.

Siêu điệp viên Eli Cohen của Israel suýt trở thành Tổng thống Syria - Kỳ 1

Cập nhật: 17:01, 03/06/2018 (GMT+7)

Tháng 5-2018 này tròn 53 năm sự kiện hành quyết Eli Cohen - một điệp viên người Israel sinh ra ở Ai Cập. Điệp viên này đã luồn sâu leo cao vào bộ máy nhà nước Syria tới mức ông ta suýt trở thành người đứng đầu nhà nước này. Câu chuyện được Hãng thông tấn Sputnik tổng hợp. Xin giới thiệu đến bạn đọc câu chuyện huyền thoại của siêu điệp viên này.

THỜI KỲ ĐẦU

Eli Cohen (bên phải) khi ở kênh đào Suez vào năm 1956.
Eli Cohen (bên phải) khi ở kênh đào Suez vào năm 1956.

Eli Cohen sinh ra trong một gia đình 8 người ở TP.Alexandria của Ai Cập bên bờ Địa Trung Hải vào ngày 6-12-1924. Mặc dù học tiểu học tại một trường Do Thái địa phương, Cohen luôn tự coi mình là một nhà yêu nước Ai Cập – đất nước nơi ông đã sinh ra. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Cohen vào học tại Đại học Alexandria, nơi ông học chuyên ngành kỹ thuật điện. Trong thời gian học tại đó, người thanh niên này đã tổ chức các cuộc biểu tình của sinh viên chống lại việc người Anh chiếm đóng Ai Cập.

Người em trai Albert Abraham Cohen nhớ lại: “Anh ấy trung thành với Tổ quốc của mình – đất nước Ai Cập. Anh ấy cũng trung thành với người Do Thái và tư tưởng Phục quốc, với mục tiêu xây dựng một nhà nước Do Thái trên mảnh đất Israel”, khi ấy được coi là vùng lãnh thổ ủy trị Palestine dưới quyền của người Anh. Dưới sự hướng dẫn của lãnh đạo tôn giáo của cộng đồng Do Thái ở TP.Alexandria, Cohen bắt đầu tham gia phong trào Phục quốc (Zion).

Khi Israel tuyên bố độc lập vào năm 1948, gia đình ông đã chuyển tới sinh sống ở quốc gia mới này. Nhưng riêng Cohen vẫn ở lại Ai Cập để học nốt chương trình giáo dục. Như xác nhận sau này của cựu Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin, Cohen đã tình nguyện ở lại Ai Cập, tham gia vào hoạt động ngầm đưa người Do Thái hồi hương về Israel.

Cohen được cho là đã tham gia vào vụ Lavon, một âm mưu do tình báo quân sự Israel dàn dựng vào năm 1954 nhằm thực hiện những cuộc tấn công “cờ giả” vào các mục tiêu dân sự Ai Cập, Mỹ và Anh rồi đổ lỗi cho các phần tử cực đoan, nhằm thuyết phục London tiếp tục chiếm đóng khu vực kênh đào Suez.

Năm 1954, gia đình Cohen biết rằng ông đã bị giới chức Ai Cập bắt giữ và buộc tội tham gia một nhóm khủng bố. Các bị cáo khác trong vụ này đã bị tống vào ngục hoặc hành quyết, nhưng Cohen lại thoát được cả hai án phạt này do thiếu bằng chứng. Ngay sau cuộc khủng hoảng Suez 1956, Cohen bị đẩy sang Israel cùng với hàng ngàn người Do Thái Ai Cập khác.

HÀNH TRÌNH TRỞ THÀNH MỘT ĐIỆP VIÊN

Cohen tới Israel vào ngày 8-2-1957. Năm ngày sau, ông được quân đội Israel thẩm vấn và yêu cầu viết tiểu sử. Cohen mô tả cuộc sống của mình ở Ai Cập trên 8 trang giấy. Cohen có đề cập rằng ông nói được tiếng Arab, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Italy và tiếng Do Thái. Trình độ tiếng Arab của ông ở mức thành thạo cả các phương ngữ Ai Cập, Syria và Lebanon.

Ở cuối phần tiểu sử, Cohen ngỏ ý rằng mình sẵn lòng tới bất cứ đất nước Arab nào để tham gia hoạt động tình báo. Albert nhấn mạnh: “Anh ấy không muốn ngao du thiên hạ. Anh ấy chỉ đơn giản là một người ái quốc. Anh ấy ý thức rõ những gì đang đợi chờ mình và tình nguyện cứu dân tộc mình khỏi một cuộc diệt chủng Holocaust thứ 2. Tôi không cho rằng anh ấy khi đó mơ đến cuộc sống của một điệp viên. Anh chỉ đơn giản là người yêu nước Ai Cập và là người theo phong trào Phục quốc Do Thái. Khi ấy, hai khái niệm này không mâu thuẫn nhau”.

Israel xem việc nỗ lực hợp nhất Ai Cập và Syria thành nước Cộng hòa Arab Thống nhất vào năm 1958 là một mối đe dọa nghiêm trọng. Các cơ quan tình báo của nhà nước Israel non trẻ vội vã tìm kiếm một chuyên gia có năng lực theo dõi đối phương ở hậu tuyến và cung cấp thông tin cho việc mở một cuộc tiến công.

PHIÊU LƯU Ở ARGENTINA

Đầu năm 1961, Cohen được cử sang Argentina, giả làm một doanh nhân Syria giàu có. Cohen ở quốc gia Nam Mỹ này trong 8 tháng. Quãng thời gian tại đó đã được Natalio Steiner – đồng giám đốc của tờ báo Do Thái ở Argentina Comunidades, ghi lại trong một bài báo về tình báo Israel. Và Steiner đã nói với Sputnik về thời gian mà điệp viên Cohen sống ở Argentina.

Sử dụng giấy tờ giả và một danh phận mới, Cohen trở thành “Kamel Amin Thaabet” – một người Syria được thừa kế doanh nghiệp dệt may của người họ hàng Argentina có gốc Do Thái sau khi ông này qua đời.

Rời Israel vào năm 1961, Cohen đi sang Zurich (Thụy Sĩ) rồi từ đó sang Chile và cuối cùng là Argentina. Vài ngày sau đó ông gặp đầu mối của mình ở thủ đô Buenos Aires, được cấp hộ chiếu giả và nhận được lời khuyên học tiếng Tây Ban Nha càng sớm càng tốt. Theo Steiner, 3 tháng sau, Cohen đã có thể nói ngôn ngữ Tây Ban Nha một cách thoải mái và hiểu sâu về thủ đô của Argentina.

Mục tiêu của Cohen là xâm nhập cộng đồng người Arab sống ở Buenos Aires. Với mục tiêu này thường trực trong tâm trí, ông thường xuyên tới dự nhiều sự kiện của cộng đồng Arab này. Để thu hút sự chú ý về mình, Cohen tự làm cho bản thân nổi tiếng bằng việc thường xuyên mặc đồ đắt tiền và vung tiền xả láng. Theo Steiner, các nỗ lực của Cohen tỏ ra vô cùng hiệu quả, giúp ông tiếp cận giới tinh hoa của cộng đồng người Syria ở Argentina và thông qua họ để tiếp cận các đầu mối quan trọng ở Syria.

Nhà báo Argentina Steiner nói rõ thêm: “Tự giới thiệu mình là một doanh nhân lớn, ông ấy có điều kiện gặp những người mà đến lượt họ, lại giới thiệu ông ấy với các nhân vật quan trọng trong giới quân sự và chính trị của Syria. Kết quả là, ông được mời tới dự các sự kiện khác nhau với sự tham gia của các nhân vật nổi bật trong cộng đồng Arab. Câu chuyện vỏ bọc an toàn của Cohen đã giúp ông xâm nhập được sâu như thế”.

Trong bài báo viết về Cohen, Steiner lưu ý rằng điệp vụ của Cohen thành công là nhờ vào “sự lôi cuốn cá nhân và chiếc ví hào phóng của ông ấy”, cũng như nhờ vào một mạng lưới rộng khắp các mối liên hệ, trong đó có người đứng đầu Mundo Abrabe, một tờ báo uy tín có lượng độc giả lớn trong cộng đồng Arab ở châu Mỹ Latin.

Việc làm quen với người đứng đầu tờ báo Mundo Abrabe đã giúp Cohen tiếp cận được Đại sứ quán Syria ở Buenos Aires. Chính ở đây ông được gặp tướng Amin Hafiz, tùy viên quân sự Syria ở Argentina và trong tương lai trở thành Tổng thống Cộng hòa Syria.

Trong một lần trao đổi với giám đốc Mundo Arabe, Cohen “thú nhận” rằng ông mong muốn được trở về Syria để hỗ trợ sự phát triển của Tổ quốc mình.

TRUNG HIẾU


Siêu điệp viên Eli Cohen của Israel suýt trở thành Tổng thống Syria - Kỳ 1

Siêu điệp viên Eli Cohen của Israel suýt trở thành Tổng thống Syria - Kỳ 2

Còn nữa

.
.
.