Bầu cử Tổng thống Ai Cập 2018: Cuộc đua không cân sức
Gần 59 triệu cử tri tại “xứ sở Kim tự tháp” sẽ thực hiện quyền công dân của mình trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra từ ngày 26 đến 28-3 để lựa chọn người lãnh đạo đất nước trong 4 năm tới.
Tổng thống đương nhiệm Abdel-Fattah Al-Sisi (trái) và người đứng đầu đảng al-Ghad Moussa Mustafa Moussa. |
Các chuyên gia nhìn nhận, chỉ với 2 ứng cử viên gồm đương kim Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi và Chủ tịch đảng al-Ghad, ông Moussa Mostafa Moussa, “cuộc đua song mã” vào chiếc ghế tổng thống Ai Cập năm 2018 là “vòng đấu” không cân sức.
Ông Moussa (66 tuổi) - một kỹ sư dân dụng, là nhân vật ít “tên tuổi”, tham gia chính trường năm 2005 khi được bầu làm Phó Chủ tịch đảng al-Ghad, đảng được nhà hoạt động chính trị Ayman Nour thành lập năm 2004. Đảng al-Ghad hiện không có ghế nào trong quốc hội và hầu như bị bỏ ngoài cuộc trong những năm gần đây. Trước khi tuyên bố ra tranh cử, ông là người ủng hộ Tổng thống El-Sisi, đặc biệt là lập trường không cho tổ chức “Anh em Hồi giáo”, vốn bị cấm hoạt động sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi hồi giữa năm 2013, quay trở lại chính trường. Trong các cuộc vận động tranh cử được tổ chức giới hạn ở một số tỉnh, thành, ông tuyên bố sẽ tập trung cải thiện các điều kiện kinh tế, song không đưa ra bất kỳ một cương lĩnh hay chương trình cụ thể nào.
Trong khi đó, Tổng thống đương nhiệm El-Sisi (64 tuổi), cựu Tổng tư lệnh quân đội Ai Cập, là một chính trị gia “xuất chúng” ở trong nước và khu vực. Trong gần 4 năm cầm quyền, ông đã đưa Ai Cập thoát ra khỏi vòng xoáy bạo lực cũng như dần vực dậy nền kinh tế vốn suy yếu do bất ổn chính trị và an ninh, đồng thời khôi phục vai trò và vị thế của Ai Cập trên trường quốc tế. Dưới thời ông El-Sisi, Cairo theo đuổi chính sách ngoại giao tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, nhất là với quốc gia trong khu vực, Nga, Mỹ và các nước châu Âu, đồng thời đẩy mạnh ngoại giao kinh tế với các quốc gia có tiềm lực ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,... Trong những năm gần đây, Ai Cập không ngừng nâng cao năng lực quốc phòng, điều này thể hiện qua một loạt thương vụ mua sắm vũ khí như các thỏa thuận mua 2 tàu sân bay trực thăng Mistral và nhiều máy bay chiến đấu Rafale của Pháp, tàu ngầm của Đức, máy bay của Nga…
Cương lĩnh tranh cử của ông El-Sisi được thể hiện qua những chính sách, quyết sách mà ông đang thực hiện. Người ta có thể dễ dàng nhận thấy những thành tựu nổi bật của ông qua những dự án khổng lồ đã và đang được triển khai như dự án mở rộng Kênh đào Suez với tổng kinh phí 8 tỷ USD, dự án xây dựng thủ đô hành chính mới (tân Cairo) có tổng vốn đầu tư 45 tỷ USD, nhà máy điện hạt nhân Dabaa với 4 lò phản ứng có tổng công suất 4.800 MW và tổng kinh phí 21 tỷ USD; Dự án phát triển đô thị có tổng kinh phí 15,5 tỷ USD tại bán đảo Sinai,... Có thể thấy trong thời gian qua, kinh tế Ai Cập đang trên đà khởi sắc. Một loạt lĩnh vực chủ chốt như xuất khẩu, doanh thu của kênh đào Suez, du lịch... cải thiện đáng kể, trong khi thâm hụt ngân sách giảm xuống 4,2% GDP trong nửa đầu tài khóa 2017-2018, so với 6,4% GDP tài khóa 2016-2017. Giới đầu tư nước ngoài và du khách quốc tế đang trở lại. Doanh thu từ du lịch năm ngoái tăng hơn 120% so với năm 2016, lên 7,6 tỷ USD, trong khi doanh thu của kênh đào Suez đạt 5,3 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ai Cập đạt 8,7 tỷ USD tài khóa kết thúc vào cuối tháng 6-2017. Sự phục hồi của các lĩnh vực được coi là nguồn thu ngoại hối chủ lực của Ai Cập đã đẩy dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục 42,5 tỷ USD vào cuối tháng 2-2018. Việc triển khai nhiều dự án phát triển quốc gia cũng đã giúp đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 11,3% vào cuối năm ngoái. Lạm phát từng vọt lên mức trung bình khoảng 30% năm 2017 do tác động của chính sách thả nổi đồng nội tệ, song đang dần được kiểm soát và đã giảm lần lượt xuống 17% và 14,4% trong 2 tháng đầu năm nay. Ngoài ra, các chính sách an sinh xã hội cũng được đương kim tổng thống triệt để quan tâm.
Đa số nghị sĩ trong quốc hội, cũng như các đảng phái chính trị và đông đảo người dân đều ủng hộ ông, muốn ông tiếp tục lãnh đạo đất nước để thực hiện các “đại dự án kinh tế”, duy trì an ninh, cải thiện hệ thống giáo dục và đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố. Trong bối cảnh đất nước và khu vực hiện nay, khi an ninh vẫn là thách thức lớn và nền kinh tế mặc dù đạt nhiều thành quả song vẫn chưa bền vững.
Hơn ai hết, người dân Ai Cập đã nhận ra giá trị của hòa bình và ổn định sau thời gian dài đất nước chìm trong vòng xoáy hỗn loạn với 2 cuộc chính biến lật đổ 2 đời tổng thống. Trong cuộc bầu cử lần này, ý chí của người dân sẽ một lần nữa quyết định lộ trình để đưa đất nước Ai Cập thoát hẳn khỏi thời kỳ bất ổn, hướng tới giai đoạn thịnh vượng, phát triển.
NGUYỄN TRƯỜNG