Thấy gì từ lệnh trừng phạt Triều Tiên "nặng chưa từng có" của Mỹ?
Theo tờ The Hill (Mỹ), tờ báo chính thức của Quốc hội Mỹ, các biện pháp trừng phạt mới được coi là một bước đi quan trọng trong chiến dịch gây sức ép lên Triều Tiên mà chính quyền Mỹ áp đặt.
Các tàu làm ăn với Triều Tiên đều bị trừng phạt. |
Phần lớn thời gian ông Trump làm tổng thống, Mỹ và Triều Tiên đã liên tục khẩu chiến trong bối cảnh Triều Tiên có nhiều bước tiến dài hướng tới phát triển vũ khí hạt nhân có thể tấn công lục địa Mỹ. Trong khi đó, Chính quyền của ông Trump cũng đã áp dụng nhiều cơ chế trừng phạt Triều Tiên, từ một số vòng trừng phạt quốc tế cứng rắn hơn bao giờ hết thông qua LHQ cho tới các biện pháp đơn phương. Mỹ hiện giờ đã có 450 biện pháp trừng phạt Triều Tiên, một nửa trong số đó được áp dụng trong năm 2017.
Biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 27 công ty thương mại và tàu biển, 28 tàu và một cá nhân nhằm ngăn chặn hoạt động thương mại ngầm với Triều Tiên (tháng 2-2018). Các thực thể bị nhằm vào có trụ sở, đăng ký và cắm cờ ở Triều Tiên, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc), Quần đảo Marshall, Tanzania, Panama và Comoros.
Biện pháp trừng phạt đặc biệt hướng tới hoạt động chuyển nhiên liệu và than giữa các tàu. Đây là 2 thứ Triều Tiên cần cho nền kinh tế và chương trình hạt nhân, tên lửa.
Hiện chưa rõ các biện pháp trừng phạt mới sẽ khiến Triều Tiên bị tổn hại thế nào, nhưng không có đảm bảo cho thấy sẽ ngăn chặn hoạt động thương mại ngầm về nhiên liệu và than với Triều Tiên.
Ngoài các biện pháp trừng phạt, Bộ Tài chính và Ngoại giao Mỹ cùng Lực lượng bảo vệ bờ biển đã ra khuyến cáo về hoạt động tàu biển toàn cầu, lưu ý với thế giới rằng sẽ có hậu quả nếu giúp Triều Tiên. Khuyến cáo có đoạn: “Là một phần trong chiến dịch gây sức ép tối đa với Triều Tiên, Mỹ cam kết ngăn chặn Triều Tiên dùng tiền phi pháp cho chương trình vũ khí… Mỹ sẽ tiếp tục nhằm vào các cá nhân hỗ trợ hoạt động tàu biển phi pháp của Triều Tiên, cho dù họ ở đâu đi chăng nữa”.
Sau khi ông Trump thông báo các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, ông đã đưa ra khả năng hành động quân sự. Ông Trump cảnh báo: Nếu các biện pháp trừng phạt không có tác dụng, “chúng ta sẽ phải đi tới giai đoạn hai” và có thể là thứ rất cứng rắn và “rất không may cho thế giới”. Hiện chưa rõ ông Trump đang ám chỉ hành động nào.
Trước đó, khi bị phóng viên hỏi vài lần về khả năng phong tỏa hải quân mà Triều Tiên có thể coi là hành động chiến tranh, ông Mnuchin từ chối bình luận về lựa chọn quân sự. Ông nói: “Chúng tôi sẽ không thông báo trước bất kỳ điều gì chúng tôi có thể làm trong tương lai về hành động quân sự”.
Về phần mình, Triều Tiên ngày 25-2 đã chỉ trích biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ, coi đây là hành động chiến tranh. Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói trong một tuyên bố: “Như chúng tôi đã nói nhiều lần, chúng tôi coi bất kỳ biện pháp hạn chế nào nhằm vào chúng tôi là hành động chiến tranh”. Triều Tiên cũng thề sẽ trả đũa nếu Mỹ “dám” đối đầu với mình một cách cứng rắn.
THÙY DƯƠNG