.

Trung Quốc điều tra công ty vắcxin trong vụ bê bối chấn động

Cập nhật: 16:09, 24/07/2018 (GMT+7)

Ngày 24-7, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI), cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc, thông báo cơ quan này đã mở cuộc điều tra nhằm vào công ty chuyên sản xuất vắcxin có tên Changchun Changseng Life Sciences Limite liên quan tới vụ bê bối tham nhũng gây chấn động thời gian qua.

Cảnh sát kiểm tra vắcxin tại một cơ sở ở Rongan, Trung Quốc ngày 23-7.
Cảnh sát kiểm tra vắcxin tại một cơ sở ở Rongan, Trung Quốc ngày 23-7.

Trước đó một ngày, hãng tin Tân Hoa xã đưa tin, cảnh sát đang tập trung điều tra 5 đối tượng là thành viên cấp cao của công ty nói trên, trong đó có nữ Chủ tịch của công ty mang họ Gao. Trong khi chưa có thông tin về các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi vắcxin do công ty này sản xuất, các cơ quan chức năng Trung Quốc yêu cầu Changseng ngừng sản xuất và thu hồi sản phẩm.

Đây là vụ bê bối mới nhất xảy ra đối với ngành dược phẩm của Trung Quốc trong vài năm gần đây. Theo một nhà phân phối, trong năm 2017, Changseng đã bán tổng cộng 252.000 liều vắcxin DPT phòng bệnh bạch cầu, ho gà và uốn ván dùng cho trẻ em, và 113.000 liều vắcxin phòng bệnh dại rởm.

Được biết, tháng 11 năm ngoái, cơ quan giám sát dược phẩm nhà nước Trung Quốc cho hay một nhà sản xuất vắcxin lớn khác là Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán đã bán hơn 400.000 liều vắcxin DPT kém chất lượng cho tỉnh Hà Bắc và TP.Trùng Khánh.

Vắcxin DPT trong cả 2 vụ trên đều do cơ quan y tế công của tỉnh mua để tiêm chủng cho trẻ em theo chương trình tiêm chủng bắt buộc và miễn phí của nhà nước. Hiện vắcxin rởm đã được chứng minh không có hiệu quả, nhưng chưa rõ tác hại của nó lên sức khỏe trẻ em. Chưa có báo cáo nào ghi nhận trẻ em bị ốm sau khi tiêm các loại vắcxin này.

Vụ việc đã gợi nhớ nhiều nỗi sợ hãi và mất niềm tin của người tiêu dùng đối với ngành thực phẩm và y tế Trung Quốc. Năm 2008, 6 đứa trẻ đã tử vong và 300.000 em bị ảnh hưởng sau khi uống phải sữa bột nhiễm độc. Năm 2016, cảnh sát ở Sơn Đông phát hiện số vắcxin trị giá 90 triệu USD bảo quản kém đã được tuồn ra bán trên khắp đất nước. Tuần trước, một loại thuốc bệnh tim của công ty Dược Zhejiang Huaihai đã phải thu hồi sau khi nhà quản lý y tế châu Âu phát hiện nó nhiễm tạp chất liên quan đến bệnh ung thư.

Theo TTXVN

.
.
.