Hy vọng cải thiện quan hệ Mỹ - Triều Tiên có tắt theo ngọn lửa Olympic?
Tia hy vọng mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên có thể được cải thiện nhờ “hiệu ứng hòa bình” của những bước “xích lại gần nhau” giữa hai miền Triều Tiên trong suốt kỳ Olympic mùa Đông 2018 dường như đang tắt dần theo ngọn lửa trên đài đuốc Olympic ở sân vận động thành phố PyeongChang.
Các vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên tại lễ bế mạc Olympic PyeongChang 2018. Ảnh: Kyodo |
Ngoài những cơ hội bị bỏ lỡ tại PyeongChang cho các cuộc gặp Mỹ - Triều, chiến lược gây sức ép tối đa với những biện pháp trừng phạt mới mạnh nhất từ trước tới nay mà Mỹ áp đặt đối với Bình Nhưỡng nhằm mục đích buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân - tên lửa, tiếp tục có nguy cơ phản tác dụng.
Có thể thấy, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nỗ lực tận dụng tối đa kỳ Olympic mà Hàn Quốc làm chủ nhà để làm “tan băng” mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, đồng thời tạo tiền đề không thể thuận lợi hơn cho một cuộc đối thoại Mỹ - Triều nhằm mở lối thoát cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vốn bế tắc nhiều năm nay.
Hàng loạt cuộc tiếp xúc giữa ông Moon Jae-in với các quan chức cấp cao Triều Tiên tới Hàn Quốc tham dự các sự kiện của Olympic, đã tạo bầu không khí hòa giải hiếm hoi giữa hai miền, bao gồm cả khả năng tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, làm dấy lên hy vọng “điểm nóng” bán đảo Triều Tiên có thể hạ nhiệt. Tuy nhiên, các nỗ lực của Hàn Quốc có vẻ không nhận được sự hưởng ứng của đồng minh quan trọng nhất là Mỹ.
Việc Washington và Bình Nhưỡng cử phái đoàn cấp cao tham dự lễ khai mạc Olympic tại Hàn Quốc từng khiến dư luận hy vọng vào một cuộc gặp Mỹ - Triều nhân dịp này. Đoàn Mỹ do Phó Tổng thống Mike Pence dẫn đầu; đoàn Triều Tiên là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân tối cao Kim Yong-nam, cùng cả em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un là Kim Yo-jong.
Tuy nhiên, “các vị khách mời đặc biệt” của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đều tỏ ra chưa sẵn sàng cho một cuộc gặp trực tiếp, dù họ cùng tham dự buổi lễ tiếp đón do ông Moon Jae-in chủ trì, được xếp ngồi cùng bàn trong bữa tiệc tối và ngồi cùng một lô trên khán đài trong lễ khai mạc Olympic.
Một cuộc gặp được lên kế hoạch giữa các quan chức Mỹ và Triều Tiên một ngày sau đó cũng đã bị hủy vào phút chót sau khi ông Pence tiếp tục chỉ trích Triều Tiên và công bố kế hoạch của Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Bình Nhưỡng.
Tương tự, không có cuộc tiếp xúc nào giữa phái đoàn Mỹ, với sự tham gia của con gái Tổng thống Mỹ Donal Trump, cô Ivanka Trump, và phái đoàn cấp cao Triều Tiên, do ông Kim Yong-chol, Trưởng ban Mặt trận Thống nhất đảng Lao động Triều Tiên, dẫn đầu sang tham dự lễ bế mạc Olympic. Mọi cơ hội đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên nhân sự kiện Olympic lần này đã bị bỏ qua, bất chấp Hàn Quốc đã rất nỗ lực để sắp xếp.
Một lần nữa, sự thiếu lòng tin và thiếu thiện chí lại đang đẩy Mỹ và Triều Tiên vào vòng xoáy đối đầu. Washington dù tuyên bố ủng hộ đối thoại liên Triều và sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng, song vẫn coi chiến lược gây sức ép tối đa là “phương thuốc” chủ yếu để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.
Một mặt cáo buộc Bình Nhưỡng “chưa bao giờ thực sự muốn ngồi vào bàn đàm phán”, mặt khác, ngay trong thời gian diễn ra Olympic, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mà Washington cho là mạnh nhất từ trước đến nay, nhằm vào 27 công ty thương mại và vận tải biển, 28 tàu thuyền và 1 cá nhân bị tình nghi giúp Triều Tiên “lách” các biện pháp trừng phạt hiện hành.
Tổng thống Trump còn đe dọa nếu các trừng phạt mới không đạt kết quả, Mỹ “sẽ phải chuyển qua giai đoạn hai”, được hiểu có thể bao gồm cả biện pháp quân sự như chính quyền Mỹ từng nhiều lần nhắc đến. Chưa hết, Mỹ còn đang tìm kiếm một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để siết chặt trừng phạt Bình Nhưỡng. Bước đi tăng cường sức ép này của Mỹ đối với Triều Tiên phần nào phá hỏng môi trường thuận lợi cho đối thoại, được tạo ra từ bầu không khí hòa giải trên bán đảo Triều Tiên trong gần 1 tháng qua.
Trong khi đó, mặc dù ông Kim Yong-chol, Trưởng phái đoàn cấp cao Triều Tiên sang tham dự lễ bế mạc Olympic PyeongChang, tuyên bố rằng Triều Tiên sẵn sàng đối thoại với Mỹ, song Bình Nhưỡng cũng ngay lập tức phản ứng cứng rắn trước những động thái trừng phạt mới của Washington.
Tuyên bố của phía Triều Tiên, trong đó khẳng định mọi hình thức phong tỏa mà Mỹ áp đặt sẽ bị coi là “hành động chiến tranh”, và cảnh báo Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm về “tất cả những hậu quả thảm khốc” khi bán đảo Triều Tiên bị đẩy đến “miệng hố chiến tranh” do cách hành xử bất chấp của Washington, cho thấy căng thẳng và đối đầu Mỹ-Triều rõ ràng chưa thể hóa giải.
Giới phân tích thế giới tỏ ra ít lạc quan về hiệu quả thực sự của các biện pháp trừng phạt kinh tế dù mạnh mẽ mà Washington đang áp dụng, đồng thời cho rằng Bình Nhưỡng không dễ dàng ngồi vào bàn đàm phán nếu các điều kiện của họ không được đáp ứng.
Với tình hình như vậy, khó có thể dự báo chính xác điều gì sẽ diễn ra sau khi kết thúc Paralympic PyeongChang vào giữa tháng 3 tới, thời điểm Mỹ và Hàn Quốc dự kiến nối lại các cuộc tập trận thường niên “Giải pháp then chốt” và “Đại bàng non”, vốn được hoãn lại nhằm giảm căng thẳng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức Olympic.
Những gì đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên một lần nữa chứng tỏ rằng hy vọng cho hòa bình chỉ có được thông qua đối thoại và các biện pháp ngoại giao. Ngược lại, cách tiếp cận không khoan nhượng, thiếu tin cậy của các bên có thể khiến tình hình đi theo chiều hướng xấu, dẫn đến những kịch bản tồi tệ.
BẠCH DƯƠNG (TTXVN)