.

Hành trình chông gai dẫn đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều

Cập nhật: 16:13, 16/05/2018 (GMT+7)

Hãng thông tấn AFP (Pháp) đã tổng hợp toàn bộ diễn biến hành trình ngoại giao suốt 18 tháng qua, vốn đã đưa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên đi từ một cuộc khẩu chiến với những lời lẽ khoa trương, khiêu khích lẫn nhau đến trước thềm một hội nghị thượng đỉnh, dự kiến diễn ra vào ngày 12-6 tại Singapore.

Ngoại trưởng Pompeo và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: AP 
Ngoại trưởng Pompeo và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: AP 

Tổng thống Trump - người mở đường

Ngày 2-1-2017, thời điểm trước khi nhậm chức vài tuần, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tuyên bố Triều Tiên sẽ không bao giờ được phép phát triển vũ khí hạt nhân có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, trong hơn 1 năm đầu cầm quyền, ông đã phát đi những tín hiệu đầy mâu thuẫn: Trong tuyên bố vào tháng 4-2017, ông vừa miêu tả nhà lãnh đạo Kim Jong-un là một “người đàn ông tên lửa”, vừa gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên là một người “khôn ngoan” khi lãnh đạo đất nước dù tuổi còn trẻ. 

Sau đó, vào ngày 1-5-2018, ông khiến giới quan sát bất ngờ khi tuyên bố sẵn sàng - và “vinh dự” - được gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên “trong hoàn cảnh thích hợp”.

Căng thẳng leo thang

Tháng 7-2017 - 6 tháng sau khi Tổng thống Trump nhậm chức, ông Kim Jong-un tiến hành 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và tuyên bố toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong phạm vi tấn công của Triều Tiên. Một tháng sau, Tổng thống Trump đe dọa “trút bão lửa và thịnh nộ” xuống Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục hăm dọa Mỹ, mở ra một thời kỳ khiêu khích và hăm dọa nhau kéo dài suốt nhiều tháng và khiến cả thế giới bị gạt ra bên ngoài.

Không chịu khuất phục, Bình Nhưỡng vài tuần sau đó tiếp tục thử một tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Và vào ngày 3-9-2017, Triều Tiên tiến hành vụ thử lần thứ 6 một cách “hoàn hảo” mà có thể gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa. Đáp lại, Tổng thống Mỹ cảnh báo “đàm phán không phải là giải pháp” cho tình trạng bế tắc hiện nay (của Washington) với Bình Nhưỡng - mặc dù chính quyền Tổng thống Trump vẫn không loại trừ một giải pháp ngoại giao.

Nút bấm hạt nhân của ai lớn hơn?

Ngày 21-9-2017, Washington công bố một loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn để kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Tuyên bố này được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Trump có bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ mà tại đó, ông gọi Kim Jong-un là “người đàn ông tên lửa” đang thực hiện một “nhiệm vụ tự sát”, đồng thời cảnh báo rằng nếu bị đe dọa, Mỹ sẽ “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phá hủy hoàn toàn Triều Tiên”.

Đáp lại, ông Kim Jong-un cũng gọi ông Trump là “lẩm cẩm và rối loạn”, cảnh báo rằng Tổng thống Trump sẽ phải trả giá vì những lời đe dọa của mình.

Sau khi Triều Tiên tiếp tục thực hiện thử ICBM hồi tháng 11-2017, xuất hiện nhiều mối lo sợ rằng những lời lẽ khiêu khích đó có thể làm bùng nổ một cuộc xung đột hạt nhân.

Khi năm 2017 sắp kết thúc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể tấn công bất kỳ thành phố nào trên lục địa Mỹ, cảnh báo trong thông điệp mừng năm mới rằng ông có “nút bấm hạt nhân” trên bàn làm việc của mình. Tuy nhiên ngay sau đó, ngày 5-1-2018, Tổng thống Trump đáp trả rằng “nút bấm hạt nhân” của ông còn “lớn và mạnh hơn nhiều”.

Thế vận hội hòa bình

Sau nhiều năm tháng căng thẳng, việc Hàn Quốc đăng cai Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang vào tháng 2-2018 vừa qua đã tạo ra một cánh cửa cơ hội để 2 miền Triều Tiên mở lại các kênh liên lạc, đánh dấu thời kỳ “tan băng” ngoạn mục trên Bán đảo Triều Tiên. Khi đội tuyển của 2 miền diễu hành cùng nhau trong lễ khai mạc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có những cái bắt tay lịch sử với em gái của ông Kim Jong-un là bà Kim Yo-jong.

Washington tuyên bố sẽ tiếp tục gây sức ép bất chấp những tín hiệu cho thấy các mối quan hệ trong khu vực đang ấm dần lên. Đây là một “cái tát” mạnh vào Bình Nhưỡng, đặc biệt là vào ngày 23-2-2018, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt lớn nhất từ trước đến nay đối với Bình Nhưỡng, một động thái mà chính quyền của ông Kim Jong-un gọi là “hành động chiến tranh”.

Tuy nhiên, theo một tuyên bố đáng chú ý từ Nhà Trắng hôm 8-3, một quan chức hàng đầu Hàn Quốc thông báo ông Kim Jong-un sẽ “ngừng bất kỳ cuộc thử nghiệm hạt nhân hay tên lửa nào” và mời ông Trump gặp mặt. Tổng thống Trump đã đồng ý nhận lời mời này.

Thế Vận hội Pyeochang cũng mở đường cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử diễn ra ngày 27-4 vừa qua, theo đó, Bình Nhưỡng và Seoul đã cam kết sẽ theo đuổi việc phi hạt nhân hóa và kiến tạo hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên.

Những rào cản cuối cùng được tháo gỡ

Đầu tháng 4-2018, Mike Pompeo - Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và khi đó là người được đề cử vào vị trí Ngoại trưởng - đã bí mật đến Bình Nhưỡng để gặp gỡ ông Kim Jong-un và bắt đầu “đặt nền móng” cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vô cùng quan trọng.

Một tháng sau đó, ông Pompeo thực hiện chuyến đi thứ hai không báo trước tới Bình Nhưỡng với mục đích hoàn thành những thông tin chi tiết cho hội nghị - và đặc biệt nhấn mạnh đến việc phóng thích 3 công dân Mỹ bị Bình Nhưỡng giam giữ.

Ngày 9-5, 3 người này đã trở về Mỹ và đích thân Tổng thống Trump chào đón họ tại Washington, đồng thời lên tiếng cảm ơn ông Kim Jong-un cũng như báo trước về một chiến thắng ngoại giao giữa hai nước. Sáng 10-5, Tổng thống Trump tiết lộ thời gian và địa điểm của “cuộc họp rất được mong đợi” với lãnh đạo Triều Tiên, cam kết “biến hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều trở thành một thời khắc vô cùng đặc biệt vì hòa bình thế giới”.

HÀ LINH

.
.
.