Reckless - "Trung sĩ" ngựa trong chiến tranh Triều Tiên

Thứ Sáu, 10/08/2018, 10:08 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 10-4-1954, con ngựa Reckless chính thức được gắn quân hàm Trung sĩ Thủy quân lục chiến Mỹ. Đây là con vật đầu tiên có quân hàm trong quân đội Mỹ. Sau này, 2 bức tượng bằng đồng của Reckless được đặt tại Bảo tàng quốc gia về Thủy quân lục chiến ở bang Virginia (năm 2013) và Trung tâm huấn luyện Thủy quân lục chiến Pendleton, bang California (năm 2016). Vì sao một con ngựa lại có được những vinh dự này?

Bức tượng ngựa Reckless tại trại Pendleton.
Bức tượng ngựa Reckless tại trại Pendleton.

1. Gần giữa trưa ngày 27-3-1953, Đại đội C, Tiểu đoàn 6, Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 179 Mỹ chỉ còn lại 40 tay súng, nằm chúi đầu trong những giao thông hào mà trên bản đồ quân sự, nó được đặt tên là Outpost Vegas, phía bắc tỉnh Janggok, Hàn Quốc. Họ bị bao vây bởi một tiểu đoàn Bắc Triều Tiên với sự hỗ trợ của pháo binh tầm xa. Thiếu úy Williams Kenmore, Đại đội phó nhớ lại: “Trong khoảng thời gian chưa đầy 2 tiếng, phía Bắc Triều Tiên nã vào vị trí phòng thủ của chúng tôi hơn 500 viên đại bác 130mm. Vũ khí hạng nặng duy nhất của chúng tôi là khẩu pháo không giật 57mm bị phá hủy. Đã vậy, đạn dược lại gần hết, còn đơn vị tiếp tế thì không lên nổi vì lính Bắc Triều Tiên chặn đánh dọc dường. Không quân cũng bó tay bởi thời tiết rất xấu…”.

Thế rồi trong cái không gian mù mịt khói đạn và bụi đất, bỗng xuất hiện một con ngựa. Nó cúi đầu, lao thẳng về phía vị trí phòng thủ của lính Mỹ giữa những tiếng nổ chát chúa của các loại súng. Ngang bên hông nó là khẩu pháo không giật 57mm còn bên kia là một hòm đạn 6 viên. Đến ngay mép giao thông hào đầu tiên, nó khuỵu cả 4 chân xuống để một nhóm lính Mỹ bò lên, tháo lấy súng và đạn. Nó là Reckless, con ngựa của Đại đội C, Tiểu đoàn 6 Lữ đoàn Thủy quân lục chiến 179. Trung sĩ Harold Wadley nói. “Tôi nhìn lên đường chân trời qua màn khói dầy đặc và không thể tin vào mắt mình khi thấy con ngựa xuất hiện. Trong giây lát, tôi nghĩ có một thiên thần đang cưỡi trên lưng nó, dẫn đường cho nó đến với chúng tôi… ”.

Từ đó đến 6 giờ chiều, con ngựa đã chạy 18 chuyến, mang cho Đại đội C tổng cộng gần 500kg đạn, từ đạn súng trường Garand M1, súng Carbine, tiểu liên Thompson cho đến đạn trung liên Bar, đại liên 12,7mm, đạn 57mm cùng hơn 100 quả lựu đạn. Cũng trong 18 chuyến vận tải ấy, nó còn kéo về tuyến sau 12 cáng thương binh. Thiếu úy Kenmore nói: “Nhờ vậy mà chúng tôi trụ nổi trước các đợt tấn công của Bắc Triều Tiên cho đến khi quân tiếp viện chọc thủng vòng vây”.  

2. Sinh ra tại một trường đua ngựa ở Seoul, Hàn Quốc, thoạt đầu con ngựa có tên là “Ah Chim Hai” - Ngọn lửa của buổi sang, theo tiếng Hàn Quốc, bởi nó có bộ lông màu hạt dẻ. Khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ vào năm 1950, do cần tiền để lắp chân giả cho người em gái bị cụt một chân nên tháng 10-1952, Kim il Bok, chủ ngựa, đã bán nó cho Trung úy Eric Pedersen, thuộc Trung đội 2, Đại đội C, Lữ đoàn 179 Thủy quân lục chiến Mỹ với giá 250USD. 

Reckless với khẩu pháo 57mm trong một lần chuyển ra chiến trường.
Reckless với khẩu pháo 57mm trong một lần chuyển ra chiến trường.

Nhưng Eric Pedersen không mua ngựa để làm cảnh hay để chiều chiều cưỡi trên lưng nó dạo chơi lấy oai, mà vì địa hình nơi Trung đội 2 đóng quân rất hiểm trở, xe chở vũ khí đạn dược cùng các đồ tiếp liệu không thể đến tận nơi được. Eric Pedersen mua nó với mục đích tập cho nó mang hàng hóa trên lưng qua những sườn núi đá gồ ghề (mỗi lần 50kg). Pedersen nói: “Tôi đặt cho nó cái tên mới là Reckless. Những ngày đầu, nó thường hốt hoảng mỗi khi nghe tiếng đạn pháo nhưng rồi chỉ sau một tuần, nó quen dần. Cả trung đội ai cũng yêu quý nó”.

Một tháng sau khi mua Reckless, Trung sĩ Joe Latham được giao nhiệm vụ  dạy Reckless mang vác. Sinh ra ở bang Texas, quê hương của những chàng “cao bồi” nên Joe Latham không xa lạ gì với loài ngựa. Thoạt đầu, anh đặt lên hai bên hông Reckless, mỗi bên một thùng đạn súng trường, nặng tổng cộng 34kg. Tiếp theo, anh kèm nó đi đến một chiến hào rồi tập cho nó khuỵu chân xuống để lính ở dưới giao thông hào bò lên lấy đạn. Vài lần như thế, Joe Latham thay đổi trọng lượng và kích thước của món hàng, cũng như tập cho Reckless vận chuyển hàng hóa ngay khi cuộc giao tranh đang diễn ra. Joe Latham nói: “Chỉ sau 3 tháng, nó đã biết cách vượt qua hàng rào dây thép gai. Khi tôi hét lên “vào trong”, nó sẽ phi xuống một cái hố nào đó gần nhất rồi nằm xuống…”. 

Thời gian trôi qua, đến giữa tháng 1-1953, Reckless đã biết rõ các vị trí đóng quân của Đại đội C ở khu vực phòng thủ Outpost Vegas và hiểu được tất cả các hiệu lệnh bằng tay. Ban đêm, nó ngủ trong lều với lính Thủy quân lục chiến và ăn chung với họ. Nó đã chứng minh rằng loài ngựa vẫn có thể thích hợp với thực đơn của con người. Thiếu úy Kenmore, Đại đội phó Đại đội C nói: “Buổi sáng, Reckless ăn bánh mì, thịt xông khói, trứng và uống… cà phê! Thứ mà nó thích nhất là sô cô la. Thỉnh thoảng, khi quân nhu gửi cho chúng tôi mấy thùng bia, Reckless cũng chẳng từ chối”.

3. Cho đến khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Reckless đã 54 lần vận chuyển vũ khí, đạn dược và lương thực cho lính Thủy quân lục chiến Đại đội C ở những vị trí tiền tiêu rồi kéo 21 cáng thương binh trở về. Kỷ lục mà nó lập ra là ngày 6-4-1953, khi mang trên lưng một nòng súng cối 81mm cùng 30 quả đạn, tổng trọng lượng hơn 80kg. Đến chuyến thứ 2, nó mang bàn đế và chân giá súng, cũng xấp xỉ 70kg nữa. Trung sĩ Joe Latham, người đã trực tiếp huấn luyện Reckless nói: “Những ngày sau khi chiến tranh kết thúc, con ngựa có vẻ bồn chồn, ngơ ngác, chắc là vì nó đã quen với những tiếng nổ, với mùi thuốc súng. Có lần, nó vừa chúi đầu vào ngực tôi, vừa khuỵu chân xuống. Nó muốn tôi chất hàng lên lưng nó như thường lệ”.

Ngày 10-4-1954, Reckless cùng Đại đội C lên máy bay về Mỹ. Tại Trung tâm huấn luyện Thủy quân lục chiến Mỹ ở Pendleton, bang California, nó được Trung tá Andrew Geer, Chỉ huy trưởng trung tâm đeo lên cổ một sợi dây có quân hàm Trung sĩ cùng Huân chương Dũng cảm trong một buổi lễ được tổ chức rất long trọng. Trung sĩ Joe Latham cho biết kể từ đó, Reckless được hưởng tiêu chuẩn như một Trung sĩ trong lực lượng Thủy quân lục chiến. Lương của nó được quy thành những loại thức ăn ưa thích của loài ngựa, nhưng dĩ nhiên Reckless cũng không từ chối khẩu phần của lính, kể cả bia! Nó được ở một cái chuồng riêng trong căn cứ Pendleton nhưng không bao giờ bị “cấm trại” như lính!

Tháng 9-1968, Reckless chết vì già. Nó được chôn cất theo đúng nghi thức quân đội. Trên mộ nó có một tấm bia với dòng chữ: Nơi an nghỉ của Trung sĩ Reckeless, anh hùng trong chiến tranh Triều Tiên.

Năm 2013, một bức tượng bằng đồng của Reckless với kích thước đúng như thật được đặt ở Bảo tàng quốc gia về Thủy quân lục chiến ở bang Virginia. Đến năm 2016, một bức tượng nữa của nó được đặt ở trại Pendleton. Theo kế hoạch, bức tượng thứ ba của Reckless sẽ được đặt tại Bảo tàng Ngựa quốc tế Kentucky Horse Park vào cuối năm nay. Trong buổi lễ khánh thành bức tượng ở trại Pendleton, Thiếu úy Williams Kenmore nói: “Reckless không phải là một con ngựa. Nó là một người lính…”

 VŨ CAO

;
.