.

Chiến dịch báo thù Đô đốc Isoroku Yamamoto trong thế chiến II - Bài 1: Ăn miếng trả miếng

Cập nhật: 10:16, 30/03/2018 (GMT+7)

Ngày 17-2-1941, 353 máy bay của Phát xít Nhật bất ngờ tung ra cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng, nơi đồn trú của các tuần dương hạm, khu trục hạm và thiết giáp hạm thuộc Hải quân Mỹ. Kết quả, 19 tàu bị đánh chìm cùng hơn 20 chiếc khác hư hỏng nặng, 2.400 quân nhân Mỹ chết và gần 1.000 người bị thương trong khi phía Nhật chỉ mất 29 máy bay.

Người vạch ra kế hoạch của cuộc tấn công ấy là Đô đốc Isoroku Yamamoto, Tư lệnh Hải quân Nhật Bản. 2 năm sau - năm 1943, người Mỹ đáp trả bằng một chiến dịch mang mật danh “Báo thù” mà mục đích là tiêu diệt Yamamoto…

CƠ HỘI NGÀN VÀNG

Đầu năm 1943, sau khi Thủy quân lục chiến Mỹ chiếm đảo Guadalcanal ở Thái Bình Dương thì các hoạt động của Hải quân Phát xít Nhật bắt đầu phải thu hẹp lại bởi lẽ những máy bay tiêm kích, máy bay ném bom của Mỹ xuất phát từ 2 sân bay trên đảo này hoàn toàn có thể kiểm soát một vùng biển rộng lớn, kéo dài từ Guadalcanal đến gần Papua New Guinea.

Ngày 1-4-1943, bộ phận kỹ thuật - được gọi là “Magic” - thuộc Cơ quan Tình báo quân đội Mỹ (MIS) thu được một bức điện đã mã hóa, phát đi từ Tokyo với tiêu đề “NTF131755”, gửi chỉ huy các Căn cứ Không quân số 1, Sư đoàn Không quân số 11 và Phi đoàn Không chiến số 26, Nhật Bản. Bức điện ấy được một nhân viên MIS người Mỹ gốc Nhật là Harald Fudenna dịch ra, nội dung ngày 18-4-1943, Tư lệnh Hải quân Nhật là Đô đốc Isoroku Yamamoto sẽ tiến hành một chuyến kiểm tra các đơn vị Không quân Nhật đang chuẩn bị để tham gia chiến dịch I-Go nhằm giành lại thế chủ động trên vùng trời quần đảo Solomon và New Guinea. Bên cạnh đó, chuyến kiểm tra của Yamamoto còn nhằm mục đích động viên tinh thần của quân đội Nhật, vốn đã phần nào suy sụp sau trận Guadalcanal thảm khốc.

Thoạt đầu, người Mỹ không tin vào độ trung thực của bức điện, mà họ cho rằng nó chỉ là một cái bẫy. Tuy nhiên sau đó, các trạm mã thám của Hải quân Mỹ ở Alaska và Hawaii cũng thu được bức điện này. Kết quả giải mã cho thấy theo kế hoạch, ngày 18-4-1943, Đô đốc Yamamoto sẽ bay từ Rabaul đến sân bay Balalae, nằm trên một hòn đảo gần đảo Bougainville thuộc quần đảo Solomon. Chuyên cơ chở Yamamoto và các sĩ quan tùy viên sẽ là 2 chiếc máy bay ném bom hạng trung Mitsubishi G4M Bettys Kokutai 705, và được hộ tống bởi 6 máy bay tiêm kích Mitsubishi A6M Zero. Họ sẽ khởi hành từ Rabaul lúc 7 giờ 40 và đến Balalae lúc 9 giờ 40 sáng.

Yamamoto (quân phục trắng) chào các phi công cùng bay với ông sáng ngày 18-4-1943.
Yamamoto (quân phục trắng) chào các phi công cùng bay với ông sáng ngày 18-4-1943.
Hai chiếc Mitsubishi G4M Bettys Kokutai 705 chở Yamamoto và các sĩ quan tùy tùng lúc cất cánh khỏi sân bay Rabaul.
Hai chiếc Mitsubishi G4M Bettys Kokutai 705 chở Yamamoto và các sĩ quan tùy tùng lúc cất cánh khỏi sân bay Rabaul.

Khỏi phải nói, bức mật điện đã khiến các tướng lĩnh Mỹ mừng hơn bắt được vàng. Cơ hội trả thù cho vụ tập kích Trân Châu Cảng đã đến. Sau khi được báo cáo, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt ủy quyền cho Bộ trưởng Hải quân Frank Knox thực hiện chiến dịch tiêu diệt Yamamoto, được đặt tên là “Báo thù - Vengeance Operation”. Tiếp theo, Frank Knox giao nhiệm vụ này cho Đô đốc Chester W. Nimitz, Tư lệnh Hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương. Tham khảo ý kiến của Đô Đốc William F. Halsey Jr, Tư lệnh Hạm đội Nam Thái Bình Dương, cả Nimitz lẫn Halsey đều đồng ý “Chiến dịch báo thù” sẽ được thực hiện bắt đầu từ ngày 17-4-1943 - nghĩa là 1 ngày trước khi đội bay của Đô đốc Yamamoto xuất phát.

Đô đốc Yamamoto, Tư lệnh Hải quân Phát xít Nhật.
Đô đốc Yamamoto, Tư lệnh Hải quân Phát xít Nhật.

YAMAMOTO LÀ AI?

Sinh ngày 4-4-1884 ở quận Nagaoka, tỉnh Niigata, Nhật Bản, Yamamoto tên thật là Isoroku Takano. Cha của Isoroku là Sadayoshi Takano, xuất thân từ dòng dõi Samurai (kiếm sĩ).

Năm 1894, Isoroku Takano được một gia đình Samurai là Yamamoto nhận làm thành viên. Sau đó, họ đổi tên Takano thành Isoroku Yamamoto. Đây là hiện tượng phổ biến ở nước Nhật lúc bấy giờ vì với những gia đình Samurai không có con trai, họ thường nhận một thanh niên của một gia đình Samurai khác về nuôi dưỡng. Ngoài việc đổi tên, người thanh niên ấy còn được hưởng mọi ưu đãi về tước vị giống như con ruột.

Năm 1904, Yamamoto tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoàng gia Nhật Bản. Trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật, ông phục vụ trên tuần dương hạm Nisshin và bị thương ở trận Tsushima, cụt mất ngón tay trỏ và ngón giữa của bàn tay trái.

Từ năm 1914, Yamamoto với cấp bậc trung úy, là giảng viên của Trường Cao đẳng Hải quân. Năm 1923, ông là thuyền trưởng tàu tuần dương Isuzu rồi năm 1930, là  thuyền trưởng  tàu sân bay Agaki. Hơn 2 năm sau khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra, ngày 15-11-1940, Yamamoto trở thành Tư lệnh Hải quân Đế quốc Nhật, hàm đô đốc. Thời điểm này, quân đội Phát xít Nhật đang tiến hành kế hoạch giao chiến với quân đội Anh, Pháp - là những đồng minh của Mỹ - để giành quyền làm chủ Miến Điện (nay là Myanmar), Philippines, Đông Dương, Singapore, Malaysia, đông Ấn Độ và phần lớn Trung Hoa lục địa.

Giữa năm 1941, cùng với việc hợp nhất các tàu sân bay để trở thành Hạm đội tàu sân bay nhằm nâng cao năng lực tác chiến, Yamamoto còn đề ra “học thuyết phòng ngừa” vì ông biết rằng cuộc chiến tranh giữa Nhật và Mỹ là điều không thể thánh khỏi. Theo học thuyết ấy, Nhật phải tấn công trước, phá hủy sức mạnh của Hải quân Mỹ, buộc người Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán mặc dù nhiều ý kiến của một số các tướng lĩnh đã cho rằng “việc tấn công phủ đầu nhắm vào nước Mỹ là việc đánh thức một gã khổng lồ vẫn còn ngủ say. Khi gã khổng lồ ấy thức dậy, hậu quả sẽ rất khủng khiếp”.

Tháng 8-1941, kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng chính thức được vạch ra. Các đơn vị không quân trên Hạm đội tàu sân bay bắt đầu tập dợt việc cất cánh hàng loạt, cách phóng ngư lôi và cách nhận diện các loại tàu chiến Mỹ từ trên cao. Nhiệm vụ chỉ huy chung trong cuộc tập kích này được giao cho Trung tướng Nagumo Chuichi, Tư lệnh Hạm đội không quân thứ nhất.

Ngày 7-12-1941, 353 máy bay Nhật xuất phát từ 6 tàu sân bay đồng loạt đánh vào Trân Châu Cảng. Kết quả 19 tàu chiến Mỹ bị chìm cùng hơn 20 chiếc khác hư hỏng nặng, 2.400 quân nhân Mỹ chết và gần 1.000 người bị thương trong khi phía Nhật chỉ mất 29 máy bay. Thất bại duy nhất của cuộc tập kích ấy là tại Trân Châu Cảng, không hề có một tàu sân bay Mỹ nào.

Thừa thắng xông lên, những tháng sau đó hạm đội của Trung tướng Hải quân Jisaburo Ozawa, Nobutake Kondo và Ibou Takahashi đã quét sạch lực lượng Hải quân Mỹ, Anh, Hà Lan và Australia ra khỏi biển đông Ấn Độ, đồng thời chiếm được căn cứ của Hải quân Mỹ ở bán đảo Bataan, Philippines, chiếm Singapore và Malaysia. Từ đây, ngành công nghiệp chiến tranh Nhật Bản đã có trong tay nguồn tài nguyên sắt thép, lúa gạo và dầu mỏ…

VŨ CAO
(Theo History - Vengeance Operation)


Chiến dịch báo thù Đô đốc Isoroku Yamamoto trong thế chiến II - Bài 1: Ăn miếng trả miếng

(Còn nữa)

.
.
.