Australia, Nhật Bản phản đối hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông
Ngày 22-5, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop lên tiếng phản đối trước hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, sau khi hồi cuối tuần qua, có thông tin cho rằng một máy bay ném bom của Trung Quốc có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đã hạ cánh trái phép xuống quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển lớn nhất thế giới (G20) đang diễn ra tại Buenos Aires (Argentina) sáng 22-5, Ngoại trưởng Bishop đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Bà Bishop đánh giá cuộc thảo luận “rất thẳng thắn và mang tính xây dựng” và cho biết bà sẽ sớm thăm Bắc Kinh. Ngoại trưởng Australia cho biết bà có mối quan hệ lâu dài tốt đẹp với người đồng cấp Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh Canberra sẽ “tiếp tục duy trì mối quan hệ song phương bằng thái độ thiện chí, thực tiễn và tiếp xúc mở”. Mặc dù cuộc hội đàm tại Argentina rõ ràng là nhằm tháo gỡ quan hệ ngoại giao, song bà Bishop vẫn lên tiếng phản đối trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có việc Bắc Kinh điều máy bay ném bom chiến lược H-6K tới một đảo không xác định sau khi thực hiện khóa huấn luyện tấn công giả định nhằm vào các mục tiêu trên biển. Ngoại trưởng Australia nói: “Lập trường của Australia rất rõ ràng và kiên định. Quan ngại của chúng tôi về hoạt động quân sự hóa tại các thực thể tranh chấp ở Biển Đông là chủ đề trong nhiều cuộc thảo luận và cũng là chủ đề ngày hôm nay”.
Ngoại trưởng Bishop cũng đã thảo luận vấn đề Biển Đông với Mỹ tại Hội nghị G20. Bà cho biết, Australia sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không, “ủng hộ quyền của các nước khác khi làm điều tương tự” và đã nêu lập trường này với phía Trung Quốc.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thông tin một số máy bay ném bom của Trung Quốc lần đầu tiên đã hạ cánh xuống một sân bay ở Biển Đông; cho rằng đây là những bước đi nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng và tạo thành sự đã rồi của Trung Quốc. Tokyo lo ngại sâu sắc trước tình trạng này, đồng thời cho rằng cộng đồng quốc tế cần hợp tác để duy trì và củng cố trật tự trên biển một cách tự do, rộng mở dựa trên luật pháp.
Theo ABC