.

Các nước lớn toan tính gì khi can dự vào cuộc xung đột tại Syria?

Cập nhật: 16:44, 25/02/2018 (GMT+7)

Cuộc xung đột tại Syria đã kéo dài sang năm thứ 7 với những diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Phe đối lập Syria và lực lượng trung thành với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad giờ đây không phải là các bên duy nhất tham chiến. Nhiều quốc gia khác cũng “nhúng tay” vào chiến sự để theo đuổi lợi ích riêng của mình, biến Syria thành một “chảo lửa cháy hừng hực” tại Trung Đông.

Một cuộc không kích của Mỹ tại Syria. Ảnh: Premium Times.
Một cuộc không kích của Mỹ tại Syria. Ảnh: Premium Times.

Iran là một trong những quốc gia thân cận nhất với chính quyền Tổng thống al-Assad. Mong muốn duy trì ảnh hưởng tại Trung Đông, Iran đã hỗ trợ vũ khí, tài chính, thông tin tình báo cho quân đội Syria và lực lượng ủng hộ Tổng thống al-Assad.

Iran cũng điều các cố vấn quân sự từ Lực lượng Vũ trang cách mạng tới Syria và đào tạo những tay súng từ Phong trào Hezbollah - một nhóm vũ trang có căn cứ tại Lebanon do Iran hậu thuẫn chiến đấu cùng lực lượng của Tổng thống al-Assad. Sự can dự trong cuộc chiến này giúp Iran tạo dựng hình ảnh là “người bảo vệ” cho cộng đồng Hồi giáo Shiite - nhánh Hồi giáo chiếm đa số tại Iran, cũng như người Hồi giáo Shiite tại Syria vốn là mục tiêu tấn công của nhiều nhóm phiến quân và khủng bố dòng Sunni đối lập. Hơn nữa, Iran muốn giúp Tổng thống Bashar al-Assad khôi phục quyền lực.

Tổng thống al-Assad luôn có quan điểm chung với Iran về nhiều vấn đề trong khu vực, đặc biệt là phản đối ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông và mong muốn Iran sẽ giữ vai trò dẫn đầu khu vực thay vì Saudi Arabia.

Nga đã trở thành đồng minh chính của Tổng thống al-Assad và là một trong những nhà tài trợ cho chính phủ Syria kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria theo đề nghị của ông al-Assad vào năm 2015.

Nga cho biết, các cuộc không kích đều nhằm mục tiêu vào các nhóm khủng bố, trong đó có IS. Thực tế, máy bay ném bom của Nga còn nhắm mục tiêu vào cả những nhóm chống đối Tổng thống al-Assad.

Sự can dự của Nga tại Syria đã mang lại kết quả khả quan mà phía Nga cho là thành công. Một mặt, sự hiện diện của Nga đã phần nào giúp quân đội Tổng thống al-Assad chiếm thế thượng phong. Mặt khác, điều này giúp Nga đảm bảo an toàn cho các căn cứ quân sự tại Syria, gồm căn cứ không quân ở tỉnh Latakia và căn cứ hải quân ở thành phố cảng Tartus. Cuối cùng, quyết định can thiệp đã giúp Moscow gia tăng đáng kể sức ảnh hưởng của mình về mặt địa chính trị ở khu vực này.

Saudi Arabia đã cung cấp tài chính và vũ khí cho nhiều lực lượng đối lập Syria, trong đó có cả các nhóm phiến quân Hồi giáo. Quốc gia này cũng tham gia vào liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu tại Syria. Saudi Arabia là một quốc gia Hồi giáo với cộng đồng người Sunni chiếm đa số. Nước này từng phản đối các nỗ lực của Iran mở rộng ảnh hưởng tại Vùng Vịnh Ba Tư kể từ khi kết thúc chiến tranh tại Iraq năm 2003. Chính phủ Saudi Arabia muốn thay thế Tổng thống Assad của Syria bằng một vị tổng thống có quan điểm tương đồng và ủng hộ Saudi Arabia, chống lại Iran.

Thổ Nhĩ Kỳ từng có quan hệ rất tốt với chính quyền Tổng thống Assad từ giữa những năm 2000. Tuy nhiên kể từ khi xung đột tại Syria bùng phát vào tháng 3-2011, Thổ Nhĩ Kỳ lại ủng hộ và cung cấp vũ khí cho phe đối lập không phải người Kurd tại Syria. Và họ đã cho phép các tay súng đối lập Syria thực hiện các cuộc tấn công trên bộ từ lãnh thổ của mình hoặc tại khu vực biên giới giữa hai nước. Bên cạnh đó, Ankara cũng tiến hành các cuộc không kích IS và giao chiến với phe đối lập người Kurd tại Syria kể từ giữa năm 2016. Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ muốn ngăn cản người Kurd tại Syria thành lập “vương quốc tự trị” vì nếu điều này thành hiện thực sẽ truyền cảm hứng cho những tham vọng tương tự với người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mặt khác họ cũng muốn đánh bại IS - tổ chức khủng bố đã tiến hành nhiều cuộc tấn công tại quốc gia này và gây dựng một chính phủ ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.

Israel đã phát động nhiều cuộc không kích chống lại lực lượng Hezbollah và các căn cứ quân sự của Iran trên lãnh thổ Syria kể từ khi xung đột bùng phát vào tháng 3 năm 2011. Sở dĩ Israel muốn can dự vào tình hình chiến sự của Syria vì muốn ngăn chặn Iran mở rộng ảnh hưởng tại quốc gia Trung Đông này.

Israel và Iran có cả một lịch sử đối đầu. Quốc hội Iran từng bỏ phiếu ủng hộ dự luật công nhận Jerusalem là thủ đô của Palestine, động thái được cho là nhằm đáp trả việc Mỹ công nhận thành phố này là thủ đô Israel. Iran cũng nhiều lần hoài nghi về sự tồn tại của nhà nước Israel và hỗ trợ các lực lượng chống đối Israel.

Can dự vào xung đột Syria, Israel còn muốn ngăn chặn phong trào Hồi giáo Hezbollah do Iran hậu thuẫn mở rộng lãnh thổ cũng như ngăn ngừa các nguy cơ bất ổn an ninh. Israel nhiều lần cáo buộc Hezbollah nã đạn pháo vào nước này từ lãnh thổ Lebanon và cũng lo ngại những vụ tấn công tương tự sẽ xảy ra tại khu vực do Israel kiểm soát tại Cao nguyên Golan.

Mỹ dẫn đầu liên minh quốc tế chống khủng bố tấn công các cứ điểm của IS tại Syria kể từ năm 2014. Nước này đã yểm trợ trên không và cung cấp vũ khí cho nhiều nhóm đối lập tại miền bắc Syria, trong đó có Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đang giao tranh với Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh của Mỹ tại NATO. Bên cạnh đó, Mỹ còn triển khai hàng trăm lực lượng đặc nhiệm tới Syria tham chiến cùng các phe đối lập.

Mục đích trước nhất của Mỹ là loại bỏ tổ chức khủng bố IS và các nhóm khủng bố khác tại Syria. Ngoài ra, theo giới phân tích quân sự, Mỹ còn có những toan tính lợi ích khác như gia tăng cạnh tranh địa chính trị tại khu vực, làm suy yếu các thế lực mà Mỹ cho là kẻ thù truyền thống tại Trung Đông, khiến Iran - quốc gia đối đầu với Mỹ thiệt hại về tài chính và quân sự.

Pháp và Đức đã thực hiện nhiều chuyến bay do thám trên lãnh thổ Syria để giúp liên minh chống khủng bố tiến hành các cuộc không kích chống khủng bố, hỗ trợ phe đối lập người Kurd tại Syria. Trong khi đó, Pháp gửi vũ khí và hàng viện trợ về y tế cho các phe đối lập tại Syria. Nước này đã tham gia các vụ không kích chống khủng bố sau cuộc tấn công khủng bố tại Paris năm 2015 mà thủ phạm là IS. Mục đích của hai quốc gia này là đánh bại IS để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố tại châu Âu. Không chỉ vậy, họ đều có quan điểm muốn Tổng thống Assad từ bỏ quyền lực, nhằm gây dựng một chính phủ Syria tương lai thân phương Tây.

HỒNG ANH

.
.
.