Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang xem xét đề xuất của chính quyền Mỹ về việc xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.
Tại một cửa hàng bách hóa ở thủ đô Bình Nhưỡng ngày 4-6.
|
Theo một tài liệu mà hãng tin Pháp AFP có được, trong báo cáo về tình hình sản xuất lương thực giảm sút ở Triều Tiên năm ngoái, cuộc khủng hoảng nhân đạo do chậm nhận được cứu trợ ở nước này đã khiến khoảng 10 triệu người (tương đương khoảng 50% dân số cả nước), bị suy dinh dưỡng. Mặc dù các nghị quyết của LHQ đều chỉ rõ các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng đến công tác cứu trợ nhân đạo, nhưng các tổ chức thực hiện cứu trợ phản ánh rằng nhiều biện pháp siết chặt hoạt động ngân hàng, thương mại đang gây khó khăn về mặt thủ tục và làm chậm công tác viện trợ nhu yếu phẩm cho Triều Tiên. Trước thực tế này, tháng trước, Mỹ đã nêu đề xuất về cách mà các chính phủ và các tổ chức cứu trợ nhân đạo có thể đăng ký để các hoạt động cứu trợ Triều Tiên được miễn trừ các biện pháp trừng phạt của LHQ.
Sau nhiều tuần thảo luận, ủy ban phụ trách các vấn đề trừng phạt của LHQ có thể sẽ ra quyết định vào tuần tới. Nếu được thông qua, văn bản này sẽ đươc chuyển tới 193 nước thành viên LHQ, làm rõ cơ chế cứu trợ nhân đạo toàn diện của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này đối với Triều Tiên trong bối cảnh các lệnh trừng phạt liên quan tới chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa vẫn có hiệu lực.
Khi được hỏi về các hướng dẫn cơ chế cứu trợ, một thành viên ủy ban trừng phạt của LHQ cho biết văn bản này không nhằm nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên mà là giảm bớt các thủ tục để công tác cứu trợ diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn. Giới chức Washington tuyên bố các hướng dẫn mới nhằm đảm bảo “sẽ chỉ có những hoạt động cứu trợ nhân đạo thực sự cấp bách mới được phép diễn ra tại Triều Tiên” và các kiến nghị miễn trừ các biện pháp trừng phạt phải trải qua quá trình xem xét kỹ lưỡng.
Hiện Mỹ vẫn hối thúc các nước gia tăng sức ép tối đa với Triều Tiên để buộc nước này phải tuân thủ cam kết phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc kêu gọi LHQ giảm bớt trừng phạt đối với Triều Tiên. Năm ngoái, HĐBA LHQ thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 và phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo.
Theo AFP