.

Năm mới 2018 chào đón những công nghệ mới

Cập nhật: 15:31, 23/02/2018 (GMT+7)

Những tháng đầu năm mới 2018 thế giới tiếp tục chào đón những công nghệ mới mà trước đây chỉ có trong phim của Hollywood. Báo BR-VT xin giới thiệu một số thành tựu mới nhất. 

Máy bay không người lái chở khách

Đầu tháng 2-2018, Công ty EHang Inc. có trụ sở tại TP.Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã cho trình làng chiếc máy bay không người lái “EHang-184” chở khách, thực hiện một chuyến bay thực tế. Quan chức điều hành của EHang Inc., cho biết, trước khi có được thành quả mang tính đột phá này, công ty đã tiến hành hơn 1.000 chuyến bay thử đối với EHang-184. Về hình thức, EHang-184 trông giống một chiếc trực thăng cỡ nhỏ, được trang bị 4 cánh quạt. Chạy hoàn toàn bằng điện, tải trọng tối đa 100kg và có thể hoạt động trong vòng 23 phút sau 2 giờ xạc đầy điện. Máy bay được thiết kế bay ở độ cao từ 300-500m so với mực nước biển, có thể đạt tới trần bay 3,5km; vận tốc tối đa 100km/h. Việc vận hành EHang-184 cũng khá đơn giản, hành khách chỉ cần vào máy bay, thắt đai an toàn và ấn 2 nút điều khiển “cất cánh” và “hạ cánh”. Theo một quan chức cấp cao của Công ty EHang Inc., việc đưa vào khai thác EHang-184 có thể giúp giảm thiểu lưu lượng giao thông đường bộ. Ngoài ra, còn rất hữu dụng trong các trường hợp cứu trợ khẩn cấp, vận chuyển bệnh nhân và phục vụ du lịch. Giám đốc Tài chính của EHang Inc. cho hay, công ty hy vọng sẽ bán mỗi chiếc EHang-184 với giá khoảng 200.000-300.000 USD trong năm nay.

Bên cạnh đó, hãng chế tạo máy bay hàng đầu thế giới Airbus cũng đã tổ chức thành công chuyến bay thử nghiệm đối với phương tiện bay bằng điện không người lái mang tên Vahana, mở ra hy vọng phát triển dịch vụ vận tải “xanh” trên khắp các thành phố. Với kết cấu 8 cánh quạt (rotor) tạo lực đẩy cho phép cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng, Vahana đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm thứ hai trong ngày 1-2-2018. Dự kiến, hoạt động thử nghiệm bổ sung sẽ được tiến hành trong thời gian tới. Trên website chính thức, Airbus cho biết hãng này đã nỗ lực phát triển máy bay thân thiện môi trường Vahana trong gần 2 năm qua. Phương tiện đặc biệt này được thiết kế chỉ chở 1 khách và có tính năng bay tự động. Thiết kế của Airbus xuất phát từ ý tưởng đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng trong việc di chuyển tại các khu vực thành thị đông dân cư. Công nghệ vận hành tự động đang đạt tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây với việc các công ty công nghệ cao và các nhà chế tạo xe hơi đưa nhiều phương tiện độc đáo vào thử nghiệm trên đường, trong khi một số nhà phát minh và các công ty khởi nghiệp (start-up) phát triển nhiều ô tô bay với tham vọng đưa ra loại hình vận tải công cộng mới - taxi bay.

Tàu hỏa không xả khí thải, chỉ xả hơi nước

Con tàu Coradia iLint. Ảnh: Alstom 
Con tàu Coradia iLint. Ảnh: Alstom 

Đức đã ra mắt tàu hỏa chở khách không khí thải đầu tiên trên thế giới và phương tiện này hiện mang nhiều kỳ vọng sẽ thay đổi tương lai của ngành đường sắt, trở nên thân thiện hơn với môi trường. Vào ngày 10-10-2017, công ty Alstom đã ra mắt con tàu Coradia iLint tại nhà máy ở miền Bắc nước Đức. Coradia iLint di chuyển nhờ các pin lithium ion to lớn, nhận năng lượng từ thùng nhiên liệu hydro  đặt trên nóc con tàu.

Tờ Independent (Anh) cho biết hydro khi đốt cùng oxy sẽ tạo ra nguồn năng lượng lớn với sản phẩm phụ duy nhất là nước. Coradia iLint có thể di chuyển hơn 800km trong một ngày và đạt vận tốc 140km/giờ, đồng thời không gây nhiều tiếng ồn.

Alstom đã ký kết thỏa thuận cung cấp 14 tàu Coradia iLint cho bang Niedersachsen của Đức. Dự kiến từ tháng 12-2021, Coradia iLints sẽ thay thế các tàu hỏa chạy bằng dầu diesel trên các tuyến đường ở Tây Bắc nước Đức, từ Cuxhaven tới Bremerhaven, Bremervörde và Buxtehude.

Trạm nạp hydro cho tàu Coradia iLint dự kiến được đặt tại Bremervörde và có chi phí vào khoảng 10 triệu euro. Mức giá này được cho vẫn “nhẹ nhàng” hơn so với dự án tàu điện. Hiện tại Hà Lan, Đan Mạch và Na Uy cũng thể hiện quan tâm tới tàu Coradia iLint.

Falcon Heavy và kế hoạch trở lại Mặt Trăng

Ngày 7-2-2018, Tập đoàn công nghệ thám hiểm không gian SpaceX của Mỹ đã phóng thành công “tên lửa mạnh nhất thế giới” Falcon Heavy trong một cuộc thử nghiệm lần đầu tiên khi đưa chiếc xe ô tô Tesla của Giám đốc điều hành SpaceX Elon Musk lên vũ trụ. Tên lửa Falcon Heavy, mang theo chiếc xe không mui Tesla đã được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy tại phía Nam bang Florida, nơi khởi hành của các sứ mệnh Apollo lên Mặt Trăng và tàu vũ trụ con thoi trước đây. Với tổng cộng 27 động cơ Merlin, Falcon Heavy được xem là tên lửa mạnh nhất thế giới có thể mang tới 64 tấn hàng lên quỹ đạo. Khoảng 2 phút sau khi được phóng, 2 tên lửa đẩy ở hai bên của Falcon Heavy đã tách khỏi phần trung tâm và quay trở lại mặt đất với cú đáp xuống theo phương thẳng đứng. Dự kiến, phần trung tâm của tên lửa Falcon Heavy sẽ quay trở lại Trái Đất và đáp xuống bệ đỡ trên mặt biển. Tuy nhiên, hiện chưa rõ tình trạng của chiếc xe Tesla sẽ ra sao khi xe này không có lớp bảo vệ trong môi trường rất khắc nghiệt trên vũ trụ. Nếu “sống sót” bình thường, chiếc xe sẽ đi vào quỹ đạo Trái Đất - Sao Hỏa quanh Mặt Trời, chuyến hành trình có thể kéo dài khoảng 1 tỷ năm.

Các chuyên gia nhận định vụ phóng tên lửa Falcon Heavy nhận được nhiều sự chú ý của NASA, vốn đang cân nhắc sử dụng tên lửa này để đẩy nhanh các kế hoạch trở lại Mặt Trăng lần đầu tiên kể từ năm 1972.

 THƯ KỲ

.
.
.