Eurozone xác nhận Hy Lạp đã thoát khỏi khủng hoảng nợ
Sáng 22-6, các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã nhất trí giảm nợ và giải ngân khoản cuối cùng trong gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ euro dành cho nước này.
Đây là một phần trong thỏa thuận về chấm dứt chương trình cứu trợ cho Hy Lạp, khép lại 8 năm quốc gia này phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Theo một số nguồn tin chính thức, sau 6 giờ đàm phán kéo dài từ đêm 21-6 tới rạng sáng 22-6, các nước thành viên Eurzone đã đạt được một thỏa thuận, theo đó Hy Lạp dự kiến thoát khỏi chương trình cứu trợ tài chính vào ngày 20-8 tới. Các chủ nợ sẽ giải ngân 15 tỷ euro (tương đương 17,5 tỷ USD) còn lại trong gói cứu trợ thứ 3 nhằm tạo thuận lợi cho nước này dễ dàng thoát khỏi chương trình cứu trợ kéo dài hơn 8 năm qua. Ngoài ra, các bộ trưởng tài chính thuộc 19 nước thành viên Eurozone cũng nhất trí gia hạn 10 năm đối với các khoản nợ chính trong tổng số nợ bắt buộc của Hy Lạp, hiện chiếm tới 180% GDP, gần gấp đôi sản lượng kinh tế hàng năm của quốc gia thành viên Eurozone này.
Hy Lạp là tâm điểm của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu bùng phát hồi năm 2008, đẩy nền kinh tế nước này vào suy thoái nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên, đe dọa làm rạn nứt khu vực Eurozone. Kể từ năm 2010, Hy Lạp đã phải thực hiện nhiều biện pháp cải cách và “thắt lưng buộc bụng” bị người dân phản đối để đổi lấy ba gói cứu trợ với tổng trị giá lên tới 273 tỷ euro từ EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ euro được kích hoạt từ năm 2015 sau 6 tháng đàm phán liên tiếp. Để kết thúc gói cứu trợ này, các bộ trưởng tài chính Eurozone phải đưa ra đánh giá tích cực và bảo đảm rằng Hy Lạp có đủ khả năng tự thanh toán nợ.
Theo AP