.

EU chuẩn bị các kịch bản đáp trả nếu Mỹ siết chặt thương mại

Cập nhật: 19:04, 28/02/2018 (GMT+7)

Ngày 27-2, các Bộ trưởng thương mại của 28 nước Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại Sofia, Bulgaria, đã cảnh báo sẵn sàng đáp trả nếu Mỹ có các biện pháp siết chặt thương mại đối với EU. Tuy vậy, EU vẫn hy vọng có thể tránh được sự leo thang này. 

Trong cuộc họp bàn về các kịch bản hành động có thể phải sử dụng, Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmström cam kết sẽ đưa ra các hành động đáp trả nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump có các quyết định ảnh hưởng đến quan hệ thương mại với EU. 

EU đang lo lắng trước các kế hoạch của chính quyền Trump khi mới đây soạn thảo ra 3 kịch bản về thuế và hạn ngạch nhập khẩu các sản phẩm nhôm và thép vào thị trường Mỹ, đồng thời nhấn mạnh việc cần thiết phải bảo vệ an ninh quốc gia, cũng như việc làm cho nước Mỹ. Dự kiến đến ngày 11-4 tới, Tổng thống Mỹ sẽ có ý kiến cuối cùng về hồ sơ thép và khoảng 19 quyết định về hồ sơ nhôm. 

Nếu Mỹ áp dụng các biện pháp thương mại quá chặt chẽ thì EU không thể xuất khẩu được thép và nhôm sang Mỹ.
Nếu Mỹ áp dụng các biện pháp thương mại quá chặt chẽ thì EU không thể xuất khẩu được thép và nhôm sang Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Đức Matthias Machnig cho biết, các Bộ trưởng thương mại EU nhất trí về sự cần thiết chuẩn bị các hành động đáp trả Mỹ. Tuy nhiên, các Bộ trưởng vẫn bày tỏ hy vọng điều tồi tệ này sẽ không xảy ra và EU có thể sẽ hòa hợp được với Mỹ. Ông Matthias Machnig lập luận rằng, sẽ là không thông minh nếu Mỹ trừng phạt các đồng minh quan trọng như EU, Nhật Bản hay Hàn Quốc. 

Về phần mình, đại diện của Pháp cho rằng, lập luận của Mỹ về bảo đảm an ninh quốc gia là không vững chắc khi mà nền công nghiệp quốc phòng của Mỹ chỉ sử dụng một tỷ lệ không đáng kể nguyên liệu thép và nhôm. Tùy theo các biện pháp Washington đưa ra, EU có nhiều lựa chọn phù hợp để đáp trả phía Mỹ. Trước tiên, EU có thể đưa vấn đề này lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), việc này có vẻ đơn giản nhưng sẽ mất nhiều thời gian. 

Kịch bản thứ hai là EU có thể đưa ra các biện pháp được gọi là bảo vệ công nghiệp thép và nhôm châu Âu. Điều này cho phép EU ra quyết định hạn chế tạm thời về nhập khẩu một sản phẩm để bảo vệ một số ngành sản xuất liên quan khỏi tình trạng gia tăng nhập khẩu của một hay một số sản phẩm gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nói trên. 

Trường hợp Mỹ áp dụng các biện pháp thương mại quá chặt chẽ thì ngoài khả năng không thể xuất khẩu được thép và nhôm sang Mỹ, EU còn có thể phải đối mặt với nguy cơ bị chìm ngập bởi các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc. Các biện pháp phòng vệ có thể giúp EU thoát khỏi tình trạng khó khăn này.

AFP

.
.
.