Hồ sơ hạt nhân Triều Tiên: Đàm phán đổ bể suốt 1 thập kỷ qua - Bài 1: Lịch sử phát triển hạt nhân Triều Tiên
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều bị phủ bóng đen vì thông tin Triều Tiên vận hành lò phản ứng mới. Trong khi, Mỹ muốn phi hạt nhân hoàn toàn Triều Tiên.
Tháp làm mát của cơ sở hạt nhân Yongbyon đã bị phá hủy năm 2008. |
Triều Tiên vận hành lò phản ứng hạt nhân đầu tiên tại cơ sở Yongbyon vào những năm 1980. Đây là thông tin do CIA tiết lộ và được báo cáo bởi cựu Giám đốc Siegfried S. Hecker của Trung tâm thí nghiệm Los Alamos, Đại học Stanford, tại bang New Mehico, Mỹ. Ông Hecker là một trong những người hiếm hoi đã nhiều lần đặt chân tới cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên và được cho là người phương Tây cuối cùng đến đây.
Vào năm 2008, Triều Tiên đã tiến hành phá hủy tòa tháp làm lạnh của cơ sở hạt nhân Yongbyon, một bước trong quá trình tháo dỡ cơ sở hạt nhân này và là một bước tiến tạo lòng tin trong các cuộc đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên sau nhiều vòng thảo luận bế tắc.
Ngày 27-6-2008, 5 kênh truyền hình quốc tế của các nước tham gia vòng đàm phán hạt nhân 6 bên, gồm Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, đã được mời đến đưa tin trực tiếp hình ảnh Triều Tiên kích nổ tòa tháp làm lạnh cao 20m tại cơ sở này.
Tòa tháp làm lạnh Yongbyon bắt đầu hoạt động từ tháng 3-2003. Đây là một bộ phận đặc biệt quan trọng của lò phản ứng chính ở Yongbyon. Theo đó, cơ sở hạt nhân này đã ngừng hoạt động từ tháng 7-2007.
Tuy nhiên, nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sau đó lại “giậm chân tại chỗ” và Triều Tiên tuyên bố trở lại chương trình phát triển hạt nhân của mình.
Năm 2010, những hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên bắt đầu xây dựng một lò phản ứng hạt nhân mới và đến năm 2013, việc xây dựng dường như đã hoàn tất. Theo các nhóm các nhà phân tích tại Đại học Stanford, Triều Tiên đã tăng cường các hoạt động xung quanh khu vực này và có thể lò phản ứng mới đã đi vào hoạt động.
Trong một tuyên bố tháng 2-2013, Triều Tiên cho biết sẽ khôi phục cơ sở hạt nhân Yongbyon, vốn có công suất 5 megawatt dùng để sản xuất plutoni phục vụ chế tạo bom hạt nhân và nhấn mạnh rằng họ đang tìm kiếm một vũ khí có khả năng răn đe.
Ông Hecker cùng 2 chuyên gia về công nghệ hạt nhân khác đã viết trong bài phân tích trên tạp chí Nhà quan sát Triều Tiên năm 2016 rằng, Triều Tiên trong những năm trước đó vẫn phát triển công nghệ cần thiết để khởi động lò phản ứng hạt nhân.
Hình ảnh vệ tinh chụp năm 2013 cho thấy, có một mương dẫn nước mới xuất hiện và nối lò phản ứng hạt nhân tại Yongbyon tới con sông Kuryong. Các nhà phân tích cho rằng, mương dẫn nước này có thể là một phần trong hệ thống làm lạnh mới, thay thế cho tháp làm lạnh đã bị dỡ bỏ trước đó. Đây là đường dẫn nước nóng từ lò phản ứng hạt nhân đổ ra sông Kuryong.
Hình ảnh vệ tinh mới hôm 17-1-2018 vừa cho thấy rõ ràng hơn, dòng nước nóng từ lò phản ứng được đưa ra ngoài qua một đường ống thải. Bằng chứng này khiến giới chuyên gia kết luận rằng lò phản ứng mới tại Yongbyon đã đi vào hoạt động.
Nghi vấn Triều Tiên đang vận hành 2 lò phản ứng hạt nhân tại cơ sở Yongbyon khiến cho các cuộc đàm phán hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên trở nên phức tạp.
Đến nay, các nhà phân tích độc lập khẳng định sẽ tiếp tục theo sát mọi động thái của Triều Tiên Yongbyon, để biết lò phản ứng hạt nhân mới tại đây có đi vào hoạt động đầy đủ và liệu nó có phục vụ cho việc sản xuất nhiên liệu cho các loạt vũ khí hạt nhân của Triều Tiên?
HOÀNG LÊ