.

Số phận của một gián điệp Triều Tiên ở Hàn Quốc - Bài 1: Sứ mạng không thành

Cập nhật: 15:21, 13/04/2018 (GMT+7)

Bị bắt năm 1963 rồi 2 lần bị kết án tử hình với tội danh gián điệp, sau đó giảm xuống còn tù chung thân, Seo Ok-Ryol đã trải qua 30 năm trong một nhà tù được coi là an ninh nghiêm ngặt nhất Hàn Quốc. Và mặc dù đã được trả tự do nhưng Seo Ok-Ryol vẫn không được phép quay lại Bắc Triều Tiên, nơi ông có người vợ và 2 đứa con trai. Đến nay, 55 năm đã trôi qua và đã bước sang tuổi 90, Seo Ok-Ryol vẫn tiếp tục kéo dài cuộc sống mỏi mòn…

Ở tuổi 90, ông Seo Ok-Ryol vẫn phải sống trong cảnh mỏi mòn.
Ở tuổi 90, ông Seo Ok-Ryol vẫn phải sống trong cảnh mỏi mòn.

1. Chào đời năm 1928 tại một hòn đảo nhỏ trong một gia đình ngư dân ở phía nam Hàn Quốc, khi là sinh viên ưu tú của Đại học quốc gia Seoul, Seo Ok-Ryol chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản qua những cuốn sách mà ông đọc được. Vì thế, lúc cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra (1949 - 1953), Ryol chạy sang CHDCND Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) rồi tình nguyện gia nhập quân đội. Ông nói: “Là lính bộ binh, tôi đã trực tiếp chiến đấu trên nhiều mặt trận cho đến ngày ký hiệp định chia đôi 2 miền Nam - Bắc. Tôi được kết nạp vào Đảng Lao động Triều Tiên cũng trong giai đoạn này…”.

Chiến tranh tạm thời kết thúc (gọi là “tạm thời” bởi lẽ đến nay, giữa 2 miền Nam - Bắc Triều Tiên vẫn chưa có một hiệp ước hòa bình nào được ký kết), năm 1957 Ryol lấy vợ rồi lần lượt có 2 con trai. Lúc ấy, ông là giáo viên tại một trường trung học ở Bình Nhưỡng. Mùa xuân năm 1961, ông được mời đến trụ sở của một cơ quan đặc biệt. Tại đó, một cán bộ hỏi ông rằng có sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc không? Ông đã đứng thẳng, ngực ưỡn ra phía trước, nói: “Vì đất nước Triều Tiên, tôi có thể làm bất cứ điều gì”.

Vài ngày sau, người cán bộ ấy gặp Ryol rồi thông báo cho ông biết là ông được chọn để theo học một chương trình đào tạo, thời gian học sẽ khá dài. Theo nguyên tắc, tất cả những người được tuyển mộ vào chương trình này đều không được phép tiết lộ cho gia đình nên đêm trước ngày Ryol đến điểm tập trung, ông chỉ nói với vợ là ông phải đi công tác xa. Vợ ông bùi ngùi chúc ông lên đường may mắn mà không ngờ rằng chuyến “công tác” ấy kéo dài mãi đến tận bây giờ!

Suốt gần 2 năm, Seo Ok-Ryol được các giảng viên của cơ quan đặc biệt Bắc Triều Tiên huấn luyện nghiệp vụ tình báo, chủ yếu là hoạt động tình báo ở nước ngoài. Cuối năm 1962, ông tốt nghiệp với hạng xuất sắc. Ông kể: “Đầu năm 1963, tôi được lệnh bí mật vượt biên giới sang Hàn Quốc với nhiệm vụ đưa một lá thư cho một người - là quan chức trong Chính phủ Hàn Quốc. Anh ruột của người này lúc ấy sống ở Bắc Triều Tiên”.

Để sang Hàn Quốc, Ryol được bố trí bơi qua sông Yeomhwa với các giấy tờ giả mạo, chứng minh ông là một viên chức cấp thấp trong một cơ quan dân sự ở tỉnh Oyeongju, phía nam Hàn Quốc. Chuyến vượt biên trót lọt, Ryol đến Seoul mà không gặp bất cứ trở ngại gì. Sau đó, ông về quê và may mắn là gia đình ông vẫn còn sống ở đó. Để giữ bí mật, ông chỉ nói là sau khi tốt nghiệp đại học, ông làm việc ở tỉnh Oyeongju. Điều này phù hợp với tất cả những giấy tờ tùy thân của ông.

2. Một tuần sau khi gặp gỡ gia đình, Ryol trở lại Seoul. Bằng nhiều cách, ông tiếp cận được với nhân vật trong chính quyền Hàn Quốc - người mà ông có nhiệm vụ phải trao lá thư. Tuy nhiên, nhân vật ấy lúc đọc xong lá thư đã cho rằng: “Điều này không đúng, thư này là giả vì anh trai tôi chết từ lâu rồi, và tôi cũng đã nói rõ việc ấy trong hồ sơ lý lịch cá nhân của tôi”. Ryol kể, trong nhiều ngày, ông luôn nghĩ mình sẽ bị bắt vì chắc chắn nhân vật ấy sẽ báo cáo mọi việc cho Cơ quan An ninh Hàn Quốc. Ông chôn cuốn sổ tay ghi bộ mật mã liên lạc ở một nơi an toàn và sẵn sàng cắn vỡ ống thuốc độc giấu trong chiếc răng hàm trên để tự sát nếu họ tìm ra ông.

Một tháng trôi qua, Ryol vẫn bình yên vô sự. Ông liên lạc về nhà thì được cha mẹ cho biết chẳng thấy ai tìm đến hỏi han gì về ông. Theo nhận định của Ryol, nhân vật trong chính quyền Hàn Quốc có lẽ đã coi lá thư của “người anh trai” là một cái bẫy do Cơ quan An ninh Hàn Quốc dựng lên nhằm kiểm tra xem ông ta có còn giữ mối liên lạc nào với thân nhân ở Bắc Triều Tiên hay không, hoặc cũng có thể ông ta chỉ coi lá thư là trò “mánh mung” của một kẻ vô công rỗi nghề nào đó, ngụy tạo ra để xin chút… “tiền công” nên vì vậy, ông ta bỏ qua, dù thời điểm ấy, luật pháp Hàn Quốc xử phạt rất nặng bất kỳ công dân Hàn Quốc nào tiếp xúc trái phép với người vượt tuyến từ Bắc Triều Tiên mà không khai báo với chính quyền.

Cuối tháng 3-1963, theo quy ước đã được cơ quan đặc biệt Bắc Triều Tiên phổ biến trước ngày Ryol lên đường vượt sông Yeomhwa sang Hàn Quốc, Ryol đến tòa soạn một tờ báo ở Seoul rồi trả tiền để nhờ đăng một mẩu tin tìm việc làm. Trong mẩu tin xem ra vô hại ấy, ông lồng vào một đoạn mật mã, nội dung “Công tác thất bại. Chờ ý kiến chỉ đạo”.

Ba ngày sau, vẫn theo quy ước, Ryol mở radio nghe Đài Phát thanh Bình Nhưỡng. Trong bản tin nông nghiệp, ông nghe được một đoạn mật mã ngụy trang bằng những con số nói về chỉ tiêu, sản lượng của cây cao lương. Dịch đoạn mã ấy, Ryol biết là lệnh của chỉ huy cơ quan đặc biệt Bắc Triều Tiên gọi ông quay về và ngày, giờ đó, sẽ có một chiếc thuyền nhỏ đón ông ở bờ sông Yeomhwa. Ông kể: “Mặc dù tôi vẫn bình an nhưng biết đâu nhân vật trong chính quyền Hàn Quốc đã báo cho Cơ quan An ninh Hàn Quốc, và họ vẫn bí mật theo dõi tôi để xem tôi liên lạc với những đầu mối nào rồi họ mới bắt gọn”. Vì thế, để tránh bị phát hiện, Ryol không đi thẳng từ Seoul đến Yeomhwa mà chia làm nhiều chặng, thời gian kéo dài hơn. Và mặc dù đã tính toán rất sát nhưng Ryol đến điểm hẹn trễ hơn nửa tiếng. Chờ thêm nửa tiếng nữa mà chẳng thấy thấy chiếc thuyền đón ông ở đâu nên Ryol quyết định bơi qua sông để về Bắc Triều Tiên.

9 giờ tối, một toán Thủy quân lục chiến Hàn Quốc trong khi tuần tra biên giới đã bắt được Seo Ok-Ryol lúc ông vừa bơi được một đoạn ngắn. Thoạt đầu, sau khi xuất trình các giấy tờ tùy thân, Ryol chỉ nói là ông đã từng ao ước được bơi một lần trên dòng sông phân chia hai miền Nam, Bắc nên ông làm liều thôi. Ông kể: “Họ khóa chặt tay tôi. Và có lẽ đã được huấn luyện nên nhóm Thủy quân lục chiến nhanh chóng vô hiệu hóa viên thuốc độc giấu trong chiếc răng hàm trên của tôi bằng cách ấn vào giữa hai hàm răng một thanh gỗ nhỏ”. Tiếp theo, họ lục soát khắp người ông để tìm vũ khí. Viên chỉ huy nhóm Thủy quân lục chiến liên tục hỏi ông về những ai mà ông định gặp ở bờ bên kia. Khi nghe ông nói ông không gặp ai cả thì ngay trong đêm hôm ấy, ông bị giải về giao cho Cơ quan An ninh Hàn Quốc để điều tra…

VŨ CAO
Theo History


Số phận của một gián điệp Triều Tiên ở Hàn Quốc - Bài 1: Sứ mạng không thành

(Còn nữa)

.
.
.