.

Chờ đợi gì từ hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba?

Cập nhật: 16:14, 17/09/2018 (GMT+7)

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 20-9 tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên. Người ta nên chờ đợi điều gì từ hội nghị lần này?

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất ở làng đình chiến Panmunjom ngày 27-4.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất ở làng đình chiến Panmunjom ngày 27-4.

Giữ vững cam kết và quyết tâm giải quyết mâu thuẫn trên Bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hối thúc Bình Nhưỡng và Washington “đưa ra những quyết định táo bạo” trước thềm hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để phá vỡ những khúc mắc ngoại giao liên quan tới tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Thực tế là ông Moon đang rất nỗ lực tiến tới mục tiêu phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, kỳ vọng cuộc gặp cấp cao sắp tới với ông Kim có thể sẽ là một “bước tiến lớn” khác hướng tới mục tiêu này.

Diễn ra ở thời điểm quan trọng trong bối cảnh ngoại giao đang có nhiều vướng mắc do “lời qua tiếng lại” giữa Washington và Bình Nhưỡng về cách thức triển khai các cam kết được đưa ra tại thượng đỉnh Singapore hồi tháng 6, nỗ lực to lớn của Tổng thống Moon Jae-in nhằm hiện thực hóa mục tiêu thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân là điều rất đáng hoan nghênh, song con đường để đạt được nó không hề đơn giản, mà thậm chí còn đi kèm với rất nhiều rủi ro.

Là nhà đàm phán đóng vai trò then chốt tại hậu trường, ông Moon kỳ vọng rằng trong khi Bình Nhưỡng từng bước giải giáp các cơ sở hạt nhân, Washington cũng sẽ có những “bước đi tương đồng”, điều kiện cần và đủ để xóa bỏ những hoài nghi đã “ăn sâu bám rễ” suốt hơn 70 năm trong mối quan hệ song phương đầy thù địch. Tuy nhiên, dù Bình Nhưỡng đã dỡ bỏ bãi thử hạt nhân và tên lửa sau thượng đỉnh Moon-Kim và Trump-Kim, việc Washington yêu cầu Triều Tiên có những bước đi nghiêm túc hơn đã khiến Bình Nhưỡng không khỏi tức giận. Trong khi đó, theo lời nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Triều Tiên từng khẳng định các nỗ lực của Bình Nhưỡng phải đi kèm với các biện pháp tương đương từ phía Mỹ như ra một tuyên bố chung chính thức khép lại Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Kỳ vọng của Seoul vào “các cuộc đàm phán thẳng thắn” giữa Trump và Kim là điều hoàn toàn khả thi nhờ thông tin cho biết hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ sớm diễn ra trong thời gian tới. Steve Biegun, đại diện mới của Mỹ về Triều Tiên, cũng từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các biện pháp ngoại giao trong cuộc gặp với đại diện Hàn Quốc Lee Do-hoon. Niềm tin của Tổng thống Moon đối với Trump vẫn rất lớn, chừng nào các cam kết tiến tới một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân vẫn đi theo đúng lộ trình.

Bên cạnh những hy vọng là hoài nghi về cách thức chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Sau 2 hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Triều Tiên, thậm chí ngay cả khi ngày giờ của cuộc gặp thứ 3 đã được công bố, nhiều người vẫn còn hoài nghi về khả năng có những tiến triển tích cực hướng đến mục tiêu ra tuyên bố hòa bình hay hợp tác trong các dự án kinh tế và cơ sở hạ tầng chung. Cũng có những ý kiến hoài nghi về khả năng lòng tin giữa hai miền Nam-Bắc đã được hàn gắn bởi vẫn còn đó nhiều mâu thuẫn về ai là bên được lợi và ai là bên phải nhượng bộ cũng như nhiều nội dung đàm phán được giữ kín. Thực tế, Bình Nhưỡng vẫn chưa nhất trí về thời hạn dỡ bỏ hay giảm số lượng kho hạt nhân, trong khi Mỹ ước tính quốc gia này hiện sở hữu từ 30-60 đầu đạn.

Tổng thống Moon nhiều khả năng sẽ tới Washington để tóm tắt cho Tổng thống Trump về những gì đã diễn ra trong thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 và bàn thảo bước đi tiếp theo. Trước đó, Ri Son Gwon - Chủ tịch ủy ban phụ trách tái thống nhất hòa bình của Triều Tiên - đã nhấn mạnh với Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon rằng điều quan trọng là phải xóa bỏ “những trở ngại” trong việc cải thiện quan hệ liên Triều. Ông nói: “Nếu những vấn đề được nêu lên trong đàm phán không thể giải quyết được thì các rắc rối khó lường sẽ nảy sinh và những kế hoạch đã được dự kiến trước chắc chắn sẽ vấp phải không ít trở ngại”. Nhìn vào tuyên bố này, người ta có thể thấy rằng 2 bên rất khó có thể nhanh chóng tiến tới một sự đồng thuận nào đó để giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Bên cạnh vấn đề phi hạt nhân hóa, còn có nhiều nội dung quan trọng mà Tổng thống Hàn Quốc và nhà lãnh đạo Triều Tiên cần phải giải quyết tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Triều Tiên đang rất không hài lòng với tin tức cho rằng Hàn Quốc có liên quan tới việc 12 công nhân Triều Tiên đào tẩu từ năm 2016. Bình Nhưỡng cho rằng những công dân này đã bị Hàn Quốc bắt cóc và yêu cầu Seoul trao trả. Trường hợp này có thể trở thành khúc mắc cản trở kế hoạch đoàn tụ các gia đình ly tán vì Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Dù 2 bên đều tuyên bố cam kết giải quyết vấn đề nhân đạo để thúc đẩy quan hệ liên Triều và tình hình được đánh giá là khá khả quan song thực tế vấn đề này phức tạp hơn rất nhiều.

Lãnh đạo 2 nước cũng có thể sẽ gặp vướng mắc trong việc hiện thực hóa các cam kết được đưa ra tại cuộc gặp cấp cao đầu tiên hồi tháng 4 vừa qua là cùng với Mỹ tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Vấn đề nằm ở chỗ Washington khẳng định điều này chỉ có thể được thực hiện khi Triều Tiên hoàn toàn từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Tổng thống Hàn Quốc có nhiều ý tưởng để hỗ trợ Triều Tiên song đều gặp trở ngại. Seoul hy vọng tái khởi động các nỗ lực xây dựng tuyến đường sắt nối liền hai miền và khôi phục hoạt động lại KCN Kaesong, song còn rất nhiều hoài nghi và hạn chế đối với các nỗ lực này do vướng lệnh cấm vận của LHQ.

Một vướng mắc khác là việc ký kết hiệp ước hòa bình giữa Mỹ và Triều Tiên. Chiến tranh Triều Tiên tạm khép lại bằng một lệnh ngừng bắn, chứ không phải một hiệp ước hòa bình, vô hình chung khiến bán đảo này trên thực tế vẫn luôn trong tình trạng chiến tranh. Nếu Tổng thống Hàn Quốc có thể thuyết phục Tổng thống Mỹ ký kết một hiệp ước hòa bình thì đó rất có thể sẽ là thành quả lớn nhất trong nhiệm kỳ mà ông có được.

Có ý kiến cho rằng vào cuối tháng 9 tới, Tổng thống Moon sẽ tìm cách tổ chức một cuộc gặp 3 bên bên lề Đại hội đồng LHQ, hoặc thậm chí là một cuộc gặp 4 bên với sự tham dự của Trung Quốc, để tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc xung đột. Nếu nỗ lực này thành công, người ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào việc bước đến gần hơn mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Nếu ông Kim không thể hiện với thế giới rằng ông ta thực sự có những biện pháp mạnh mẽ và cụ thể hướng tới phi hạt nhân, Washington chắc chắn sẽ không thay đổi lập trường của mình. Kịch bản này sẽ khiến ông Moon trở thành người thất vọng nhất và đẩy ông tới trước nhiều tình thế rủi ro.

THƯ KỲ

 
.
.
.