.

Những đô thị hạt nhân tuyệt mật trên thế giới - Kỳ cuối

Cập nhật: 18:33, 14/09/2018 (GMT+7)

HANFORD/RICHLAND

Tọa lạc ở tiểu bang Washington (Mỹ), đây là đô thị thứ 3 và cũng là cuối cùng của “các đô thị bao kín” quanh Dự án Manhattan. 

Mục tiêu chủ chốt của đô thị này là sản xuất ra Plutonium. Thời chiến tranh lạnh, Hanford/Richland cũng là nơi tiếp tục duy trì chương trình hạt nhân của Mỹ và nó hoạt động suốt thời kỳ này và là “cỗ máy tiên tiến” nhất trong số 3 điểm Dự án Manhattan cùng có năng lượng sản xuất điện.

Tuy nhiên, trong các giai đoạn đầu tiên, nhiều biến cố xoay quanh nguồn cung cấp điện này khiến nó giảm năng suất theo thời gian. Điều này dẫn đến việc khám phá ra ngộ độc xenon, neutron bị hấp thụ và gây ra các vấn đề trong chuỗi phản ứng cần thiết để sản xuất ra Plutonium đạt chuẩn cho vũ khí. 

PHÒNG THÍ NGHIỆM QUỐC GIA LOS ALAMOS

Los Alamos (New Mexico, Mỹ) nổi tiếng trong việc đóng góp một phần quyết định vào Dự án Manhattan. Los Alamos là địa điểm quan trọng số 1 cho dự án này và hầu như ai cũng nhớ về nó. Biệt danh “Ngọn đồi”, Los Alamos là quê hương thực sự của bom nguyên tử và giữ bí mật tuyệt đối trong suốt thời gian chiến tranh lạnh.

Toàn bộ thành phố này nằm cô lập với thế giới bên ngoài, không ai ở đây nói với bạn bè hay gia đình của họ rằng họ đang làm gì ở Los Alamos. Dân cư ở Los Alamos dùng chung một hộp thư bưu chính.

Nếu có một đứa bé lọt lòng mẹ, nơi khai sinh của nó sẽ được viết là “P.O. Box 1663”. Hơn 5.000 người sống bên trong đô thị tuyệt mật này, tất cả làm việc cùng nhau để đạt mục tiêu mà chỉ có họ mới hiểu. Địa điểm tọa lạc Los Alamos rất hoàn hảo. Chủ sở hữu nó là Chính phủ liên bang, và chỉ có Giám đốc J. Robert Oppenheimer mới biết rõ mọi ngóc ngách trong vùng do ông ta quản lý. Điều thú vị là, buổi ban đầu, Los Alamos là trường nam sinh. 

OAK RIDGE

Đó là năm 1943, chiến tranh thế giới thứ II đang diễn ra, và các lực lượng Đồng Minh đang tìm kiếm một thứ mà có thể kết thúc chiến tranh trong êm đẹp: bom nguyên tử. Nằm cách Knoxville (tiểu bang Tennessee) khoảng 40km, Oak Ridge là nơi tập trung hàng ngàn công nhân, lính tráng và các nhà khoa học.

Trên các bản đồ Mỹ đều không hiển thị địa danh này, tuy nhiên đó là nơi có rất đông người hăng say làm việc cho Dự án Manhattan, một trong những bí mật thuộc hàng tuyệt mật thời chiến thế giới thứ II. Công nhân được giữ kín danh tính như bản chất vốn có của dự án và thậm chí họ còn phải vượt qua các bài kiểm tra phát hiện nói dối.

Hơn 24.281ha diện tích đất bao quanh Oak Ridge được Chính phủ liên bang mua đứt nhằm đảm bảo một không gian riêng tư tuyệt đối cho các mục tiêu của dự án mà các điệp viên đối phương sẽ không cách gì mò ra được nó. Oak Ridge được xây dựng để tinh luyện quặng uranium nhằm sản xuất ra vũ khí hạt nhân.

THÀNH PHỐ 404

Thành phố tuyệt mật này cũng bị gỡ bỏ khỏi các bản đồ, giữ bí mật tuyệt đối với thế giới bên ngoài, chuyên dùng để sản xuất ra vũ khí hạt nhân. Và nơi này nằm ở Trung Quốc. 

 Một số báo cáo nói rằng thành phố 404 từng có gần 1 triệu dân cư sinh sống, còn có nguồn tin khẳng định dân cư nơi này khoảng độ 100.000 người, và dân số Trung Quốc vào thời kỳ đó lên tới 600 triệu người. Nhưng không chắc người Trung Quốc cho tiết lộ chính xác về tình hình dân cư thực tế ở đó.

Công trình được bắt đầu xây dựng vào năm 1954. Chính phủ Trung Quốc lựa chọn các công dân ưu tú để sống tại 404 nhằm đạt mục tiêu tham vọng là có thể đánh bại Mỹ và Liên Xô nhằm thống trị toàn cầu.

Nằm ở tỉnh Cam Túc và ngay rìa của hoang mạc Gobi, mất tới 4 năm mới xây xong thành phố 404 và thêm 6 năm để chạm mục tiêu biến Trung Quốc thành một cường quốc hạt nhân. Năm 1964, Trung Quốc đã thành công trong việc tiến hành các thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên trong hoang mạc Gobi, kể từ đó đã làm thay đổi bộ mặt của nền chính trị toàn cầu. 

THÀNH PHỐ 40

Đây là một địa điểm hạt nhân hết sức bí ẩn. Thành phố 40 (tên thường gọi Ozersk) là nơi khởi động chương trình vũ khí hạt nhân của Liên Xô vào năm 1946. Có khoảng 100.000 dân cư sống ở đây. Họ hưởng thụ chất lượng cuộc sống tốt hơn  các thành phố khác của Liên Xô. Thành phố 40 được xóa khỏi các bản đồ, còn danh tính người sống bên trong nó cũng bị xóa khỏi các hồ sơ lưu trữ.

Bí mật đen tối của “đô thị bao kín” này là nơi từng xảy ra vài tai nạn hạt nhân khác nhau bao gồm một sự cố có mức độ tàn phá không kém vụ Chernobyl. Ngày nay, thành phố 40 vẫn còn hoạt động, dân tình vẫn làm việc ở đó, hàng rào dây thép gai bao kín, nơi đây vẫn tồn trữ nguyên liệu hạt nhân của Nga.

Kỳ lạ nhất là cư dân ở thành phố 40 dù nhận thức rõ ràng nơi họ sống là “nghĩa địa của thế giới” nhưng họ không sợ, vẫn sống yêu đời và thỏa mãn với cuộc sống ở đây. Ngày nay, cư dân được cho phép rời khỏi thành phố 40 nếu họ muốn. Nhưng không nhiều người rời đi. Họ vẫn chấp nhận sống tại một trong những nơi có lượng bức xạ cao nhất hành tinh.

NGUYỄN THANH HẢI


Những đô thị hạt nhân tuyệt mật trên thế giới - Kỳ 1

Những đô thị hạt nhân tuyệt mật trên thế giới - Kỳ cuối

.
.
.