.

Chuyện về Nikolai Sirotinin trong chiến tranh vệ quốc

Cập nhật: 11:21, 14/09/2018 (GMT+7)
Chân dung trung sĩ Sirotinin.
Chân dung trung sĩ Sirotinin.

Trong thế chiến II, trong vòng chưa đầy 2 giờ đồng hồ, tại làng Sokolnichi, thị trấn Cherikov, phía Đông cộng hòa Belarus (Liên bang Xô Viết), 11 xe tăng, 7 xe bọc thép cùng 57 sĩ quan binh lính Đức Quốc xã đã bị tiêu diệt bởi trung sĩ Hồng quân Nikolai Sirotinin chỉ bằng 1 khẩu súng chống tăng 76mm và 60 viên đạn. Trên tượng đài của Nikolai Vladimirovich Sirotinin ở TP.Mogilev, Belarus có khắc dòng chữ: “Tại đây, vào buổi bình minh ngày 17-7-1941, trung sĩ Nikolai Vladimirovich Sirotinin đã một mình đánh trả cuộc tấn công của kẻ thù, và đã hy sinh mạng sống vì độc lập, tự do của tổ quốc”.

MỘT MÌNH MỘT SÚNG

Xế trưa ngày 15-7-1941, tại mặt trận phía Tây TP.Mogilev, 3 trung đoàn Liên Xô gồm trung đoàn 13A, 4A và 20A đã rất khó khăn trong việc ngăn chặn đà tiến công của các sư đoàn xe tăng Panzer số 2, số 10 và số 4 cùng 2 quân đoàn bộ binh số 24, 46, dưới sự chỉ huy của tướng Đức Quốc xã Heinz Guderian, tư lệnh mặt trận Belarus. Đến chiều, quân Đức chọc thủng nhiều vị trí phòng thủ của Hồng quân. Phối hợp với các quân đoàn bộ binh, sư đoàn xe tăng Panzer số 10 đã vượt qua phía bắc thành phố Mogilev, sư đoàn xe tăng số 2 đánh thẳng vào khu trung tâm còn sư đoàn xe tăng số 4 bao vây ở phía nam.

Trước tình hình ấy, để bảo toàn lực lượng, Hồng quân Liên Xô rút về phía sông Sozh. Nhận được tin tình báo, tướng Heinz Guderian chỉ thị: “Cuộc tấn công vào Krichev phải được thực hiện bất kể thời gian và không cần phải đợi cho đến khi tất cả các đơn vị tập hợp đầy đủ”.

Mũi chủ công đánh vào Krichev được giao cho đại tá Heinrich Eberbach với lực lượng gồm tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 2 của trung đoàn 35, tiểu đoàn 79 của trung đoàn 12 và tiểu đoàn pháo binh 103. Xẩm tối 15-7, quân Đức chiếm được các cây cầu bắc qua sông Pronya, đồng thời đẩy Hồng quân Liên Xô về phía bờ đông của sông Sozh. Từ đó đến trung tâm thành phố Krichev chỉ còn khoảng 50km nhưng đại tá Eberbach vẫn không vội vàng vì ông ta biết phía trước chỉ có một trung đoàn Hồng quân. Hơn nữa, đơn vị pháo binh hỗ trợ vẫn chưa đến kịp, một số xe tăng hư hỏng chưa sửa chữa xong và điều quan trọng nhất là cây cầu bắc qua sông Sozh đã bị Hồng quân đánh sập để chặn đà tiến công của quân đội Đức. 

Vì vậy, đại tá Eberbach quyết định điều động tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 35 làm nhiệm vụ bắc một cầu tạm qua sông Sozh. Đến xẩm tối ngày 16-7, lính Đức chiếm được Cherikov, ngoại ô thành phố Krichev. Hôm sau nữa, một nhóm trinh sát Đức gồm 20 xe tăng hạng nhẹ Pz.I cùng 12 xe bọc thép  SDK tiến vào Krichev. Nhiệm vụ của họ là xác định các vị trí phòng thủ của Hồng quân để gọi pháo binh tiêu diệt, đồng thời bảo vệ cây cầu bắc qua sông Dobrost - cây cầu cuối cùng dẫn vào Krichev.

Trong lúc này, tại làng Sokolnichi nằm cạnh sông Dobrost, Hồng quân Liên Xô chỉ có một đại đội. Sau khi nghiên cứu tình hình, chỉ huy đại đội ra lệnh để lại một khẩu pháo chống tăng 76mm với 2 người lính là trung sĩ Yukovski và trung sĩ Sirotinin, phần còn lại rút vào nội ô thành phố Krichev, lập tuyến phòng thủ. Ngay lập tức, trung sĩ Sirotinin và Yukocski dời khẩu pháo đến một vị trí mà từ đó có thể thấy rõ quốc lộ và cầu Dobrost. Theo tính toán của Sirotinin, hai bên quốc lộ là đầm lầy và như vậy, quân Đức chỉ có một lối đi duy nhất.

Khẩu pháo chống tăng Sirotinin dùng trong trận đánh (ảnh do lính Đức chụp).
Khẩu pháo chống tăng Sirotinin dùng trong trận đánh (ảnh do lính Đức chụp).

9 giờ sáng, những chiếc xe tăng Pz.I đầu tiên xuất hiện, theo sau nó là bộ binh Đức. Đợi nó lọt vào đúng tầm ngắm, trung sĩ Sirotinin ra dấu cho trung sĩ Yukovski khai hỏa. Viên đạn từ khẩu 76mm thổi tung tháp pháo của chiếc Pz.I khiến nó bốc cháy. Phát bắn chính xác khiến cả đoàn xe khựng lại, lính Đức nháo nhào lăn xuống vệ đường vì họ chưa rõ bị bắn từ hướng nào. 

Và trong khi quân Đức chưa kịp định thần thì Sirotinin bắn tiếp phát thứ hai, mục tiêu là một chiếc Pz.I ở phía sau. Mặc dù quân Đức chưa phát hiện vị trí của khẩu 76mm nhưng tất cả các loại súng của họ đồng loạt khai hỏa vào những chỗ nghi ngờ. Mất tinh thần, trung sĩ Yukovski bỏ chạy về tuyến sau.

Còn lại một mình Sirotinin, ông nhanh chóng nhận ra rằng lợi thế vẫn thuộc về khẩu pháo 76mm vì xe tăng của quân Đức không thể chạy sang hai bên đường để tránh đạn bởi lẽ nó là đầm lầy. Hơn nữa, hai chiếc xe tăng đầu tiên đã bị bắn cháy nên những xe còn lại không thể tiến lên. Sau trận đánh, trung úy Đức Quốc xã Friedrich Henfeld viết trong nhật ký: “Lúc ấy tôi không ngờ họ chỉ có một người và một khẩu súng, mà tôi nghĩ họ đang giăng bẫy nên tôi ra lệnh cho lính trong đại đội tôi giữ vững vị trí, đề phòng bộ binh họ tấn công…”.

HY SINH

Những chiếc xe tăng giờ đây đã trở thành những tấm bia sống. Rất điềm tĩnh, Sirotinin không chỉ bắn hạ từng chiếc mà ông còn bắn vào nhóm lính Đức đang nằm co cụm. Một vài xe tăng ở phía cuối cố gắng thoái lui nhưng lại sa vào đầm lầy. Những cuộn khói đen dày đặc tỏa ra từ những xe tăng bốc cháy vô tình tạo thành một bức màn, che phủ cho Sirotinin. Trong suốt 2 giờ đồng hồ với khẩu pháo 76mm cùng 60 viên đạn, trung sĩ Sirotinin đã tiêu diệt 11 xe tăng Pz.I, 7 xe bọc thép SDK, 57 lính Đức nhưng trong lúc đang nạp lại đạn thì bất ngờ, một loạt đại liên bắn hú họa của lính Đức đã giết chết Sirotinin.

Một lúc lâu sau, khi không thấy có một phát bắn nào nữa, quân Đức thận trọng tiến lên. Họ chỉ thấy một khẩu pháo, hơn 10 viên đạn, một đống vỏ đạn và xác của một người lính Hồng quân nằm bên cạnh. Trung úy Friedrich Henfeld viết trong nhật ký: “17 giờ 30 chiều 17-7-1941, tại Sokolnichi gần Krichev, chúng tôi chôn cất người lính Nga không rõ tên họ. Một mình ông ta với một khẩu pháo, đã bắn vào chúng tôi trong suốt 2 tiếng đồng hồ. Tất cả chúng tôi đều kinh ngạc trước sự dũng cảm của ông ta. Không hiểu vì sao ông ta lại có thể làm được như vậy. Nếu ông ta không bị giết, chưa biết sẽ còn bao nhiêu xe tăng và bao nhiêu lính Đức chết vì ông ta…”. Khi chôn cất Sirotinin, đại tá Đức Quốc xã Von Steiner đã nói trước mộ: “ Nếu tất cả những người lính Nga đều chiến đấu như người lính này thì việc chiếm Liên bang Xô Viết là điều không thể thực hiện”. 

Lính Đức chôn cất Sirotinin với sự ngưỡng mộ  (ảnh do lính Đức chụp).
Lính Đức chôn cất Sirotinin với sự ngưỡng mộ (ảnh do lính Đức chụp).

Vài tháng sau đó, trung úy Đức Quốc xã Friedrich Henfeld bị Hồng quân bắn chết trong một trận giao tranh, cuốn nhật ký rơi vào tay sĩ quan Hồng quân Fyodor Selivanov. Nhờ vậy, lịch sử mới biết được hành động anh hùng của trung sĩ Sirotinin.

Sau chiến tranh, chiến công của Sirotinin được Nhà nước Xô Viết chính thức công nhận. Năm 1960, ông được truy tặng Huân chương Vệ quốc. Tại nước cộng hòa Belarus, một con đường ở thành phố Krichev và một trường học ở Sokolnichi được đặt tên ông. Do Sirotinin chẳng có một tấm hình chụp nào nên chân dung của ông trên tượng đài kỷ niệm ở thành phố Mogilev chỉ là bức vẽ mà một người bạn chiến đấu với ông là Sergei Krulov đã vẽ khi cả hai vừa nhập ngũ…

VŨ CAO
Theo War History

.
.
.