.

Sẽ sớm có tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên?

Cập nhật: 17:30, 25/09/2018 (GMT+7)

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Đại Hội đồng LHQ ở New York. Tại đó, ông Moon Jae-in sẽ nhắc lại các cam kết miệng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba ở Bình Nhưỡng. Dựa trên những cam kết đó, ông Moon Jae-in sẽ nỗ lực thuyết phục ông Trump thực hiện nguyện vọng của Triều Tiên - đó là ký tuyên bố hòa bình chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều hứa hẹn sẽ có cuộc gặp nhau lần hai sớm.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều hứa hẹn sẽ có cuộc gặp nhau lần hai sớm.

Bình luận về việc ông Trump ký tuyên bố hòa bình, Bruce Klingner - nhà phân tích kỳ cựu của CIA và hiện làm việc tại Quỹ Heritage - nói: “Nhiều người lo ngại ông Trump sẽ ký tuyên bố hòa bình trong cuộc gặp mặt lần thứ hai với Kim Jong-un. Moon Jae-in sẽ dốc toàn lực để thuyết phục Trump đồng ý tổ chức một cuộc gặp nữa với Kim Jong-un trong thời gian tới. Nhà Trắng đã chấp nhận lời mời gặp mặt, chỉ có điều họ chưa thông báo thời gian cũng như địa điểm”.

Michael Green, Phó Chủ tịch cấp cao chuyên trách các vấn đề châu Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nhận định: “Ông Moon Jae-in rất muốn ông Trump nhanh chóng tổ chức cuộc gặp mặt lần thứ hai với Kim Jong-un để duy trì động lực hiện nay phục vụ cho các mục đích chính trị nội bộ của chính ông”. Một dấu hiệu khác mà những người hoài nghi về Triều Tiên cho là nguy hiểm là từ “nếu” trong cam kết của Kim Jong-un về việc đóng cửa Yongbyon. Tuyên bố Bình Nhưỡng không nêu rõ những hành động “đáp lễ” tương xứng mà Triều Tiên đang tìm kiếm là gì. Tuy nhiên, lâu nay Triều Tiên vẫn yêu cầu Mỹ ký một tuyên bố hòa bình chung để chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên trước khi nước này có những động thái phi hạt nhân hóa. Truyền thông nhà nước Triều Tiên khẳng định tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6-2018, Trump đã nhất trí sẽ ký tuyên bố hòa bình. Đầu tháng 9 vừa qua, KCNA nhấn mạnh: “Phía Mỹ không nên khăng khăng yêu cầu “phi hạt nhân hóa trước rồi mới ký hiệp ước hòa bình”, cũng không nên trì hoãn việc giải quyết vấn đề ký tuyên bố chấm dứt chiến tranh mà Tổng thống Mỹ đã cam kết trong hội nghị cấp cao Mỹ-Triều ở Singapore”.

Những người đề xuất việc Trump ký tuyên bố hòa bình cho rằng động thái này là một cử chỉ thể hiện thiện chí nhằm thúc đẩy tiến trình ngoại giao mà không cần có thêm điều kiện gì. Trong khi đó, những người phản đối lại lập luận rằng động thái đó sẽ khiến Kim Jong-un và nhiều nhân vật khác yêu cầu rút quân Mỹ cũng như chiếc ô hạt nhân của Mỹ khỏi Hàn Quốc.

Sau hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã hối thúc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký tuyên bố chung để chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, đồng thời nói thêm rằng ông sẽ thảo luận vấn đề này với ông Trump tại New York. Phát biểu với giới báo chí tại Seoul, Tổng thống Moon Jae-in nói: “Tôi đã khẳng định với nhà lãnh đạo Kim Jong-un rằng quan điểm của ông về tuyên bố chấm dứt chiến tranh cũng giống như quan điểm của tôi”, đồng thời cho biết ông sẽ truyền tải thông điệp cá nhân của Kim Jong-un tới ông Trump. Harry Kazianis, Giám đốc phụ trách nghiên cứu quốc phòng của Trung tâm lợi ích quốc gia, cho rằng rõ ràng ông Moon Jae-in đang muốn ép ông Trump thực hiện theo công thức “nhượng bộ đổi lấy nhượng bộ”, theo đó Kim Jong-un đóng cửa Yongbyon để đổi lấy tuyên bố hòa bình. Theo Kazianis, Trump nên ký tuyên bố hòa bình cho dù không có bất kỳ đảm bảo nào rằng Triều Tiên sẽ nhượng bộ. Trong một bức thư điện tử gửi cho mạng tin thehill.com từ Seoul, ông viết: “Nếu ông Trump là người khôn ngoan, hẳn là ông ấy sẽ đồng ý chấm dứt chiến tranh mà không cần bất kỳ điều kiện nào và ông ấy nên làm như vậy trước các cuộc bầu cử giữa kỳ, trong một buổi lễ hoành tráng với Kim Jong-un và các bên ký kết tuyên bố hòa bình khác, sau đó tận dụng thành quả chính trị đó để thu lợi ở trong nước bằng cách nói rằng ông chính là vị tổng thống đã chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, là người tạo ra di sản này và nhờ đó ông sẽ làm chệch hướng sự chú ý của giới truyền thông khỏi các vấn đề chính trị trong nước. Điều này cũng tạo áp lực buộc Kim Jong-un phải nhanh chóng có sự nhượng bộ, nếu không ông sẽ bị coi là gian dối, điều mà tôi cho rằng Kim Jong-un đang rất muốn tránh”. 

Nhà phân tích Bruce Klingner cho biết thêm: “Hiện ở Washington có những ý kiến lo ngại rằng Seoul đang đi quá xa và quá nhanh. Nhiều ý kiến phản đối việc ký tuyên bố hòa bình vì cho rằng điều này sẽ không mang lại lợi ích cụ thể, hữu hình. Cũng có những quan ngại rằng Tổng thống Trump sẽ ký tuyên bố hòa bình vì ông dường như cho rằng đó sẽ là một sự kiện lớn, mang tính lịch sử, mà không cần đếm xỉa xem nó sẽ tác động thế nào đến liên minh và các khả năng ngăn chặn của liên minh này”.

THƯ KỲ

.
.
.