.

Tàu chiến hoạt động 103 năm liên tục của Nga

Cập nhật: 10:36, 21/02/2018 (GMT+7)

Kommuna là tàu hải quân lâu đời nhất còn hoạt động trên thế giới, phục vụ công việc cứu hộ tàu ngầm trong hơn một thế kỷ qua.

Tàu cứu hộ trục vớt tàu ngầm Kommuna. Ảnh: Sputnik.
Tàu cứu hộ trục vớt tàu ngầm Kommuna. Ảnh: Sputnik.

Hải quân hiện đại Nga hiện nay vẫn lưu giữ và sử dụng nhiều loại tàu cổ. Tuy nhiên, có một con tàu đặc biệt, có tuổi đời lâu hơn cả, được thiết kế và đóng từ thời Sa Hoàng, từng tham gia vào hai cuộc chiến tranh Thế giới và ngày nay tiếp tục hoạt động cùng với các tàu chiến hiện đại khác, đó là khủng long Volkhov (nay được biết đến tên gọi Kommuna).

Đây là tàu vỏ đôi đầu tiên của Nga, do công ty Putilov phát triển. Con tàu hơn 100 tuổi này, Kommuna được đóng vào năm 1912 dưới sự giám sát của kỹ sư hải quân N.V. Lesnikova. Tàu được biên chế cho Hạm đội Baltic năm 1915.

Bề ngoài trông con tàu không có vẻ hiện đại, nhưng bên trong lại là một “bảo tàng” di động giúp người xem hiểu về cuộc sống và công nghệ của lực lượng hải quân đầu thế kỷ 19. Kommuna có lượng giãn nước 3.100 tấn, dài 96 m, rộng 13,2 m, được trang bị 2 động cơ diesel và có công suất 2.400 mã lực. Thiết kế của tàu rất độc đáo và riêng biệt. Toàn bộ thân tàu được đóng bằng một loại thép đặc biệt, không rỉ do đó luôn trong tình trạng hoàn hảo và hoạt động bền bỉ trong vòng 1 thế kỷ qua. Thật không may là bí kíp sản xuất loại thép này đã bị thất truyền trong cuộc cách mạng Nga.

Con tàu không chỉ là một bộ sưu tập các cổ vật mà còn được trang bị hệ thống theo dõi môi trường, cứu hộ tàu ngầm bị mắc kẹt ở độ sâu hàng nghìn mét. Năm 1922, tàu Volkhov được đổi tên thành Kommuna để phù hợp với bối cảnh chính trị mới của nước Nga thời bấy giờ.

Kommuna được chế tạo từ loại thép đặc biệt. Ảnh: Sputnik.
Kommuna được chế tạo từ loại thép đặc biệt. Ảnh: Sputnik.

Tàu không có nhiệm vụ chiến đấu do đó nó không được trang bị vũ khí. Nhiệm vụ chính của con tàu này là trục vớt tàu ngầm và hỗ trợ hoạt động của tàu ngầm tại các vùng nước xa bờ. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ 1, tàu Volkhov trở thành căn cứ nổi cho hạm đội tàu ngầm tại biển Bantic. Nó có thể chở theo 10 ngư lôi, 50 tấn nhiên liệu và tích trữ đủ nhu yếu phẩm cho 60 thủy thủ.

Tàu Kommuna đã trục vớt thành công nhiều loại tàu ngầm, tàu hàng hải thông thường trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như tàu ngầm AG-15 và tàu ngầm Unicorn lớp Bars. Năm 1919, tàu Kommuna đã trục vớt thành công tàu HMS L55 của Anh, bị chìm tại Vịnh Phần Lan do va chạm với tàu khu trục Gavril và Azard của Liên Xô.

Kommuna được chuyển tới Leningrard trong suốt thế chiến thứ hai. Mặc dù phải trải qua nhiều trận ném bom ác liệt song con tàu vẫn sống sót kỳ diệu sau 3 năm thành phố bị vây hãm. Kommuna đã chiến đấu kiên cường trong suốt cuộc chiến, tham gia trục vớt nhiều con tàu đắm, phục vụ như một cơ sở neo đậu và sửa chữa tàu ngầm. Sau khi chiến tranh kết thúc, các thủy thủ trên tàu được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý trong đó có Huân chương “Vì sự nghiệp bảo vệ Leningrard”.

Sau khi được tu bổ và tân trang lại vào những năm 1950, Kommuna tiếp tục nhiệm vụ trục vớt trang thiết bị và khí tài quân sự dưới biển.

Kể từ năm 1967, tàu Kommuna gia nhập Hạm đội Biển Đen, đóng tại Sevastopol, Crimea và đội ngũ thủy thủ đoàn cũng tăng lên đến 41 người. Vào năm 1974, Kommuna được biên chế loại tàu ngầm lặn sâu hiện đại nhất thời bấy giờ, tàu ngầm Type AS-6 Poisk-2 có thể lặn ở độ sâu 2.000 mét. Tàu Kommuna đã trục vớt thành công 150 tàu ngầm và cả máy bay Su-24 Fencer bị rơi tại Biển Đen vào năm 1977.

Vào những năm 1980, Kommuna được dự kiến chuyển giao cho Viện Hàn lâm khoa học Nga để sử dụng cho các mục đích thăm dò vùng nước sâu. Tuy nhiên, vì một số lý do, có thể là do thiếu kinh phí nên việc chuyển giao này đã không diễn ra.

Qua thời gian, con tàu này đã trải qua nhiều đợt tu sửa và hiện đại hóa để có thể đảm nhiệm được những nhiệm vụ lịch sử. Ngày nay, tàu được trang bị một tàu lặn điều khiển từ xa Saab Seaeye Panther Plus có thể nghiên cứu các vật thể ở độ sâu tới 1km. Chiếc đàn piano cổ được đưa lên tàu vào năm 1914 cũng được sửa chữa và hoạt động trở lại.

HỒNG ANH/VOV

 

 

.
.
.