.

Con đường chính trị của Thủ tướng lớn tuổi nhất thế giới

Cập nhật: 19:11, 11/05/2018 (GMT+7)

Ông Mahathir Mohamad từng giữ chức Thủ tướng Malaysia trong 22 năm và đã đưa đất nước chuyển mình mạnh mẽ về cả kinh tế lẫn xã hội.

Tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.
Tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad.

Ông Mahathir Mohamad giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra hôm 10-5 ở Malaysia và sẽ trở thành tân Thủ tướng nước này, thay thế người tiền nhiệm Najib Razak. Lên nắm quyền ở tuổi 92, ông sẽ là Thủ tướng được bầu lớn tuổi nhất thế giới.

Cái tên Mahathir Mohamad không quá xa lạ ở Malaysia bởi ông từng giữ cương vị Thủ tướng quốc gia này trong suốt 22 năm, từ 1981 đến 2003. Mahathir đã kiến tạo nên sự chuyển mình mạnh mẽ của Malaysia, vươn mình từ một đất nước kém phát triển thành một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á.

Mahathir được nhiều người biết tới như là cha đẻ của công cuộc hiện đại hóa Malaysia. Chính ông đã đưa Malaysia thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1998 để hóa thân thành một “con hổ kinh tế”.

Trong thời kỳ nắm quyền Thủ tướng Malaysia, Mahathir tự khắc họa bản thân như người đại diện cho thế giới Hồi giáo. Sau vụ khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ, ông lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cho “cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố” do Mỹ dẫn đầu.

Sau 13 năm im hơi lặng tiếng kể từ khi mãn nhiệm, năm 2016, ông đánh dấu sự trở lại của mình bằng việc tách khỏi đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) và gia nhập liên minh đối lập và quyết tâm lấy lại chiếc ghế Thủ tướng từ đối thủ chính trị Najib Razak, người lên nắm quyền từ năm 2009 và đang vướng vào loạt bê bối tham nhũng trị giá tới hàng tỷ USD.

Việc Mahathir rời khỏi UMNO, đảng được lập ra để đấu tranh giành độc lập cho Malaysia từ tay thực dân Anh, gây bất ngờ bởi ông từng là một trong những thành viên đầu tiên của tổ chức này.

Con đường chính trị của Mahathir không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Ông gia nhập UMNO năm 21 tuổi và điều hành một cơ sở y tế ở bang quê nhà Kedah trước khi bước chân vào Quốc hội năm 1964. Nhưng đến năm 1969, ông mất ghế nghị sĩ và bị khai trừ khỏi đảng UMNO sau khi viết một bức thư công kích Thủ tướng Malaysia lúc bấy giờ là Tunku Abdul Rahman.

Ông đã viết một cuốn sách gây tranh cãi với tựa đề “Thế tiến thoái lưỡng nan của người Mã Lai”. Trong cuốn sách, Mahathir cho rằng người dân Malaysia đang bị gạt sang bên lề xã hội, đồng thời thể hiện thái độ không hài lòng khi người dân hờ hững chấp nhận việc mình là công dân hạng hai.

Cuốn sách nhận được sự ủng hộ từ các lãnh đạo trẻ UMNO. Họ mời ông gia nhập lại đảng và ông được tái bầu vào Quốc hội năm 1974. Ông sau đó trở thành Bộ trưởng Giáo dục Malaysia rồi từng bước vươn lên trở thành Phó Chủ tịch đảng UMNO. Năm 1981, ông chính thức ngồi vào ghế Thủ tướng.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh Al Jazeera hồi năm 2016, Mahathir cho biết ông quyết định quay trở lại chính trường bởi ông Najib đã “đi sai hướng”. “Najib đã làm nhiều việc sai lầm. Kết quả là ông ấy khiến đất nước rơi vào tình trạng rất tồi tệ, cả về kinh tế lẫn chính trị. Uy tín của Najib trên trường quốc tế cũng không được tốt. Vì thế, ông ấy phải rời vị trí”, Mahathir cho hay.

Bàn về tương lai của Malaysia, ông quả quyết rằng “nếu Najib còn tại vị, đất nước sẽ tiếp tục đi xuống”. Việc Mahathir trở lại chính trường mang đến sự hồi sinh cho liên minh đối lập, vốn bị suy yếu kể từ khi người đứng đầu Anwar Ibrahim bị bắt vì cáo buộc quan hệ đồng tính. Những người ủng hộ ông này nói đây là cáo buộc được dàn dựng có động cơ chính trị nhằm công kích Anwar.

Dù đạt được nhiều thành tựu, Mahathir từng bị chỉ trích vì ban hành Đạo luật An ninh Nội bộ gây tranh cãi. Những người chỉ trích cho rằng luật trên cho phép Mahathir đàn áp truyền thông, các nhà hoạt động, lãnh đạo tôn giáo và các đối thủ chính trị, bao gồm cả Anwar, người từng cáo buộc ông và gia đình tham nhũng. Năm 1998, Mahathir sa thải Anwar, lúc bấy giờ đang giữ chức Phó Thủ tướng, và không lâu sau, Anwar bị bắt giam.

Những tuần gần đây, Mahathir liên tục bày tỏ sự chia sẻ và cảm thông với gia đình Anwar. “Tôi biết ông Anwar cảm thấy thế nào. Ông ấy bị bắt trong thời gian nhiệm kỳ của tôi. Thật không dễ dàng để ông ấy chấp nhận tôi và bắt tay tôi. Không chỉ Anwar mà cả gia đình ông cũng phải chịu áp lực khi ông ấy ngồi tù. Họ đã phải chịu đựng suốt 20 năm rồi”, báo Malaysia Insight dẫn lời ông Mahathir nói.

VŨ HOÀNG

.
.
.