.

Hồ sơ hạt nhân Triều Tiên: Đàm phán đổ bể suốt 1 thập kỷ qua - Bài 2: Lịch sử đàm phán hạt nhân Triều Tiên

Cập nhật: 19:29, 03/04/2018 (GMT+7)

Cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, với sự tham gia của Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, đổ bể năm 2008 và từ đó đến nay các bên chưa trở lại bàn đối thoại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến có cuộc gặp vào tháng 5-2018. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến có cuộc gặp vào tháng 5-2018. Ảnh: AP

Dấu mốc 2008 là việc Triều Tiên phá hủy tháp làm mát của cơ sở hạt nhân Yongbyon như một bước tiến tạo lòng tin, đổi lại là viện trợ về nhiên liệu và bình thường hoá quan hệ với Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong cuộc họp tháng 4-2009 đã quyết định trừng phạt khi cho rằng Triều Tiên thực hiện vụ phóng thử tên lửa ngày 5-4 trước đó.

Trong khi, Triều Tiên một mực khẳng định đây là vụ phóng vệ tinh. Phản ứng với trừng phạt của Hội đồng Bảo an, Triều Tiên đã tuyên bố rút khỏi cuộc hội đàm 6 bên và tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân. Triều Tiên cũng trục xuất tất cả thanh tra viên hạt nhân của các nước.

Đã 3 đời Tổng thống Mỹ tham gia đàm phán hạt nhân Triều Tiên, và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới sẽ là cuộc gặp lịch sử chưa từng có cho vấn đề hạt nhân, cũng như giải quyết mối căng thẳng lên tới đỉnh điểm giữa 2 bên trong năm qua.

Cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều trước đây từng diễn ra tháng 10-2002 tại Bình Nhưỡng, khi Mỹ có những bằng chứng cho thấy Triều Tiên có thể đang âm thầm phát triển chương trình làm giàu urani.

Các quan chức của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Bush khi đó đã giáp mặt với giới chức Triều Tiên. Trong cuộc gặp này, Mỹ tuyên bố Triều Tiên đã vi phạm Khung Thỏa thuận và dừng các chuyến tàu vận chuyển nhiên liệu cho Bình Nhưỡng.

Tháng 4-2003, cơ chế đàm phán 6 bên mở ra, với mục tiêu của Mỹ là “dỡ bỏ hoàn toàn” chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Sau 2 năm với tiến triển ngoại giao ít ỏi. Tháng 9-2005, đàm phán 6 bên đưa ra “Tuyên bố chung”, trong đó Triều Tiên cam kết từ bỏ các chương trình hạt nhân và quay lại Hiệp ước không phổ biến hạt nhân để đổi lấy hỗ trợ lương thực và nhiên liệu từ các thành viên của cơ chế 6 bên.

Tuy nhiên, tiến trình đàm phán xấu đi khi Triều Tiên bị hạn chế tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế và việc Bộ Tư pháp Mỹ gây sức ép với các thể chế tài chính ở nước ngoài để họ không làm ăn với Triều Tiên.

Tháng 7-2006, Triều Tiên thử hàng loạt tên lửa đạn đạo, trong đó có tên lửa tầm xa Taepodong-2, dẫn tới việc Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết lên án và kêu gọi Triều Tiên lập tức trở lại đàm phán 6 bên.

Tháng 10-2006, Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên. Không thể ngồi yên, Hội đồng Bảo an tiếp tục ra Nghị quyết 1718, với hàng loạt biện pháp cấm vận quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng.

Căng thẳng leo thang buộc tiến trình ngoại giao về chương trình hạt nhân của Triều Tiên nhanh chóng được khôi phục. Theo đó, đàm phán 6 bên được nối lại vào giữa tháng 12-2006.

Tháng 2-2007, đàm phán hạt nhân Triều Tiên đạt được thỏa thuận “Những hành động bước đầu để triển khai Tuyên bố chung”, trong đó kêu gọi Triều Tiên đóng cửa cơ sở Yongbyon. Đổi lại, Mỹ sẽ khởi động quá trình đưa Triều Tiên khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố và ngừng trừng phạt Bình Nhưỡng.

Đàm phán tiếp tục đến tháng 4-2008 và đến tháng 10 Triều Tiên được đưa ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, Triều Tiên sau đó bác bỏ tất cả các biện pháp thẩm tra toàn diện, trục xuất các quan sát viên quốc tế khỏi cơ sở Yongbyon. Kết quả là tiến trình đàm phán 6 bên sụp đổ.

Đến thời chính quyền Tổng thống Donal Trump hiện nay, Mỹ vẫn khẳng định các cuộc thanh sát hạt nhân sẽ phải được tiến hành trên toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên, bởi Mỹ nghi ngờ vẫn còn những cơ sở làm giàu urani không được công bố ngoài Yongbyon.

Trong khi đó, thông tin về lò phản ứng hạt nhân mới của Triều Tiên là đám mây đen đe dọa phủ bóng lên cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới. Vấn đề lò phản ứng hạt nhân mới của Triều Tiên có thể sẽ là tiêu điểm chính trong cuộc đối thoại Trump-Kim.

HOÀNG LÊ


Hồ sơ hạt nhân Triều Tiên: Đàm phán đổ bể suốt 1 thập kỷ qua - Bài 1: Lịch sử phát triển hạt nhân Triều Tiên

Hồ sơ hạt nhân Triều Tiên: Đàm phán đổ bể suốt 1 thập kỷ qua - Bài 2: Lịch sử đàm phán hạt nhân Triều Tiên

.
.
.