.

Thông điệp quân sự mới của Nhật Bản

Cập nhật: 18:32, 23/04/2018 (GMT+7)

Ngày 7-4, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã đưa vào hoạt động Lữ đoàn lính thủy đánh bộ 2.100 binh lính đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới 2. Đơn vị này có nhiệm vụ bảo vệ các hòn đảo của Nhật Bản, trải dài phía Tây Nam từ đảo Kyushu giáp tới khu vực biển, đảo của Trung Quốc.

Tàu Izumo của Nhật Bản có thể được hoán cải thành tàu sân bay.
Tàu Izumo của Nhật Bản có thể được hoán cải thành tàu sân bay.

Việc Nhật Bản thành lập đơn vị này là dấu hiệu cho thấy đường lối quân sự mới của Nhật Bản trong bối cảnh khu vực có nhiều biến động khi hoạt động quân sự của Trung Quốc ngày càng gia tăng; Nhật bản tham gia vào chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

TÁI THÀNH LẬP LỮ ĐOÀN LÍNH THỦY ĐÁNH BỘ

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt Lữ đoàn lính thủy đánh bộ đầu tiên ở căn cứ Sasebo thuộc tỉnh Nagasaki, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomohiro Yamamoto khẳng định việc bảo vệ các hòn đảo xa xôi là nhiệm vụ cấp bách trong bối cảnh tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản đang trở nên ngày càng nghiêm trọng.

Ngay sau lễ ra mắt lực lượng đổ bộ của Nhật Bản đã có cuộc diễn tập quân sự với lực lượng lính thủy đánh bộ của Mỹ. Các bài tập chiến thuật cùng vũ khí được khai hỏa để giữ và chiếm đảo đã cho thấy thông điệp mà Nhật Bản muốn gửi đi.

Theo Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomohiro Yamamoto, đơn vị lính thủy đánh bộ mới thành lập của Nhật Bản sẽ tăng quân số lên 3.000 quân và thực hiện nhiệm vụ chính là trinh sát các bờ biển nước này cũng như đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng.

Với việc tái thành lập Lữ đoàn lính thủy đánh bộ này, Nhật Bản đang nỗ lực tiến gần hơn nữa đến việc thành lập một lực lượng tương tự như thủy quân lục chiến viễn chinh của quân đội Mỹ (MEU), lực lượng có khả năng lên kế hoạch và tác chiến tại các vùng nước hải ngoại cách xa căn cứ. Bởi lữ đoàn mới thành lập của Nhật Bản có năng lực gần tương đương với đơn vị thủy quân lục chiến viễn chinh của quân đội Mỹ. Để tăng sức mạnh cho lữ đoàn này, Nhật Bản đang lên kế hoạch mua sắm nhiều thiết bị quân sự cùng nhiều khí tài như máy bay trực thăng, tàu đổ bộ, các xe tấn công lội nước.

Việc Nhật Bản tái khởi động lực lượng này đang trở thành chủ đề tranh cãi với các nước trong khu vực. Lực lượng này, theo Nhật Bản, được tái thành lập nhằm bảo vệ biển đảo Nhật Bản, tuy nhiên, nhiều ý kiến trái chiều lại cho rằng lực lượng có thể trở thành một mối đe dọa đối với các nước láng giềng.

Ngay lập tức, Trung Quốc đã có phản ứng, bày tỏ lo ngại khi cùng lúc Mỹ cũng chuyển thêm đến Nhật Bản các vũ khí, khí tài, máy bay chiến đấu.

ĐỊNH HÌNH LẠI QUÂN ĐỘI NHẬT BẢN

Định hình lại quân đội để trở thành một lực lượng quân sự linh hoạt, tinh nhuệ, tự tin hơn là chính sách trọng tâm của Thủ tướng Shinzo Abe. Ông Abe đã đảo ngược việc cắt giảm chi tiêu quân sự của Nhật Bản trong một thập kỷ qua, chấm dứt lệnh cấm quân đội Nhật Bản được chiến đấu ở nước ngoài và nới lỏng việc hạn chế xuất khẩu vũ khí.

Lữ đoàn mới được thành lập này là một thành phần bổ sung mới nhất của lực lượng hải quân trong chiến lược tái phát triển của Nhật Bản, bao gồm các tàu chở trực thăng, tàu đổ bộ, tàu sân bay, trực thăng tấn công và xe bọc thép tấn công lội nước. Để tăng thêm sức mạnh cho quân đội, các quan chức Nhật Bản cho biết Nhật Bản và Mỹ đang thăm dò khả năng Tokyo sẽ mua thêm các loại vũ khí tấn công, cho phép Nhật Bản có khả năng triển khai sức mạnh bên ngoài biên giới nước này.

Theo đó, Nhật Bản sẽ bổ sung vào biên chế thêm hàng trăm tàu nổi, 16 tàu ngầm, 3 tàu chở trực thăng… Ngoài ra, Nhật Bản sẽ mua thêm 42 máy bay tiêm kích tàng hình tiên tiến F-35 của Mỹ. Song song với việc tăng cường các đơn vị chiến đấu có khả năng tấn công, Nhật Bản cũng ra sức tăng cường mua và chế tạo thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa và nâng cấp không quân.

Hiện nay, Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản sở hữu 2 tàu khu trục lớp Izumo, gồm JS Izumo và JS Kaga. Dù có tên gọi là tàu khu trục chở trực thăng nhưng Izumo có chiều dài đến 248m, vượt trội so với dòng tàu đổ bộ Mistral của Pháp có thiết kế tương tự, cũng như dài hơn cả tàu sân bay Príncipe de Asturias của Tây Ban Nha (196m) và tàu sân bay Cavour của Ý (244 m).

Nếu được chuyển đổi thành tàu sân bay và có khả năng cho F-35B hoạt động, tàu khu trực lớp Izumo có thể được tận dụng để tiếp nhiên liệu cho chiến đấu cơ tàng hình Mỹ bất kỳ nơi nào trên thế giới và mọi lúc, kể cả trong trường hợp khủng hoảng quân sự.

Năm 2017 đánh dấu năm cầm quyền thứ 5 của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch ngân sách kỷ lục cho năm tài khóa 2018, với mức chi tiêu quốc phòng tăng cao chưa từng có tiền lệ, lên đến 45,93 tỷ USD.

Giới quan sát trong nước cho rằng khoản ngân sách khổng lồ cũng như việc gia tăng số lượng vũ khí hiện đại nhất đã vượt quá nhu cầu của một nước chỉ duy trì lực lượng quân sự ở mức có khả năng phòng vệ theo quy định của hiến pháp. Điều này làm nhiều nước lo ngại vê lâu dài, Nhật Bản tái xác lập vị thế cường quốc quân sự.

HUYỀN HOA
(CAND)

.
.
.