.

"Vở kịch" đưa ngành thép Mỹ vĩ đại trở lại

Cập nhật: 19:07, 14/03/2018 (GMT+7)

Bất chấp sự phản đối quyết liệt trong Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1-3 đã tuyên bố áp mức thuế nhập khẩu mới 25% đối với sản phẩm thép và 10% đối với nhôm.

Tuyên bố đang kích động cuộc chiến tranh thương mại tiềm tàng với các nhà sản xuất lớn trên thế giới ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc, làm rung chuyển tình hình chính trị nước Mỹ cũng như trật tự kinh tế toàn cầu.

CHÂM NGÒI CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI TOÀN CẦU

Tuyên bố trên là sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ đối với thuế quan nhằm giữ vững cam kết trong chiến dịch tranh cử về việc bảo vệ người lao động Mỹ khỏi sự biến động của thương mại toàn cầu. Trên trang cá nhân Twitter, Tổng thống Trump khẳng định, ngành công nghiệp thép và nhôm của Mỹ từ nhiều năm nay chịu thiệt hại nặng nề do có những chính sách thương mại “tồi” và “không công bằng” với các nước khác trên thế giới.

Động thái này được cho là phù hợp với chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump với mục đích bảo vệ các nhà sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh quyết liệt từ nước ngoài. Đây được xem là bước đi quyết liệt của Tổng thống Trump trong lộ trình đưa ngành thép Mỹ vĩ đại trở lại.

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ có thể châm ngòi một cuộc chiến thương mại trên quy mô toàn cầu.
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ có thể châm ngòi một cuộc chiến thương mại trên quy mô toàn cầu.

Ngày 2-3, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết, kế hoạch tăng mức áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu sẽ bao gồm tất cả các đối tác thương mại của Mỹ. Bộ trưởng Ross cho biết, những gì mà Tổng thống Trump đã công bố vừa qua sẽ không đẩy giá cả leo thang, cũng như nguy cơ các nước đề ra biện pháp trả đũa. Ông nêu rõ bất kỳ đối tác thương mại nào quyết định cắt giảm nhập khẩu từ Mỹ trong các lĩnh vực khác cũng sẽ đều tăng giá và tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu Mỹ.

Trong khi đó, dư luận trong nước và quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại về kế hoạch áp thuế cao đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu của chính quyền Tổng thống Trump. Trong buổi điều trần trước Quốc hội, tân Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết, ông không ủng hộ việc sử dụng thuế quan để hỗ trợ những ai bị tổn hại bởi thương mại tự do.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng chỉ trích kế hoạch của Tổng thống Mỹ là “hoàn toàn không thể chấp nhận”, đồng thời cảnh báo nguy cơ chia rẽ kinh tế “nghiêm trọng và đáng kể” đối với cả Mỹ và Canada. Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Brigitte Zypries cũng đã lên tiếng phản đối mức thuế đánh vào các sản phẩm thép nhập khẩu. Theo bà, việc nhập khẩu thép từ châu Âu hay Đức không thể đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Bởi vậy, không có bất kỳ căn cứ nào để Mỹ đưa ra biện pháp đơn phương này.

Trong khi đó, Giám đốc Điều hành Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) Arancha Gonzalez bày tỏ quan ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại sau khi Mỹ nâng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thép và nhôm. Bà Gonzalez cảnh báo chiến tranh thương mại là cuộc chiến mà không ai giành chiến thắng. Chung tâm lý lo ngại, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo kế hoạch tăng thuế của Mỹ có thể đe dọa các nền kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

Câu hỏi đặt ra Mỹ đang muốn nhắm trực tiếp vào nền kinh tế nào? Phải chăng là mũi tên bắn vào 2 đối thủ cạnh tranh mạnh nhất là Trung Quốc và châu Âu? Bởi ai cũng biết rất rõ, phần lớn sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc.

Chưa hết, ngày 5-3, giới phân tích càng thêm lo ngại khi Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ đánh thuế nhập khẩu đối với xe hơi từ Liên minh châu Âu (EU). Những quyết định của Tổng thống Mỹ đang thực sự làm leo thang cuộc chiến thương mại toàn cầu, gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

ĐỢI... TỚI LÚC HẠ MÀN

Trước nguy cơ trên, Cơ quan Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã cảnh báo tình trạng rút vốn ồ ạt có thể diễn ra do kế hoạch cải cách thuế của Mỹ. Song, có nhiều ý kiến khác lại cho rằng, tất cả đều chỉ là một màn kịch trong đó “diễn viên chính” đang được hỗ trợ rất đắc lực bởi những diễn viên phụ rất am hiểu luật chơi là các nền kinh tế lớn khác. Mọi thứ, nếu phân tích sâu hơn, thì có vẻ như chỉ là một sự hù dọa của Tổng thống Mỹ.

Theo đó, những lời đe dọa về việc sẽ tăng mức áp thuế đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ của Tổng thống Donald Trump đang khiến cả thế giới bất an. Những dòng tweet mang tính bảo hộ và khiêu khích các nước cho thấy, Mỹ đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh thương mại của ông Trump lại càng như đổ thêm dầu vào lửa, khi Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc đã lên tiếng chỉ trích khá dữ dội.

Thoạt nhìn, những kế hoạch tăng mức áp thuế mới lên các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump hiện nay rất giống với điều mà một người tiền nhiệm của ông là Tổng thống George W. Bush đã làm trước đây. Tổng thống Bush cũng đã tăng mức áp thuế nhập khẩu thép trong năm thứ 2 nhậm chức của mình.

Và một trong những lý do khiến ông Trump xem xét kế hoạch tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm hiện nay là để thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình hồi năm 2016. Vì vậy, có thể thấy về lý thuyết những lời đe dọa tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm, cũng như về một cuộc chiến tranh thương mại của Tổng thống Trump chỉ là một bước đi mang tính nước đôi nhằm đổi lấy các quyền lợi khác cho kinh tế Mỹ.

Bức màn sẽ hạ xuống khi Tổng thống Trump có thời hạn đến ngày 11-4 để giải quyết hồ sơ thép và đến ngày 19-4 về hồ sơ nhập khẩu nhôm.

NGUYỄN HÒA
(CAND)

.
.
.