Mặc dù Chính phủ Kenya đã có những biện pháp tích cực, thể hiện quyết tâm trong nỗ lực đấu tranh chống lại tệ nạn tham nhũng hoành hành ở quốc gia Đông Phi này, song chừng ấy là chưa đủ khi mà tham nhũng đang trở thành căn bệnh khó chữa trị ở Kenya.
Tham nhũng khiến cho người dân Kenya khốn cực. |
Năm 2017, Kenya xếp thứ 143/180 quốc gia theo đánh giá chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index - CPI) của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), nằm trong số những nước tham nhũng ở tình trạng báo động.
Chỉ số này không có gì là quá bất ngờ khi mà danh sách các vụ bê bối tham nhũng ở Kenya đã được duy trì một thời gian dài. Dưới nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Daniel arap Moi (1978-2002), Kenya đã xảy ra 1 vụ bê bối tham nhũng, biển thủ thuộc hàng “khủng”, liên quan đến những gian lận trong xuất khẩu vàng của Công ty Goldenberg International. Vụ bê bối này được truyền thông gọi với cái tên mỹ miều “núi vàng”, và trong vụ bê bối này, ngân sách Kenya khi đó bị thất thoát, biển thủ khoảng 988 triệu USD.
Năm 2015, Chính phủ Kenya đối mặt với cáo buộc tham nhũng, hối lộ trong các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, trong đó có dự án đường sắt Nairobi - Mombasa (dài 500km), được ký kết giữa Chính phủ Kenya và các nhà thầu Trung Quốc. Chính vì nghi ngờ có hành vi tham nhũng, hối lộ trong dự án này mà Quốc hội Kenya đã yêu cầu Chính phủ phải hủy bỏ dự án - tổng giá trị của dự án lên tới gần 13,6 tỷ USD.
Vụ bê bối tham nhũng trong ngành tư pháp cũng đã bị phát hiện vào đầu năm 2017. Thư ký của một thẩm phán Tòa án Tối cao bị bắt giữ cùng lượng tiền mặt lên tới hơn 1 triệu KES (đồng tiền Kenya).
Theo các nhà phân tích, để cuộc chiến chống “nội xâm” này có hiệu quả, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả 3 “cánh tay”: Lập pháp, tư pháp và hành pháp. Tuy nhiên, tham nhũng đang làm xói mòn sự độc lập hành động của các tòa án. Trong khi, hầu hết các cán bộ tư pháp đều không muốn một ngành tư pháp độc lập, bởi bản thân họ cũng mong... được tham nhũng.
Tháng 3-2018, Cơ quan kiểm toán Kenya thông báo ngân quỹ Bộ Y tế nước này thất thoát gần 108 triệu USD. Các nhà điều tra viên phát hiện gần 90 triệu USD đã “bốc hơi” khỏi quỹ hoạt động của Cơ quan Thanh niên quốc gia (NYS). Cảnh sát đã bắt giữ hàng chục nghi phạm với tội danh biển thủ công quỹ, kê khống hóa đơn cho nhiều hoạt động chưa từng diễn ra.
Trong số các cán bộ công chức và doanh nhân bị buộc tội có lãnh đạo Tổ chức Thanh niên quốc gia, Kế toán cấp cao của cơ quan Chính phủ và Trưởng Kiểm toán nội bộ tại Kho bạc Quốc gia. Tổ chức Thanh niên quốc gia được cấp 250 triệu USD kinh phí hoạt động mỗi năm từ ngân sách nhà nước để giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ hiện đang ở mức rất cao ở Kenya. Tuy nhiên, kể từ năm 2015, hàng loạt vụ tham nhũng tại đây đã bị báo chí phanh phui, gây bức xúc trong dư luận.
Trong bối cảnh tham nhũng hoành hành khắp bộ máy chính quyền đất nước, hàng loạt bệnh nhân ở Kenya tử vong. Hiệp hội Các y, bác sĩ Kenya trong một cuộc đình công phản đối Chính phủ vào năm 2016 đã cáo buộc rằng, chính sự “tham nhũng đáng ghê tởm” và sự “cướp bóc” của Kho bạc Nhà nước khiến bệnh viện rơi vào tình trạng không có trang thiết bị và thiếu nhân viên, dẫn tới người bệnh không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, tích cực.
Nhiệm vụ chống tham nhũng hiện nay được Kenya đặt lên hàng đầu. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2013, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta luôn thể hiện quyết tâm chống tham nhũng, ông yêu cầu các cơ quan tư pháp nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để đưa những vụ việc tham nhũng ra trước tòa án, bảo đảm công lý được thực thi. Đồng thời, kêu gọi toàn thể người dân Kenya đấu tranh chống tham nhũng với tinh thần bền bỉ, kiên trì giống như cha ông của họ đã đấu tranh cho nền hòa bình, độc lập...
Trong bài phát biểu nhân buổi tiếp đón trọng thể cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm Kenya vào năm 2015, Tổng thống Uhuru Kenyatta một lần nữa khẳng định, Kenya đang rất nỗ lực chống tham nhũng.
Thế nhưng, ông John Githongo - một “chiến binh” trong lĩnh vực chống tham nhũng ở Kenya, người từng được cựu Tổng thống Mwai Kibaki (nhiệm kỳ 2002 - 2013) chỉ định làm người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng của Kenya năm 2002 cho biết, những quyết tâm, nỗ lực của Tổng thống Uhuru Kenyatta chỉ là “lời nói gió bay”, rằng “giữa lời nói với việc làm của Tổng thống Kenya cách nhau một trời một vực”.
Ông John Githongo cũng đưa ra cáo buộc Tổng thống Uhuru Kenyatta và Phó Tổng thống Kenya, ông William Ruto, chính là những người đã tạo ra “môi trường” thuận lợi cho tham nhũng tràn lan, đặc biệt là tham nhũng liên quan tới các công chức, chính trị gia và các cấp quản lý các doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ.
Trong nỗ lực dẹp nạn tham nhũng tại Kenya, mới đây Tổng thống Uhuru Kenyatta đã yêu cầu mọi quan chức hàng đầu Chính phủ phải được kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối. Ông cho biết biện pháp này nhằm bảo vệ Chính phủ khỏi “sự ích kỷ và lòng tham”.
Cuộc sàng lọc sẽ được tiến hành trước khi năm tài khóa bắt đầu vào tháng 7-2018 và áp dụng với mọi cấp quản lý và quan chức làm việc trong các cơ quan Chính phủ, nhằm kiểm tra tính trung thực cũng như sự phù hợp của họ với công việc. Người tham gia nếu không vượt qua sẽ bị đình chỉ chức vụ ngay lập tức.
HOÀNG ANH