Dự báo Thế chiến 3 qua mổ xẻ các cuộc chiến tranh tàn khốc trước đây
Một nhóm nghiên cứu ở Mỹ phân tích xu hướng chiến tranh trên thế giới giai đoạn 1823-2003 và dự báo nguy cơ Thế chiến 3 tàn khốc trong tương lai.
Nhân loại đã sống trong nền hòa bình tương đối kể từ khi kết thúc Thế chiến 2 vào năm 1945. So với 2 thế kỷ trước đó, thời kỳ tương đối hòa bình này có ít cuộc chiến quy mô lớn hơn và số người tử vong trên chiến trường giảm. Nhưng liệu đây có phải là xu hướng dài hạn và liệu chúng ta còn ở bên bờ vực của một cuộc đại chiến nữa?
QUY LUẬT 205 NĂM
Cảnh tượng thủ đô London (Anh) bị không quân Đức oanh tạc trong Thế chiến 2. Ảnh: AP |
Theo một nghiên cứu mới đây, các xung đột vũ trang với quy mô lớn như Thế chiến 2 xảy ra trung bình một lần trong khoảng thời gian 205 năm. Như vậy còn khoảng 100 năm để chúng ta kiểm nghiệm xem nền hòa bình dài lâu này còn tiếp tục không. Nền hòa bình dài lâu nói trên bắt đầu sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 và đã giữ được trong 73 năm.
Các nhà khoa học chính trị cho rằng nhiều bước phát triển của thế kỷ 20 đã làm giảm nguy cơ xung đột toàn cầu trong thời kỳ này. Theo một bài viết trên trang ScienceMag, những nhân tố đó bao gồm mức độ dân chủ hóa gia tăng trong thế giới, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng nhiều và mối đe dọa của chiến tranh hạt nhân.
Tiến sĩ Aaron Clauset của trường Đại học Colorado Boulder (Mỹ) đã khảo sát tần suất và quy mô các cuộc xung đột trên thế giới từ năm 1823 đến năm 2003. Ông nói với Daily Mail: “Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá liệu tình trạng tương đối ít các cuộc chiến tranh quy mô lớn kể từ khi kết thúc Thế chiến 2 có thể được giải thích theo hướng tích cực là một xu hướng và do vậy sẽ duy trì như vậy trong tương lai hay không”. Trong nghiên cứu này, Tiến sĩ Clauset đã xem xét mức độ phổ biến của các cuộc chiến tranh và số lượng người tử vong.
Theo New Scientist, trong khoảng thời gian 181 năm này, người ta ghi được 95 cuộc chiến tranh, tức là trung bình cứ 1,91 năm lại có một cuộc chiến tranh.
Tiến sĩ Clauset chia thời kỳ trên thành 3 phần. Trong thời kỳ thứ 1, từ năm 1823-1914, đều đặn có các cuộc chiến tranh lớn, bao gồm Chiến tranh Crimea và Chiến tranh Boer. Trong thời kỳ này, có 19 cuộc chiến nổ ra, từng là tính trung bình 6,2 năm thì có một cuộc chiến tranh. Năm 1914, mọi thứ đột ngột thay đổi và thế giới bước vào thời kỳ “đại bạo lực”. Trong khoảng thời gian kể từ khi Thế chiến 1 bắt đầu đến khi Thế chiến 2 kết thúc, thế giới chứng kiến 10 cuộc chiến tranh lớn, với tỷ lệ trung bình là một cuộc chiến ứng với mỗi 2,7 năm.
Các cuộc Thế chiến là giai đoạn lịch sử thành văn của con người với mức độ bạo lực và tổn thất sinh mạng lớn nhất.
LIỆU THẾ GIỚI CÓ TIẾN TỚI MỘT THẾ CHIẾN 3?
Thế chiến thứ 1 kéo dài từ năm 1914-1918, khiến khoảng 21 triệu người thiệt mạng. Thế chiến thứ 2 kéo dài từ năm 1939-1945, làm khoảng 85 triệu người thiệt mạng. Con số này bằng cả tổng dân số nước Đức vào năm 2017.
Thời kỳ từ năm 1914-1945 được gọi là giai đoạn “đại bạo lực”. Trước đó, tính từ năm 1823, có tổng cộng 19 cuộc chiến tranh lớn.
Từ năm 1945 đến 2003, chỉ có 5 cuộc chiến tranh liên quốc gia quy mô lớn. Hiện nay, trung bình có một xung đột vũ trang lớn ứng với mỗi 12,8 năm.
Tình trạng chém giết giữa các nước trong thời kỳ 1914-1945 phần nào được cân bằng lại bằng thời kỳ hòa bình dài lâu sau đó cho đến nay.
Tuy nhiên phải lưu ý rằng các dữ liệu nghiên cứu mới chỉ tính tới năm 2003, chưa tính các xung đột trên thế giới từ năm 2003 cho tới nay (2018). Và các nhà khoa học mới khảo sát các cuộc chiến tranh chính thức giữa các quốc gia, chứ không tính đến các nội chiến hay cuộc chiến với các lực lượng không được coi là một nhà nước (như các tổ chức khủng bố...).
Tiến sĩ Clauset nhận định: “Nguy cơ một cuộc chiến tranh lớn trong tương lai có thể cao hơn chúng ta vẫn nghĩ hiện nay và điều thiết yếu là chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy hòa bình và làm giảm nhẹ xung đột trong tương lai”.
TRUNG HIẾU/VOV
(Theo Daily Mail)