.

Sống sót sau 3 ngày chìm dưới đáy biển

Cập nhật: 09:53, 22/06/2018 (GMT+7)

4 giờ 30 sáng 26-5-2013, khi Harrison Okene, đầu bếp trên chiếc tàu kéo AHT Jascon 4 thức dậy rồi bước vào phòng vệ sinh thì bất ngờ một con sóng lớn ập đến. Trong tích tắc, chiếc AHT Jascon 4 lật úp rồi chìm xuống đáy biển ở độ sâu 30m ngoài khơi bờ biển Nigeria, châu Phi. 3 ngày sau,  đội tìm kiếm cứu nạn của hãng dầu khí Chevron mới đến nơi. Và khi lặn xuống để vớt xác thủy thủ đoàn, lực lượng cứu hộ bất ngờ thấy Okene vẫn còn sống…

Biểu hiện vui mừng của Okene khi chiếc đèn lặn chiếu vào mặt anh.
Biểu hiện vui mừng của Okene khi chiếc đèn lặn chiếu vào mặt anh.

1. Thời điểm con sóng ập đến, Okene mới vừa cầm lấy chiếc bàn chải đánh răng. Anh kể: “Tôi nghe có tiếng va đập rất lớn vào thân tàu như thể một quả bom vừa nổ rồi ngay sau đó, con tàu lật nghiêng khiến tôi té nhào, vai tôi đập vào vách tàu đau điếng. Chưa kịp định thần thì tôi thấy mình như bị lộn ngược xuống trong lúc nước bắt đầu tràn vào…”.

Tàu kéo ATH Jacon 4 lúc ấy đang làm dịch vụ cho hãng dầu khí Chevron, Mỹ. Khi tai nạn xảy ra, ngoại trừ thuyền phó và 1 máy phó cùng 2 thủy thủ trực ban, còn thuyền trưởng và các thủy thủ khác đều ngủ trong những cabin, cửa khóa kín nhằm đề phòng cướp biển lên tàu khống chế họ. Sau này, khi đội tìm kiếm cứu nạn lặn xuống, các thợ lặn thấy tất cả đều đã chết. Charles Dickinson, một thợ lặn kể: “Cũng như ở các cabin của thủy thủ đoàn, buồng lái cũng khóa cửa bên trong để đề phòng cướp biển nên khi tàu lật úp, không ai thoát ra được vì nước tràn vào nhanh quá. Họ chết vì ngạt thở”.

Về phía Okene, lúc chiếc tàu chìm xuống, hít một hơi dài, anh lặn ra khỏi nhà bếp rồi theo trí nhớ, anh lần tìm đến phòng máy trưởng vì nơi này có một cánh cửa thông ra hành lang và không có khóa. Anh nhớ lại: “Xung quanh tối đen như mực, chẳng nhìn thấy gì. Vào được phòng máy trưởng, tôi biết tàu đã chìm xuống đáy vì mọi sự rung lắc không còn nữa. Dưới sức ép của nước, cánh cửa bằng thép không thể mở ra. Trong giây lát, tôi nghĩ rằng mình sẽ chẳng sống nổi vì tôi đã nín thở lâu quá”.

Trong cơn tuyệt vọng, Okene trồi lên. Và thật kỳ diệu khi anh gặp được một khoảng trống. Nó giống như lúc bạn úp một cái thùng xuống nước. Nước chỉ dâng lên đến một mức nào đó mà thôi vì áp lực không khí bên trên ngăn không cho nước dâng lên nữa. Khoảng trống ấy tính từ mặt nước đến trần cabin thì nó cao 1,2m, dài chừng 5m, nghĩa là có 6 mét khối không khí. Lấy lại bình tĩnh, Okene quan sát xung quanh. Anh phát hiện 1 áo phao có gắn đèn pin báo hiệu và 1 chai Coca Cola loại 1,5 lít trôi gần đó. Với tay lấy cả hai thứ, Okene tự dặn rằng mỗi ngày anh chỉ uống nửa lít Coca để kéo dài sự sống, hy vọng người ta sẽ cứu được anh mặc dù anh biết cái hy vọng ấy rất mong manh. Anh nói: “Tôi bắt đầu thấy lạnh vì khi tàu chìm, tôi chỉ mặc có mỗi cái quần đùi. Đứng trên một gờ sắt, tôi cố nhô cao phần ngực lên vì trong những bài học thoát hiểm khi tàu đắm, tôi đã được dạy rằng nếu vùng phổi và tim bị lạnh thì cơ thể sẽ nhanh mất thân nhiệt”.

Theo bác sĩ Eric Hexdall, Giám đốc Trung tâm Duke về Y học lặn biển và sinh lý môi trường biển (Anh), mỗi ngày một người trưởng thành hít thở trung bình khoảng 10 mét khối không khí nên với khoảng trống trong cabin máy trưởng trên tàu ATH Jacon 4, Eric Hexdall ước tính đầu bếp Okene chỉ có thể sống được từ 12 đến 16 tiếng đồng hồ bởi lẽ mỗi lần hít vào, Okene lại thở ra khí carbonic, và nó không thoát đi đâu được. Khi nồng độ carbonic chiếm 5% khoảng trống trong cabin máy trưởng, Okene sẽ chết vì ngộ độc. Bên cạnh đó, nếu thân nhiệt của một người giảm xuống còn 35 độ C hoặc thấp hơn, sẽ dẫn đến hiện tượng rối loạn tri thức, rối loạn vận động, mất phương hướn. Trong trường hợp nghiêm trọng, người ấy sẽ cảm thấy buồn ngủ nhưng không giống như những con vật ngủ đông, sự trao đổi chất vẫn diễn ra trong cơ thể nó dù rất chậm nhưng với con người, nếu đã ngủ thì sẽ chẳng bao giờ tỉnh dậy, và cái chết là kết quả cuối cùng của sự giảm thân nhiệt cực độ, xảy ra chỉ trong 2 tiếng đồng hồ.

2. Vậy mà Okene vẫn thoát chết. Khoảng 3 giờ sau khi chiếc ATH Jacon 4 chìm xuống đáy biển, Okene vớt được một tấm xốp, không biết từ đâu trôi đến. Với tấm xốp ấy, mỗi lúc thấy mệt, anh lại nằm úp ngực xuống nó để không phải tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh. Anh nói: “Hồi còn học cấp 3, tôi biết rằng nước có thể hòa tan khí carbonic nên mỗi lần thở ra, tôi lại thở vào trong nước”. Chính cái động tác tưởng chừng đơn giản ấy đã giúp anh sống được suốt 3 ngày.

0 giờ sáng 29-5-2013, 2 thợ lặn đầu tiên của hãng dầu khí Chevron xuống đến đáy biển, nơi chiếc ATH Jacon 4 bị đắm. Thoạt đầu, họ phát hiện 4 thi thể ở buồng lái, trong đó 1 người bị cá mập ăn gần hết thân mình thông qua cánh cửa kính bị vỡ. 10 phút sau, lại có thêm 4 thợ lặn nữa xuống đến nơi. Bằng đèn hàn, họ cắt khóa cabin rồi lần lượt đem lên 12 xác. Thợ lặn Charles Dickinson kể: “Lúc đã ở trên tàu cứu hộ, tôi nghe nói tàu ATH Jacon 4 có tổng cộng 13 người. Như vậy là vẫn còn 1 người nữa nhưng sau khi lấy được 12 xác, chúng tôi thấy chẳng còn ai. Có lẽ nạn nhân thứ 13 đã bị cá mập ăn mất”.

Mặc dù vậy, thợ lặn Charles Dickinson và một đồng nghiệp vẫn quyết định xuống thêm một lần nữa. Sau khi tìm kiếm trong hầm máy, 2 thợ lặn vòng lên cabin thuyền trưởng. Charles Dickinson kể tiếp: “Ngang qua cabin máy trưởng, chúng tôi thấy cửa mở nên vào xem. Thật bất ngờ, qua ánh sáng của chiếc đèn lặn, tôi phát hiện phần dưới thân thể của một người đàn ông, chỉ mặc chiếc quần đùi. Người này hình như còn sống vì 2 chân anh ta động đậy”.

Và càng bất ngờ hơn nữa vì lúc trồi lên, hình ảnh đầu tiên mà Charles Dickinson nhìn thấy là anh đầu bếp Okene, mắt trợn tròn như muốn lồi ra, miệng há hốc khi chiếc đèn lặn chiếu vào mặt anh. Charles Dickinson kể: “Anh ấy lắp bắp “cứu tôi, cứu tôi với” rồi bất tỉnh”.

Rất nhanh chóng, Charles Dickinson tháo mặt nạ oxy của mình ra đeo vào cho Okene. Theo Charles Dickinson, không khí trong cái khoảng trống ở cabin máy trưởng dường như đặc quánh khiến ông thở rất nặng nhọc: “Vậy mà chẳng hiểu sao anh ta lại có thể sống được suốt 3 ngày”.

Nửa tiếng sau đó, tàu cứu hộ thả xuống đáy biển một chiếc “chuông lặn”, có cùng áp suất với áp suất ở độ sâu 30m. Đây là thiết bị rất quan trọng để đưa người từ đáy biển lên nhằm giúp cho cơ thể họ quen dần với áp suất không khí trên mặt nước vì nếu đưa lên đột ngột, nạn nhân có thể chết hoặc liệt toàn thân. Với sự trợ giúp của đồng nghiệp bằng cách thay nhau sử dụng chung một mặt nạ oxy, Charles Dickinson đưa Okene vào chuông lặn rồi lúc đã lên được tàu, nhóm cứu hộ lập tức đưa Okene vào phòng giải nén nhằm làm cân bằng áp suất trong cơ thể anh. Okene nói: “Bước ra khỏi phòng giải nén, tôi không nhớ là mình đã ở dưới đáy biển bao nhiêu ngày. Nhìn lên bầu trời đầy sao, tôi cứ nghĩ mình đang mơ. Ai cũng bảo tôi sống sót là nhờ phép lạ”.

Hiện tại, Okene vẫn tiếp tục đi biển, và nguyên nhân khiến chiếc tàu kéo ATH Jacon 4 bị đắm vẫn còn là bí ẩn bởi lẽ với thiết kế có thể chịu được sóng cấp 6, nó không dễ dàng lật úp rồi chìm. Theo một quan chức của hãng Dầu khí Chevron: “Tai nạn là do đại dương trở chứng đột ngột …”.

Okene hiện nay.
Okene hiện nay.

VŨ CAO
(Theo The Naval Weekly)

.
.
.