.

Tình hữu nghị Pháp - Việt góp phần vào thành công của Hiệp định Paris 1973

Cập nhật: 16:21, 28/01/2018 (GMT+7)

Đã thành thông lệ, vào dịp đầu năm, chúng tôi lại có những chuyến đi về thành phố Choisy-Le-Roi, khi thì để gặp những người bạn cũ ôn lại một thời đáng nhớ của những năm tháng diễn ra đàm phán hiệp định Paris về Việt Nam, khi thì lại để cùng Hội hữu nghị Pháp-Việt của thành phố tổ chức ăn tết nguyên đán cổ truyền Việt Nam.

Tòa thị chính thành phố Choisy-Le-Roi.
Tòa thị chính thành phố Choisy-Le-Roi.

Trở lại Choisy-Le-Roi vào những ngày cuối tháng 1 này, là dịp kỉ niệm tròn 45 năm kí Hiệp định Paris về Việt Nam. Dẫu biết sẽ có bạn Pháp ra đón, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi xúc động bởi khi đến “Quảng trường Hiệp định Paris” đã có một phái đoàn của bạn chờ sẵn, trong đó có cả ông Daniel Davisse, từng giữ cương vị Thị trưởng thành phố Choisy-Le-Roi từ 1996 đến 2014.

Gắn bó với Việt Nam từ khi còn là một đảng viên trẻ tích cực của ĐCS Pháp những năm 60, đến giờ trong ông vẫn còn nguyên bầu nhiệt huyết và mối thâm tình với nước Việt.

Chúng tôi cùng nhau ôn lại những kỉ niệm của một thời oanh liệt. Ngày ấy, Đảng Cộng sản Pháp đã hỗ trợ ta rất nhiều, nhất là cho các hoạt động phục vụ đàm phán tại Pháp. Bạn đã cử cán bộ giúp phái đoàn ta từ nơi ăn, chỗ ở, phương tiện di chuyển, các địa điểm phục vụ cho việc đàm phán bí mật … Và thành phố Choisy-Le-Roi là nơi ghi nhiều dấu ấn lịch sử nhất.

Cùng thăm lại nhiều địa điểm lịch sử của những năm diễn ra đàm phán Hiệp định Paris. Từ trường Đảng Maurice Thorez trên đại lộ “Avenue du Générale Leclerc”, tòa thị chính hay ngôi nhà trên phố “Rue Darthe”…

Ông Daniel Davisse nhắc lại về việc năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris, thành phố đã quyết định xây dựng quảng trường “Hiệp định Paris” và cột Biểu tượng vì Hòa bình tại trung tâm thành phố, bên cạnh cây cầu Choisy-Le-Roi bắc qua sông Seine.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cùng nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam và Pháp đã dự lễ khánh thành quảng trường vào ngày 23-3-2013. Quảng trường là nơi tôn vinh ý chí đấu tranh bền bỉ vì hòa bình của dân tộc Việt Nam và cũng mang dấu ấn đặc biệt của tình đoàn kết hữu nghị gắn bó giữa Việt Nam và Pháp.

Cho đến hôm nay, Việt Nam vẫn giữ một vị trí quan trọng đối với người dân thành phố Choisy-Le-Roi. Thành phố đã dành một vị trí trang trọng trong phòng họp Hội đồng để treo bức tranh đặc sắc cỡ lớn, được làm từ 4.000 mảnh gốm ghép lại do nữ họa sỹ Nguyễn Thu Thủy-tác giả dự án “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”, trao tặng.

Phía trên cao của bức tranh là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng biểu tượng Khuê Văn Các của Hà Nội và biểu tượng của thành phố Choisy-Le-Roi. Bên dưới là các bức ảnh về các phái đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam; toàn cảnh lễ ký kết Hiệp định Paris cùng các vị lãnh đạo như Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy…

Nổi bật trên bức tranh là lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam và hai dải lụa màu xanh và đỏ biểu hiện cho hai dòng sông là sông Seine của Paris và sông Hồng của Hà Nội. Bức tranh thể hiện một giai đoạn trong dòng chảy lịch sử của thành phố.

Hàng năm, Choisy-Le-Roi đều tổ chức lễ kỷ niệm ngày ký kết Hiệp định Paris. Thành phố đánh giá rất cao về ý nghĩa và vai trò của Hiệp định và đã làm rất nhiều để Hiệp định Paris sống và hiện diện tại thành phố.

Bà Jeannine Rubin chia sẻ: “Đó là những thời gian đáng nhớ. Tôi vẫn giữ cho mình những kỉ niệm tuyệt vời này. Tôi cảm nhận và thấy mọi người trong phái đoàn thật dễ mến và gần gũi. Việc đạt được hiệp định là rất quan trọng, là vinh dự và tự hào cho thành phố chúng tôi”. Trong thời gian diễn ra đàm phán hơn 40 năm trước, bà Jeannine Rubin khi đó còn trẻ, là đảng viên tích cực của ĐCS Pháp và tham gia công tác cấp dưỡng, nấu ăn cho phái đoàn Việt Nam.

Đón chúng tôi lần này còn có cả ông Michel Strachinescu, lái xe cho nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trong thời gian đàm phán. Ông Michel xúc động cho biết: “Tôi còn giữ lại hết những kỉ niệm về thời gian đáng nhớ đó. Những hình ảnh về con người, về người phụ nữ đáng kính tài ba, về chiếc xe và cả lá cờ nữa. Tôi thấy khoảng thời gian đó thật là tuyệt vời và đáng tự hào”.

Cùng với những người bạn Pháp, bà con người Việt ta tại Pháp cũng đóng góp không nhỏ cho phái đoàn và cho thành công của Hiệp định. Dù đã trên 80 tuổi nhưng ông Lâm Bá Châu, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Việt kiều tại Pháp nay là Hội người Việt Nam tại Pháp, vẫn hồ hởi và xúc động khi kể về thời gian diễn ra đàm phán: “Suốt thời gian Hội nghị Paris, tất cả phong trào Việt kiều phục vụ cả hai đoàn miền Bắc và miền Nam như nhau. Đối với đồng bào ta ở Pháp thì Việt Nam là một, Chính phủ dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam hay Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa là một; cờ đỏ sao vàng hay cờ xanh đỏ sao vàng chỉ là một. Chúng tôi rất cảm động là trong nước rất tín nhiệm phong trào yêu nước của Việt kiều tại Pháp”.

Ông Nguyễn Tích Kỳ, người được Hội liên hiệp Việt kiều tại Pháp cử tham gia công tác đảm bảo an ninh cho phái đoàn Việt Nam, chia sẻ thêm về cảm xúc khi Hiệp định Paris được kí: “Khi nghe chiến thắng đem về do có Hiệp định Paris thì chúng tôi vui lắm, ai cũng hồ hởi cả. Thế nhưng mà chỉ mừng vui 5 phút thôi, vì công việc còn nhiều lắm. Thời điểm đó là sự phối hợp giữa sức mạnh của Đảng cộng sản Pháp, sức mạnh của chiến trường mình bên Việt Nam và sự đoàn kết của Việt kiều ở Pháp”.

Chia tay Choisy-Le-Roi để sẽ sớm trở lại cùng đón Tết Việt Nam. Thật cảm động bởi tình hữu nghị Pháp-Việt đã góp phần vào thành công của Hiệp định Paris năm 1973 nhưng vẫn còn nồng thắm trong các mối quan hệ và dự án hợp tác hôm nay và cả ngày sau nữa.

VIỆT SƠN
(P/v TTXVN tại Pháp)

.
.
.