách mới “Tiên quân” – ưu tiên cho quân sự. Ông xây dựng Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) thành một lực lượng chính trị và kinh tế hàng đầu của quốc gia này.
Trong thập niên 1990, tình trạng lũ lụt hoành hành là một trong các nguyên nhân gây ra nạn thiếu đói và suy dinh dưỡng khá nghiêm trọng tại đất nước này vào giai đoạn đó. Sau đó các khó khăn kinh tế của Triều Tiên giảm đi một chút do mối quan hệ với Hàn Quốc được cải thiện. Hàn Quốc khi ấy theo đuổi chính sách “Ánh Dương”, dành sự viện trợ vô điều kiện cho Triều Tiên vào đầu thập niên 2000.
Trong khoảng thời gian đó, Triều Tiên tiến gần tới chỗ xác lập trạng thái hòa bình với Mỹ. Thậm chí Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Madeleine Albright đã được tiếp đón ở Bình Nhưỡng vào năm 2000. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa 2 miền bán đảo Triều Tiên cũng như giữa Triều Tiên và phương Tây xấu đi nhanh chóng.
Triều Tiên muốn trở thành một quốc gia hạt nhân. Ông Kim Jong-il trước đó cam kết tuân thủ Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) ký vào năm 1995. Nhưng các báo cáo vào đầu những năm 2000 bắt đầu cho thấy tại Triều Tiên có các cơ sở hạt nhân dưới lòng đất và nước này đang nghiên cứu cách làm giàu urani.
Đến năm 2003, Triều Tiên đã rút khỏi NPT, trục xuất các thanh sát viên vũ khí quốc tế và nối lại việc nghiên ứu hạt nhân tại cơ sở ở Yongbyon. 3 năm sau, chính quyền ông Kim Jong-il tuyên bố họ đã tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất đầu tiên.
NHÀ LÃNH ĐẠO TRẺ KIM JONG-UN
Sau khi ông Kim Jong-il đột ngột qua đời vào tháng 12-2011, quyền lực được chuyển giao cho người con gần út của ông – Kim Jong-un, lúc đó mới 27 tuổi.
Từ khi lên nắm quyền, Kim Jong-un đã xây dựng cho mình hình ảnh là phiên bản hiện đại của người ông nội. Ông đã thực hiện nhiều biện pháp để củng cố quyền lực. Dưới thời ông Kim Jong-un, Triều Tiên tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Mối quan hệ với Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung trở nên đặc biệt căng thẳng. Năm 2013, vụ thử bom hạt nhân lần thứ 3 của Triều Tiên đã dẫn tới việc HĐBA LHQ cấm vận thương mại và đi lại đối với Triều Tiên. Bản thân đồng minh duy nhất và đối tác thương mại chính của Triều Tiên là Trung Quốc cũng chính thức lên tiếng phản đối Triều Tiên sau vụ thử này.
Trong quãng thời gian năm 2017, mối căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ lên tới một cấp độ chưa từng có tiền lệ. Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo và đã phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa của mình, với tầm bắn vươn tới lục địa Mỹ. Triều Tiên cũng đe dọa phóng tên lửa quanh đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương. Cũng trong năm 2017, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch.
Các động thái trên đã vấp phải những lệnh trừng phạt nặng nề của HĐBA LHQ và phản ứng tức giận của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khiến cộng đồng thế giới lo ngại về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên.
Thế nhưng tình hình đã bất ngờ diễn biến mau lẹ theo chiều hướng hòa dịu vào năm 2018, với 2 cuộc gặp Thượng đỉnh liên Triều và 1 cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử, làm dấy lên hy vọng về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và khả năng phi hạt nhân hóa bán đảo này.
TRUNG HIẾU