.

Đoàn tụ gia đình ly tán Hàn - Triều diễn ra như thế nào?

Cập nhật: 15:24, 22/08/2018 (GMT+7)

Các cuộc đoàn tụ được tổ chức khi quan hệ hai nước ấm lên và những người nộp đơn chỉ được tham gia 1 lần duy nhất.

Ông Ham Sung-chan (93 tuổi, phải), công dân Hàn Quốc, gặp lại em mình  là Ham Dong Chan (79 tuổi) tại núi Kumgang, Triều Tiên ngày 20-8.
Ông Ham Sung-chan (93 tuổi, phải), công dân Hàn Quốc, gặp lại em mình là Ham Dong Chan (79 tuổi) tại núi Kumgang, Triều Tiên ngày 20-8.

Lần đầu tiên trong 3 năm, những gia đình Hàn Quốc và Triều Tiên bị chia cắt trong cuộc chiến năm 1950-1953, hôm 20-8 được đoàn tụ tại khu nghỉ dưỡng núi Kumgang của Triều Tiên.

Bán đảo Triều Tiên từng là một quốc gia trước khi bị chia cắt thành hai miền sau khi kết thúc thế chiến thứ II năm 1945. Sau cuộc chiến giữa Hàn Quốc và Triều Tiên diễn ra năm 1950-1953, hàng triệu gia đình bị ly tán. Chính phủ hai bên cấm công dân đến thăm nhau hay thậm chí trao đổi điện thoại, thư và email. Nhiều gia đình không biết họ hàng của họ còn sống hay không.

Hàn - Triều đã tổ chức một số cuộc đoàn tụ khi quan hệ song phương ấm lên. Trước sự kiện năm nay, khoảng 23.500 người Hàn Quốc đã tham dự các cuộc đoàn tụ, tính cả gặp mặt trực tiếp và qua video, từ năm 2000. Sự kiện này được diễn ra là nhờ thỏa thuận mà lãnh đạo hai bên đạt được trong hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Tư.

Hàn Quốc muốn các cuộc đoàn tụ diễn ra thường xuyên, nhưng Triều Tiên thường sử dụng chúng như một quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán. Giới chuyên gia nói rằng Triều Tiên lo lắng việc tổ chức quá nhiều hoạt động như vậy sẽ khiến công dân hiểu về sự chênh lệch giữa kinh tế hai nước, khiến Bình Nhưỡng suy yếu quyền lực.

Seoul sử dụng hệ thống quay số ngẫu nhiên trên máy tính để chọn người được tham gia, trong khi các nhà quan sát cho rằng Triều Tiên chỉ chọn công dân được coi là trung thành với Chính phủ. Một số người Hàn Quốc cho biết họ đã rất ngạc nhiên khi thấy người thân ở Triều Tiên ca ngợi chính quyền Kim Jong-un ngay cả khi gặp riêng trong phòng khách sạn.

Hơn một nửa trong số 132.600 người nộp đơn xin đoàn tụ đã qua đời. Nhiều người không sống được cho đến khi có cơ hội gặp lại người thân. Hơn 85% người còn sống đã ngoài 70 tuổi. Những người từng tham gia các lần đoàn tụ sẽ không được trao cơ hội thứ 2.

Một số người Hàn Quốc vượt qua vòng bốc thăm nhưng cuối cùng không thể đến Triều Tiên vì quá ốm yếu. Tại sự kiện ngày 20-8, nhiều cụ ông, cụ bà phải ngồi xe lăn hoặc cần sự hỗ trợ của người thân hay nhân viên Chính phủ khi họ đi qua phòng xuất cảnh.

Khi gặp nhau, những gia đình bị chia cắt òa khóc, ôm lấy nhau và tâm sự trong nghẹn ngào. Một số trao cho nhau quà tặng như quần áo, rượu và hình ảnh của người thân không thể tham dự hoặc đã qua đời, trong số đó có những phụ nữ không tái hôn gặp lại những người chồng đã có gia đình mới. Nhiều người không thể ngay lập tức nhận ra thân nhân vì lần cuối cùng họ gặp nhau đã cách đây hàng chục năm.

Bà Lee Keum-seom, 92 tuổi, ngày 20-8 lần đầu tiên gặp lại con trai Ri Sang Chol, 71 tuổi sau khi hai người bị chia tách khi ông Ri mới 4 tuổi. Hai người ôm nhau, ông Ri cho mẹ xem ảnh những thành viên gia đình còn lại ở Triều Tiên và người chồng quá cố của bà. “Tôi không bao giờ tưởng tượng được ngày này sẽ đến. Tôi thậm chí không biết con tôi còn sống hay không”, bà Lee nói.

PHƯƠNG VŨ

.
.
.