Lý do dân Thụy Sĩ có nhiều súng nhưng ít xảy ra bạo lực như Mỹ
Tỷ lệ sở hữu súng của Thụy Sĩ đứng thứ 4 thế giới, nhưng tỷ lệ người tử vong liên quan tới súng chỉ là 3,01/100.000 dân, so với Mỹ là 10,54/100.000. Vậy tại sao có sự khác biệt này?
Bên trong một cửa hàng súng tại Thụy Sĩ. |
Xả súng bừa bãi đã trở thành một vấn nạn trong đời sống xã hội Mỹ nhiều năm nay. Vụ xả súng tại một trường học ở Parkland, Florida hôm 14-2 vừa qua lại làm dấy lên những câu hỏi về việc kiểm soát súng đạn tại quốc gia dân chủ này.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump và Quốc hội tới nay vẫn bế tắc trong việc đạt được đồng thuận về một giải pháp quản lý súng đạn. Theo cựu nhân viên cảnh sát Mỹ Erin Zimmerman và hiện là công dân Thụy Sĩ, Mỹ có thể học tập mô hình kiểm soát súng đạn của Thụy Sĩ – một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu súng cao nhất thế giới.
Giống như Mỹ, 1/4 gia đình Thụy Sĩ có súng trong nhà với tỉ lệ khoảng 4 người thì có 1 khẩu súng (tại Mỹ là trung bình một người dân có 1 khẩu súng). Theo thống kê, Thụy Sĩ đứng thứ 4 thế giới về tỷ lệ sở hữu súng trên 100 dân, với 24,45, sau các nước Mỹ (101,5), Đức (32), Áo (30,4).
Phần lớn súng tại Thụy Sĩ được chính phủ cấp cho các công dân nam - một phần của chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Thụy Sĩ hiện nay vận hành cơ chế quốc phòng toàn dân, tức mọi công dân nam có khả năng phục vụ quân đội được đưa vào lực lượng vũ trang dự bị. Như vậy là phần lớn súng tại Thụy Sĩ đều nằm trong tay những người được huấn luyện đầy đủ về sử dụng và bảo quản vũ khí.
Với trường hợp của Mỹ hiện nay khó có thể giảm được số lượng súng trên thị trường nhưng có thể tác động thay đổi quy định luật pháp về khả năng tiếp cận số vũ khí này. Tại Thụy Sĩ, công dân bị cấm tiếp cận với mọi loại vũ khí tự động. Từ năm 2007, một đạo luật bổ sung đã hạn chế việc bán và sở hữu đạn, giúp hạn chế các vụ tự tử và bạo lực tại nhà liên quan tới súng.
Theo quy định, súng và đạn phải được lưu trữ tách riêng một cách an toàn. Kiểm soát việc tiếp cận súng đạn không ảnh hưởng tới quyền sở hữu súng đạn của người dân, nhưng rõ ràng đã làm giảm số lượng các vụ tử vong và tự tử do súng gây ra.
Một khác biệt lớn nữa là tại Thụy Sĩ việc lấy giấy sở hữu súng thuộc về trách nhiệm của người mua vũ khí, không phải người bán. Người dân tại Thụy Sĩ muốn có được quyền mua vũ khí phải được cảnh sát bang cấp giấy phép (các vũ khí đặc biệt để săn bắn hoặc thể thao được miễn). Giấy phép này sẽ không được cấp cho những người có tiền án, tiền sự, các vấn đề về sức khỏe, tâm lý…
Hệ thống quản lý này được kết nối thông tin tới các cơ quan thực thi pháp luật, ít phiền phức và cồng kềnh như hệ thống của Mỹ, vốn được xem là còn nhiều lỗ hổng và thông tin không chính xác. Người bán súng đạn phải báo cáo về số lượng và tên người sở hữu súng đạn cho giới chức bang.
Việc mang súng ở nơi công cộng cần có một giấy phép khác chỉ được cấp cho những người đủ tiêu chuẩn. Người này phải chứng minh họ cần súng để bảo vệ bản thân trước các mối đe dọa hiện hữu, phải trải qua kỳ kiểm tra về luật và cách sử dụng súng. Các loại súng máy, phụ kiện như ống ngắm laser, ống nhìn đêm, ống giảm thanh, ống phóng lựu bị cấm bán cho người dân.
Nhưng theo cựu cảnh sát Erin Zimmerman, khác biệt lớn nhất giữa Mỹ và Thụy Sĩ là quan hệ giữa công dân, chính phủ và súng. Người Thụy Sĩ xem việc sở hữu súng đạn là một nhiệm vụ yêu nước, là quan trọng đối với an ninh quốc gia.
Thụy Sĩ trang bị súng cho lực lượng dân quân tự vệ của họ với nhận thức rằng vũ khí này là để bảo vệ đất nước trong những tình huống cần thiết. Văn hóa về trách nhiệm của người sở hữu súng tạo cho người Thụy Sĩ hiểu rằng một khi có mối đe dọa đối với việc lạm dụng súng đạn, vũ khí có thể bị tịch thu.
Bên cạnh việc bảo vệ an ninh quốc gia, mục đích chính đáng khác để sử dụng súng tại Thụy Sĩ là để săn bắn và thể thao. Tại Thụy Sĩ, có các câu lạc bộ súng được mở ra cho cả người lớn và trẻ em.
Tại Mỹ, mối quan hệ này khác. 2/3 người Mỹ sở hữu súng là vì mục đích cá nhân, nhằm bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình. Nhiều người thậm chí còn cho rằng tội ác liên quan tới súng đạn không phải là vấn đề nghiêm trọng. Phần lớn người sở hữu súng Mỹ cho rằng việc có một khẩu súng là quyền tự do cá nhân, trong khi Thụy Sĩ coi sở hữu súng gắn liền với tự do của quốc gia. Nói một cách khác, theo Erin Zimmerman, người Thụy Sĩ sở hữu súng bởi họ tin vào chính phủ của mình, người Mỹ thì không.
DUY THÁI
(P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)