"World Cup mùa Đông" tại Qatar đối mặt nhiều thách thức

Thứ Ba, 24/07/2018, 14:22 [GMT+7]
In bài này
.

Sau thành công tại World Cup 2018 tại Nga, những người đứng đầu của FIFA đang phải chuẩn bị cho giải đấu sắp tới, World Cup 2022 tại Qatar với mong muốn sẽ có được một vòng chung kết khó quên tại Trung Đông.

World Cup 2022 Qatar sẽ được tổ chức vào khoảng tháng 11 và 12.
World Cup 2022 Qatar sẽ được tổ chức vào khoảng tháng 11 và 12.

Kể từ khi quyền đăng cai World Cup 2022 được trao cho quốc gia Qatar nhỏ bé nhưng giàu có ở vùng Vịnh - đất nước mà đội tuyển quốc gia chưa từng xuất hiện ở một vòng chung kết World Cup - quyết định của FIFA đã phải đối mặt với nhiều nghi vấn và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với bóng đá và chính cơ quan quản lý này. Nước chủ nhà cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngoại giao, bị cáo buộc ủng hộ khủng bố, tham nhũng, xâm phạm nhân quyền và lần đầu tiên giải đấu này buộc phải dời sang tháng 11 và tháng 12, World Cup 2022 có thể sẽ không đủ số đội tham dự khi một số nước cho biết sẽ tẩy chay giải đấu và số đội tham dự được nâng lên đến 48. Một điều chưa từng xảy ra trong lịch sử.

Trước khi cuộc khủng hoảng chính trị vùng Vịnh xảy ra, trong khẩu hiệu vận động đăng cai World Cup, Qatar đã tuyên bố “đưa ngày hội bóng đá về cho Trung Đông”, nhưng sau đó, khủng hoảng chính trị đã khiến tuyên bố này có nguy cơ không thể trở thành hiện thực. Kể từ tháng 6-2017, các nước láng giềng bao gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã đóng băng quan hệ ngoại giao với Qatar khi đưa ra cáo buộc Doha đã ủng hộ chủ nghĩa cực đoan và có mối quan hệ quá thân cận Iran - quốc gia được xem là đối thủ hàng đầu của Saudi Arabia trong khu vực.

Cuộc khủng hoảng đã kéo dài 13 tháng và chưa cho thấy bất cứ dấu hiệu hạ nhiệt nào, mà có nguy cơ sâu sắc thêm khi Qatar và UAE đã cùng đưa nhau ra Toà án Công lý quốc tế hồi tháng 6 vừa qua. Các quan chức Saudi Arabia và UAE đã kêu gọi tước bỏ quyền đăng cai World Cup của Qatar và khẳng định sẽ làm tất cả những gì có thể để mang đến “những điều bất ngờ” vào cuối năm nay. Là những quốc gia khơi nguồn cho cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, chính quyền Saudi Arabia và UAE đã nghiêm cấm công dân của mình du lịch đến Qatar. Trước đó, Doha đã đưa ra dự báo có khoảng 1,5 triệu du khách sẽ đến nước này để tham dự ngày hội bóng đá và một phần không nhỏ trong số đó là những người hâm mộ bóng đá đến từ các nước Arab. FIFA cũng đã cố gắng giải hòa và dàn xếp các mâu thuẫn nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ một kết quả cụ thể nào.

Dù thời gian để chuẩn bị cho World Cup 2022 còn khoảng 4 năm nữa, nhưng hiện nước chủ nhà Qatar đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Đầu tiên, giới chức Qatar đang phải đối mặt với cáo buộc đưa hối lộ để có thể giành quyền đăng cai World Cup 2022. Các cuộc điều tra đang được tiến hành. Doha đã phủ nhận tất cả các cáo buộc kể trên, giống như họ đã bác bỏ luận điểm của các nước láng giềng - đồng thời là các đồng minh cũ về vấn đề tài trợ khủng bố. Vấn đề tiếp theo, đó là World Cup 2022 sẽ được tổ chức vào tháng 11 và 12. Các giải vô địch hàng đầu châu Âu bao gồm Tây Ban Nha, Anh, Đức, Italia sẽ phải tạm ngừng thi đấu để phục vụ cho một “World Cup mùa Đông”. Việc dịch chuyển thời gian thi đấu sẽ kéo theo rất nhiều hệ luỵ và đây rõ ràng không phải là một vấn đề dễ dàng để xử lý.

Tiếp đến, bất chấp những cải cách lao động đã được Qatar thực hiện, các nhóm hoạt động xã hội vẫn lo lắng về tình trạng của khoảng 2 triệu công nhân nước ngoài đang thực hiện các dự án liên quan đến World Cup. Họ phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt tại sa mạc, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và an toàn. Việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các “siêu dự án” sân vận động tại sa mạc sẽ khiến các công nhân nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Và tiếp theo là “sự phình to” của World Cup, khi một số thành viên của FIFA, trong đó có cả Chủ tịch Infantino đang nhiệt liệt ủng hộ một World Cup 2022 với 48 đội tham dự. Việc tăng thêm số lượng đội sẽ giúp nhiều quốc gia có thêm cơ hội để đến với ngày hội bóng đá - đặc biệt sẽ có các suất dành riêng cho “vùng trũng”, nhưng cũng làm dấy lên những lo ngại về sự hấp dẫn của World Cup sẽ giảm đi...

Ngoài những vấn đề về chuyên môn, World Cup 2022 còn phải đối mặt với những vấn đề xã hội khác. Qatar là một quốc gia Hồi giáo và để thu hút du khách, nước này sẽ phải bỏ chế độ hạn chế bán rượu vào năm 2022. Các nhà tổ chức Qatar đã gửi một phái đoàn gồm 30 quan chức đến Nga để học tập công tác tổ chức và ghi nhận những vấn đề khác liên quan, trong đó nổi bật là sự có mặt của một lượng lớn người hâm mộ Nam Mỹ - sẽ kéo theo nhiều vấn đề an ninh, xã hội khác. Do vậy, có thể khẳng định rằng, để khắc phục được tất cả các khó khăn trên, bản thân nước chủ nhà Qatar và các đối tác khác, trong đó có FIFA phải thực sự cố gắng. Thời gian đang đếm ngược và liệu có thể có một kỳ World Cup đầu tiên tại Trung Đông thành công rực rỡ?

QUANG TRƯỜNG

;
.