Lý Hiển Long - Thủ tướng giỏi công nghệ
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long là người quan tâm đến công nghệ, tích cực sử dụng mạng xã hội và có khả năng lập trình.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. |
“Công nghệ đang biến đổi thế giới và mọi mặt cuộc sống của chúng ta. Tôi đã đọc về Baxter, robot công nghiệp mới được ra mắt ở Mỹ. Baxter thuộc một thế hệ robot mới dễ vận hành hơn, linh hoạt hơn và tiếp thu nhanh các kỹ năng mới”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long viết trên trang Facebook và đính kèm một bài báo của trang Economist tháng 10-2012. Robot mà ông nhắc đến không liên quan đến Singapore, ông chỉ đơn giản là muốn chia sẻ tin tức hấp dẫn về công nghệ trên thế giới. Ông còn đăng những bài báo nói về tiến bộ trí tuệ nhân tạo ở Nhật hay xe không người lái ở Mỹ. “Người Singapore phải nắm vững các kỹ năng, công nghệ và liên tục nâng cấp bản thân”, ông nhấn mạnh.
Sở hữu trang Facebook có hơn 1,2 triệu người theo dõi. Ông đã chia sẻ trên trang này lịch trình công việc, phát trực tiếp bài phát biểu, đăng ảnh selfie và cả những mẩu chuyện vui đời thường như một con cú bay lạc vào văn phòng của mình hay kêu gọi người theo dõi chia sẻ ảnh nhật thực.
Ông Lý Hiển Long, sinh năm 1952, là con cả của Thủ tướng đầu tiên của Singapore Lý Quang Diệu. Năm 1971, ông theo học chuyên ngành Toán của Đại học Cambridge, Anh. Năm 1973, ông trở thành người Singapore đầu tiên đạt danh hiệu sinh viên toán xuất sắc nhất (Senior Wrangler).
Senior Wrangler là người có điểm thi cao nhất trong số các sinh viên Toán hàng đầu tại Cambridge. Chương trình giảng dạy Toán ở trường Cambridge nổi tiếng là có độ khó cao và danh hiệu nói trên được coi là một trong những thành tựu trí tuệ lớn nhất có thể đạt được ở Anh. Năm 1974, ông tốt nghiệp Cambridge với bằng cử nhân Toán học hạng ưu. Ông còn có văn bằng khoa học máy tính tương đương thạc sĩ cũng tại Trường Cambridge. “Tôi nghĩ rằng ông ấy đã học thêm khoa học máy tính chủ yếu là vì cha ông không muốn ông chỉ giỏi trong ngành Toán học thuần túy. Ông Lý không chỉ chăm chỉ, tận tâm, chuyên nghiệp mà còn rất sáng tạo”, giáo sư Toán học Bela Bollobas, giảng viên từng dạy cho ông Lý ở Đại học Cambridge, nói.
Hồi tháng 5-2015, ông Lý gây chú ý khi chia sẻ trên facebook mã nguồn chương trình giải Sudoku mà ông viết. Ông nói rằng chương trình khá đơn giản và ông viết nó bằng ngôn ngữ C++. Bài đăng thu hút hơn 52.000 lượt thích và hơn 2.000 bình luận. Sudoku là trò chơi điền số từ 1 đến 9 vào những ô trống sao cho mỗi cột dọc, mỗi hàng ngang, mỗi phân vùng nhỏ có đủ các số từ 1 đến 9 mà không được lặp lại.
Mã nguồn Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chia sẻ năm 2015. |
Hai giảng viên đại học đã khen ngợi khả năng viết code (dãy các câu lệnh được viết bằng ngôn ngữ lập trình) của Thủ tướng Lý Hiển Long. Ng Wee Keong, Phó Giám đốc nghiên cứu của trường công nghệ máy tính thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, nói rằng code này “có cấu trúc tốt”. Aaron Tan, từ trường máy tính thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng code “được viết tốt”.
Tuy nhiên, cả hai chuyên gia đều nói rằng mã nguồn này được viết bằng ngôn ngữ lập trình C chứ không phải C++ như ông Lý nói. Giải thích lý do ông Lý có thể nói nó được viết bằng C++, Tan cho biết: “Không sai khi nói rằng đó là một chương trình C++ (vì nó hoạt động tốt với trình biên dịch C++), nhưng nó được viết theo phong cách C”. Ông Ng Wee Keong nói rằng tất cả sinh viên khoa học máy tính và kỹ thuật tại trường ông phải học ngôn ngữ lập trình cơ bản này trong năm đầu tiên. Ông nói thêm rằng sẽ mất một hoặc hai khóa học về lập trình cấu trúc để viết một chương trình giải Sudoku tương tự.
Một số người bình luận trong bài viết của Thủ tướng Lý cho biết họ rất ngạc nhiên khi ông biết viết code, nhưng những người khác thì cho rằng điều này không bất ngờ khi xét đến thành tích học tập của ông. Nhiều người đề nghị ông tham dự thêm nhiều sự kiện công nghệ, số khác thì cho rằng kỹ năng viết code cho thấy ông Lý có khả năng giải quyết vấn đề tốt trong khủng hoảng. “Tôi thấy một lãnh đạo với khả năng suy nghĩ có tính hệ thống, tổ chức tốt, đưa mọi thứ vào trật tự. Thật ấn tượng!”, người tên Chou Chung bình luận.
PHƯƠNG VŨ