4 năm qua, kỷ lục về nắng nóng trên toàn cầu được ghi nhận và theo một nghiên cứu khoa học mới, 5 năm tiếp theo cũng có thể sẽ nóng bất thường, thậm chí vượt quá sự gia tăng nhiệt độ đã được dự báo. Nguyên nhân chính được cho là do biến đổi khí hậu.
NÓNG KỶ LỤC
Tình trạng thải khí CO2 góp phần gây nóng lên toàn cầu. |
Theo nghiên cứu này, trong 5 năm tới sẽ có 1 năm nóng kỷ lục, thậm chí còn nóng hơn năm kỷ lục hiện tại là năm 2016.
Theo ông Florian Sevellec, nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp: “Điều chúng tôi thấy là trong vòng 5 năm tới, khả năng khí nóng ấm bất thường nhiều hơn so với lạnh bất thường”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications. Trái đất nóng lên, nhưng không có nghĩa là mỗi năm nóng hơn so với năm trước. Thay vào đó, có một xu hướng nóng lên tổng thể - có nghĩa là mỗi thập niên liên tiếp có xu hướng nóng hơn so với thập niên trước. Trong suốt những năm 2000, những dao động trong đại dương giúp Trái đất mát hơn một chút so với quá trình nóng lên của khí hậu.
Năm 2018 được dự báo cũng là một trong những năm nóng nhất. Nhiệt độ cao chưa từng có hoành hành khắp nơi từ 43°C ở Baku (Azerbaijan), đến nhiều nơi tại Nhật Bản và Hàn Quốc trên 39°C - 40°C trong 1 tuần. Tại Mỹ, một đợt nóng tháng 7 bất thường lên tới 48,8°C ở Chino, nội địa Los Angeles.
Các khu vực đô thị đang đạt đến nhiệt độ “sát thủ” nhanh hơn những khu vực ít dân cư. Các thành phố hấp thụ và tỏa nhiệt thông qua nhựa đường, gạch, bê tông và mái nhà để hấp thụ nhiệt vào ban ngày và phát ra hơi ấm vào ban đêm.
Tổ chức Y tế thế giới cho biết, 60% dân số sẽ sống ở các thành phố vào năm 2030 và khi dân số đông hơn, các thành phố sẽ càng trở nên nóng hơn.
HIỆP ĐỊNH PARIS CHƯA ĐỦ
Một nghiên cứu chung của các nhà khoa học khí hậu quốc tế từ Đức, Thụy Điển, Đan Mạch và Australia khẳng định: Ngay cả khi mục tiêu của Hiệp định Khí hậu Paris đạt được và sự nóng lên toàn cầu được giới hạn ở mức tối đa hơn 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, hệ thống khí hậu toàn cầu vẫn tăng đột biến. Will Steffen, tác giả chính của công trình nghiên cứu này tại Đại học Quốc gia Australia và Viện Nghiên cứu Thụy Điển Stockholm, cho biết, mực nước biển sẽ tăng 10 - 60m, tràn ngập nhiều đảo và thành phố ven biển như Venice, New York, Tokyo và Sydney. Những người dân ở các trung tâm dân số lớn như vậy sẽ phải di tản.
Trái đất sau đó sẽ ấm lên ở một nhịp độ tăng tốc ngay cả khi con người ngừng sản xuất khí nhà kính hoàn toàn. Theo các nhà nghiên cứu, mục tiêu của Hiệp định Paris cần đạt được, nhưng cần nhắm tới một mục tiêu đầy tham vọng hơn. Ngoài việc giảm khí thải CO2, nhân loại phải bảo vệ toàn bộ hệ sinh thái; tạo ra các bồn chứa carbon tự nhiên nhiều hơn; ngưng phá rừng; tiêu thụ ít năng lượng; kiểm soát tăng trưởng dân số; đầu tư vào công nghệ chiết xuất CO2 từ khí quyển và nhiều hơn nữa.
Ở các quốc gia, nhất là tại các thành phố lớn, đã có nhiều biện pháp làm giảm thiểu mức độ thiệt hại do nắng nóng gây ra với sức khỏe con người. Ở Ấn Độ, thông qua một loạt can thiệp y tế công cộng đã dẫn đến giảm đáng kể tử vong liên quan đến nhiệt, từ 2.040 người chết năm 2015, xuống còn hơn 200 người vào năm 2017. Các biện pháp thành công bao gồm mở cửa các công viên công cộng trong ngày, phân phối nước miễn phí và sơn những mái nhà màu trắng để giảm bớt 5°C trong nhà. Thành phố Montreal, Canada cũng có những giải pháp tương tự trong năm 2004 giúp giảm tỷ lệ tử vong vào những ngày nắng nóng.
KHÁNH MINH