Chính phủ Australia xem xét cắt giảm viện trợ nước ngoài
Ngày 29-3, Chính phủ của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đang xem xét cắt giảm 400 triệu AUD (tương đương 300 triệu USD) mỗi năm trong ngân sách dành cho viện trợ phát triển nước ngoài do sự tăng trưởng kinh tế khả quan ở một số nước nhận viện trợ.
Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đang thí điểm một số biện pháp để giảm 10% (tương đương 400 triệu AUD) ngân sách viện trợ, mặc dù kể từ năm 2014, Australia đã nhiều lần cắt giảm viện trợ, đưa mức đóng góp viện trợ của nước này hiện chỉ còn 22 cent cho mỗi 100 AUD trong Tổng thu nhập quốc dân, tỷ lệ thấp nhất kể từ trước tới nay.
Một số nguồn tin cho biết biện pháp có nhiều khả năng được thực thi là “cắt giảm cơ bản” viện trợ cho các nước ở Đông Nam Á, những nước đã đạt ngưỡng “thu nhập trung bình” và nay có khả năng tự cung cấp vốn cho phát triển, chẳng hạn như Indonesia và Việt Nam.
Một lựa chọn khác được đề cập nhiều là Australia dừng cung cấp viện trợ cho một lĩnh vực cụ thể như y tế. Việc cắt giảm này có thể được xem xét kết hợp dựa trên lĩnh vực và quốc gia cụ thể.
Ông Tim Costello, Giám đốc điều hành nhóm vận động cho viện trợ Micah Australia, cho rằng cắt giảm ngân sách viện trợ đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ lấy đi của những người nghèo nhất thế giới để bù cho phần thất thu thuế. Trong đó có kế hoạch mà chính phủ chuẩn bị trình Thượng viện xem xét về giảm thuế cho các công ty kinh doanh lớn. Dự thảo ngân sách của Australia cho thấy khoản chi cho viện trợ nước ngoài lên tới 4,01 tỷ USD trong năm tài chính tới và sẽ được giữ nguyên mức này trong 2 năm tiếp theo.
Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop năm ngoái cho biết chính phủ sẽ không xem xét tăng viện trợ phát triển nước ngoài nếu ngân sách không thặng dư. Hiện Chính phủ của Thủ tướng Turnbull đang tìm cách cắt giảm các khoản chi trước thời điểm công bố ngân sách vào ngày 8-5 tới. Hiện chưa rõ thời điểm chính xác cho việc thông báo cắt giảm viện trợ phát triển nước ngoài dự kiến từ nay cho tới tháng 5 tới. Cũng có khả năng Chính phủ Australia quyết định không cắt giảm bất cứ khoản viện trợ nước ngoài nào, hoặc tiếp tục duy trì mức viện trợ trong 2 năm tới rồi giảm dần trong những năm tiếp theo.
Kể từ năm 2013, ngân sách viện trợ chính thức nước ngoài của Australia đã giảm 30%, mặc dù tổng chi ngân sách của chính phủ chỉ tăng 10%. Tốp 5 nước nhận viện trợ phát triển hàng đầu của Australia trong năm tài chính 2015-2016 là Papua New Guinea, Indonesia, Quần đảo Solomon, Việt Nam và Philippines.
Theo TTXVN