.

Jose Contreras - "Schindler" ở Châu Mỹ la tinh - Bài 1: Một mình chống cái ác

Cập nhật: 06:59, 13/07/2018 (GMT+7)

Trong suốt cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2, lịch sử ghi nhận Oskar Schindler, chủ một nhà máy sản xuất đồ tráng men tại Đức đã giúp 1.200 người Do Thái thoát khỏi cái chết trong phòng hơi ngạt ở các trại tập trung bằng cách xác nhận họ là công nhân kỹ thuật tay nghề cao. Tuy nhiên, ít người biết đến cái tên Jose Arturo Castellanos Contreras, một đại tá quân đội Cộng hòa El Salvador.

Là Tổng lãnh sự El Salvador tại Thụy Sĩ, từ năm 1939 đến 1945, Jose Contreras đã cứu 40.000 người Do Thái thoát khỏi sự diệt chủng của Đức Quốc xã bằng cách cấp cho họ những giấy tờ giả. Khi chiến tranh kết thúc, người Do Thái trên khắp thế giới đã gọi Contreras là “Schindler ở Châu Mỹ La tinh”…

KHÔNG THỂ LÀM NGƠ

Các cửa hàng của người Do Thái ở Đức bị đốt phá.
Các cửa hàng của người Do Thái ở Đức bị đốt phá.

Jose Arturo Castellanos Contreras sinh ngày 23-12-1893 tại TP.San Vicente, El Salvador trong một gia đình quý tộc. Lúc tròn 16 tuổi, Contreras được gửi vào Trường ĐH Bách khoa Quân sự ở thủ đô San Salvador. Sau khi tốt nghiệp rồi trải qua 26 năm phục vụ, ông mang cấp hàm đại tá và là Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội El Salvador.

Năm 1937, Contreras ra khỏi quân đội rồi lần lượt làm Tổng Lãnh sự El Salvador tại Anh, Đức, Thụy Sĩ. Ông nói: “Khi Hitler nắm quyền, chủ nghĩa bài Do Thái từ chỗ âm thầm trở thành công khai. Năm 1938, khi tôi là Tổng Lãnh sự El Salvador tại Hamburg, Đức, tôi đã chứng kiến hàng ngàn cửa tiệm của người Do Thái bị đốt phá còn họ thì bị buộc phải đeo một ngôi sao 6 cánh trên ngực hoặc trên tay áo để phân biệt với người Đức. Những cuộc thanh lọc chủng tộc đã khiến cả triệu người Do Thái mất nhà cửa, mất công ăn việc làm và tệ hại hơn nữa, họ bị buộc phải vào sống trong những khu vực riêng”.

Việc Contreras từ quân đội chuyển sang ngành ngoại giao có lý do của nó. Năm 1931, tướng Maximiliano Hernandez Martínez tiến hành đảo chính rồi trở thành tổng thống El Salvador, điều hành quốc gia theo đường lối phát xít. Vấp phải sự chỉ trích gay gắt của Contreras, Tổng thống Martínez tuy cay cú nhưng lại không thể triệt hạ Contreras bởi lẽ uy tín của ông trong quân đội rất lớn. Hơn nữa, gia tộc Jose Arturo Castellanos lại được sự kính trọng của các chính trị gia nên Martínez không còn cách nào hơn là đẩy Contreras đi làm tổng lãnh sự ở những quốc gia xa xôi nhằm ngăn ngừa hậu họa.

Vẫn theo Contreras, đỉnh điểm của việc bài Do Thái là tối 9-11-1938, trong một chiến dịch được Hitler đặt tên là “Kristallnacht - Đêm thủy tinh vỡ”, gần 600 người Do Thái bị đám đông cuồng tín đánh đập cho đến chết; khoảng 30.000 người khác bị bắt và trở thành những người đầu tiên bị đưa vào các trại tập trung. Đến khi kết thúc chiến dịch “Kristallnacht” vào ngày 10-11, hơn 1.000 hội sở Do Thái ở khắp nước Đức bị đốt cháy, 7.000 doanh nghiệp Do Thái bị phá hủy hoặc lục soát. Contreras nói: “Ngay cả những người lạc quan nhất cũng nhận ra rằng mọi thứ đã rẽ vào một lối đi khác, và họ đã đúng. Đó là sự khởi đầu của giải pháp cuối cùng: Tiêu diệt người Do Thái ở châu Âu”. 

Hết sức kinh hoàng, ngày 2-1-1939, Contreras viết một lá thư gửi Miguel Angel Araujo, Bộ trưởng Ngoại giao El Salvador. Trong thư, ông mô tả những gì đang xảy ra và xin được phép cấp visa cho bất kỳ người Do Thái nào muốn rời khỏi Đức. Tuy nhiên, yêu cầu của Contreras bị từ chối với lý do El Salvador có những vấn đề của riêng mình và điều cần thiết phải làm lúc bấy giờ là không để xảy ra những rắc rối ngoại giao với Đức Quốc xã.

Một lần nữa, nhằm tránh những hành động bộc phát của Contreras, theo lệnh Tổng thống Martínez, tháng 3-1939, Bộ Ngoại giao El Salvador cử Contreras sang làm Tổng lãnh sự El Salvador ở Geneva, Thụy Sĩ, một đất nước trung lập.

QUYẾT ĐỊNH LÀM LIỀU

Chỉ một thời gian ngắn sau khi Contreras nhậm chức Tổng lãnh sự El Salvador ở Geneva, Thụy Sĩ, một người Do Thái gốc Hungary là Gyorgy Mandl, chủ của một công ty dệt may ở Rumani đến gặp ông. Trong buổi gặp ấy, Gyorgy Mandl cho Contreras biết sở dĩ ông đặt công ty may ở Rumani vì ông nghĩ nơi này sẽ an toàn bởi sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Rumani tuyên bố là quốc gia trung lập.

Jose Arturo Castellanos Contreras khi là Tổng Lãnh sự El Salvador ở Thụy Sĩ.
Jose Arturo Castellanos Contreras khi là Tổng Lãnh sự El Salvador ở Thụy Sĩ.

Tuy nhiên Gyorgy Mandl đã lầm. Tháng 6-1940, Rumani liên minh với Đức Quốc xã và ngày 8-10-1940, 500 ngàn quân Đức tiến vào Rumani. 2 tháng sau, chiến dịch bài Do Thái ở Rumani bắt đầu.

Trước tình cảnh “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, Mandl dẫn gia đình chạy sang Thụy Sĩ. Mặc dù là quốc gia trung lập nhưng do có chung đường biên giới với Đức nên luật tị nạn của Thụy Sĩ rất nghiêm ngặt vì họ cũng không muốn làm “mất lòng” Đức Quốc xã. Vì thế, gia đình Mandl có nguy cơ bị trục xuất.

Trước đó, Gyorgy Mandl đã biết về chiến dịch tiêu diệt người Do Thái qua cái gọi là “giải pháp cuối cùng” của Hitler. Ông cố gắng ngăn chặn tội ác diệt chủng của Đức Quốc xã bằng cách gửi cho bạn mình là Florian Manoliu, một nhà ngoại giao ở Rumani một bức thư, đề nghị Florian Manoliu đến Hungary để tìm hiểu những gì đang xảy ra ở đó. Hơn 1 tháng sau, Manoliu đi Budapest, Hungary, rồi nhận được từ Moshe Krausz, lãnh đạo cộng đồng Do Thái ở Budapest một bản báo cáo, nội dung nói về 435 ngàn người Do Thái Hungary bị lùa vào trại tập trung Auschwitz và những phòng hơi ngạt.

Tuy nhiên, khi Florian Manoliu công bố bản báo cáo ấy thì nhiều nhà lãnh đạo phía Đồng minh lại không có bất kỳ động thái nào nhằm ngăn cản sự diệt chủng. Chỉ duy nhất một số tờ báo xuất bản ở Geneva, Thụy Sĩ và những cuộc biểu tình trên đường phố của một số người dân, đề nghị Chính phủ Thụy Sĩ không trục xuất người Do Thái, nhất là Do Thái Hungary, cùng sự lên tiếng của Thủ tướng Anh Winston Churchill: “Không nghi ngờ gì về chuyện Đức Quốc xã bức hại người Do Thái ở Hungary và việc trục xuất khỏi lãnh thổ có lẽ là tội ác lớn nhất và khủng khiếp nhất trong toàn bộ lịch sử thế giới...”. Nhưng theo Gyorgy Mandl, tất cả những phản ứng ấy chỉ như “đá ném ao bèo”.

Vì vậy, cái phao cuối cùng của Gyorgy Mandl chính là Jose Arturo Castellanos Contreras, Tổng Lãnh sự El Salvador ở Geneva, Thụy Sĩ. Sau buổi gặp Gyorgy Mandl và nhất là sau khi đọc bản báo cáo, Contreras quyết định phải hành động - không chỉ riêng với gia đình Gyorgy Mandl mà với nhiều người Do Thái khác mặc dù Contreras biết rõ những nguy hiểm đang chờ ông. Ông nói: “Nhẹ nhất là tôi sẽ bị Bộ Ngoại giao triệu hồi về El Salvador rồi ngồi chơi xơi nước cho đến ngày nghỉ hưu, còn nặng hơn là Gestapo - Cơ quan Mật vụ Đức Quốc xã thủ tiêu tôi. Tuy nhiên, tôi không thể nhắm mắt làm ngơ khi thấy hàng trăm ngàn người Do Thái sẽ bị giết trong những phòng hơi ngạt”.

(Còn nữa)
VŨ CAO

 

.
.
.